Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó bảo vệ động vật hoang dã

10:10, 17/10/2016

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ vi phạm pháp luật liên quan đến việc xâm hại các loài động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm đang được ưu tiên bảo vệ.

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ vi phạm pháp luật liên quan đến việc xâm hại các loài động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm đang được ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, từ thực tế công tác quản lý đến điều tra, xét xử, các cơ quan tố tụng gặp rất nhiều khó khăn do các quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường phát hiện bò tót bị sát hại tại huyện Vĩnh Cửu.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường phát hiện bò tót bị sát hại tại huyện Vĩnh Cửu.

Đồng Nai có diện tích rừng khá lớn so với nhiều địa phương khác trên cả nước. Cùng với bảo vệ rừng, công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm được thực hiện nghiêm ngặt. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt động vật hoang dã những năm gần đây vẫn diễn ra khá nhiều.

Nhiều vụ xâm hại động vật hoang dã

Sáng 28-2, lực lượng kiểm lâm trong lúc tuần tra đã phát hiện một con bò tót nặng khoảng 200kg bị chết tại Khoảnh 4, Tiểu khu 105, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (thuộc ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu). Qua điều tra, công an xác định 2 đối tượng Lê Nguyễn Ánh Hùng (21 tuổi) và Phạm Thanh Liêm (16 tuổi), đều ngụ huyện Vĩnh Cửu, đã bắn chết con bò tót nên đã khởi tố Hùng