Báo Đồng Nai điện tử
En

Lo âu sau vụ xe cứu thương gây tai nạn

10:10, 09/10/2016

Xe cứu thương (cấp cứu) được hưởng ưu tiên khi tham gia giao thông nhưng việc tổ chức, hoạt động của loại phương tiện này thời gian qua bộc lộ nhiều vấn đề.

Xe cứu thương (cấp cứu) được hưởng ưu tiên khi tham gia giao thông nhưng việc tổ chức, hoạt động của loại phương tiện này thời gian qua bộc lộ nhiều vấn đề.

Phần đầu chiếc xe cứu thương bị hư hỏng nang. (Ảnh do Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam cung cấp)

Xe cứu thương va chạm với xe bồn chở xăng trên cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây khiến 1 người chết, 3 người bị thương. (Ảnh do Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam cung cấp).

Tai nạn liên quan đến xe cứu thương xảy ra không chỉ khiến người bệnh bị thiệt thòi, mà chính những người cùng đi trên xe cũng gặp nhiều rủi ro.

* Những vụ tai nạn thương tâm

Khoảng 5 giờ 30 ngày 3-10, trên tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đoạn qua huyện Long Thành đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe cứu thương với xe bồn khiến 1 người chết và 3 người bị thương nặng. Theo đó, xe bồn chở dầu do tài xế Nguyễn Thành Công (quê tỉnh Khánh Hòa) điều khiển đang đậu ở làn dừng khẩn cấp tại km21+950 trên tuyến cao tốc hướng huyện Long Thành đi TP.Hồ Chí Minh thì bị xe cấp cứu do tài xế Nguyễn Văn Phượng (54 tuổi, ngụ Lâm Đồng) điều khiển đâm mạnh từ phía sau. Do bị thương quá nặng, tài xế xe cứu thương Nguyễn Văn Phượng đã tử vong, nhân viên y tế Phan Thị Tuyết Nga (27 tuổi) bị thương, chị Phan Thị Ánh (31 tuổi, người nhà bệnh nhân đi theo xe cứu thương) bị chấn thương sọ não, còn ông Lê Xuân Nguyên (43 tuổi, bệnh nhân bị gãy chân) tiếp tục bị thương nặng.

Hiện nay, nhu cầu vận chuyển người bệnh bằng xe cứu thương khá cao, nhiều bệnh viện không đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, có khá nhiều xe sẵn sàng “nhái” xe cứu thương để hoạt động với chi phí vận chuyển mập mờ, thu thêm phí phụ bên ngoài, vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Trả lời phóng viên Báo Đồng Nai, Phó giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam Nguyễn Thị Hà Phương cho biết theo ghi nhận của công ty, trong quá trình di chuyển, xe cứu thương đã không giữ khoảng cách an toàn, còn xe bồn chở xăng đang dừng nhưng không có tín hiệu cảnh báo.

“Ngoài ra, nếu đường không đông thì xe cứu thương không được phép đi vào làn ưu tiên. Chúng tôi đang phối hợp với cơ quan điều tra xác định thời điểm xảy ra tai nạn, đoạn đường này xe cộ di chuyển có đông hay không” - bà Phương cho hay.

Trước đó, vào tối 26-6, trên quốc lộ 1, đoạn thuộc địa bàn phường An Bình (TP.Biên Hòa), xe ô tô cứu thương của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất trên đường chuyển bệnh nhân đi TP.Hồ Chí Minh đã đụng vào đuôi xe ô tô tải đậu bên đường khiến 5 người trên xe cứu thương (kể cả lái xe và điều dưỡng viên) bị thương nặng. Sau khi vụ việc xảy ra, bà Nguyễn Thị Hồng Vân (người nhà bệnh nhân đi trên xe) phản ánh tài xế xe cứu thương điều khiển trong tình trạng có hơi men, phóng nhanh vượt ẩu, một tay lái xe, một tay nghe điện thoại..., gây mất an toàn.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, các vụ tai nạn nói trên đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, cần phải điều tra làm rõ, xử lý nghiêm trước pháp luật. Ban An toàn giao thông tỉnh đã yêu cầu Công an tỉnh tập trung điều tra, xác minh làm rõ mọi nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn giao thông, đặc biệt không được bỏ qua hành vi vi phạm đã sử dụng rượu, bia mà vẫn điều khiển phương tiện.

Thực tế cho thấy, chuyện xe cứu thương va chạm với các phương tiện đang di chuyển trên đường không phải hiếm. Thường sau các vụ tai nạn, hậu quả khá nặng nề. Nguyên nhân tai nạn một phần xuất phát từ chỗ xe cứu thương chạy tốc độ cao. Ngoài ra, các xe cứu thương được hưởng nhiều quyền ưu tiên, do đó kinh nghiệm, kỹ thuật lái, nhận định tình hình và khả năng xử lý sự cố của tài xế khi tham gia giao thông đôi khi còn hạn chế, không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Nhiều người dân cho hay, khi lưu thông trên đường thường xuyên bắt gặp hình ảnh xe cứu thương vượt ẩu, vô tư lấn tuyến, chạy vào cả phần đường dành cho xe máy… Thấy xe cứu thương đang lao tới, người tham gia giao thông buộc phải tấp vào lề, sẵn sàng nhường đường dù đang qua đoạn đường khó hoặc phía trước đang kẹt xe. Chưa kể, nếu thiếu quan sát thì rất dễ xảy ra va chạm dẫn đến tai nạn giao thông.

“Chúng tôi không thể biết chính xác xe cứu thương có đang làm nhiệm vụ hay không, bởi quyền hạn này thuộc về cảnh sát giao thông. Người dân chỉ biết nhường đường, tạo điều kiện để xe cứu thương đi trước” - chị Đỗ Linh Lan (ngụ phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) chia sẻ.

* Ưu tiên nhưng không được lạm dụng

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh), Điều 22 Luật Giao thông đường bộ có quy định những xe được quyền ưu tiên, trong đó có xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh. Các “quyền” mà xe ưu tiên được hưởng là không bị hạn chế về tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Chính những thuận lợi đó mà ngày càng có nhiều xe ô tô sẵn sàng “nhái” xe cứu thương để di chuyển thuận lợi trên đường.

“Không chỉ tồn tại những nguy cơ rủi ro cao từ việc xe cứu thương có thể gặp tai nạn giao thông, vấn đề đảm bảo an toàn giao thông cần phải đặt ra khi có sự nhập nhèm giữa xe cứu thương và xe vận chuyển người bệnh, những chiếc xe cứu thương hoạt động không phép. Những xe này cũng gắn còi hụ, đèn xoay, tự dán biểu tượng chữ thập đỏ bề ngoài trông rất chuyên nghiệp, dễ gây nhầm lẫn là xe cứu thương “xịn” - luật sư Chánh nói.

Còn theo luật sư Lê Văn Nhân (Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh), dù là xe cứu thương, được quyền ưu tiên khi tham gia giao thông nhưng người điều khiển không được lạm dụng để phục vụ cho mục đích cá nhân. Trường hợp trên xe không chở người đi cấp cứu thì tài xế phải tuân thủ nghiêm quy định của Luật Giao thông đường bộ. Việc sử dụng xe ưu tiên sai mục đích phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Xe cứu thương gây tai nạn là sự việc không ai mong muốn vì lúc đó xe đang đưa người bệnh đi cấp cứu để giành lấy sự sống. Nhưng nếu xảy ra tai nạn thì không chỉ người bệnh bị thiệt thòi vì không được cứu chữa kịp thời, mà những người cùng đi trên xe cũng có thể bị thương, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Về nguyên tắc, lỗi bên nào thì bên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường về mặt dân sự; nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự” - luật sư Nhân nhấn mạnh.

Thanh Hải


 

 

 

Tin xem nhiều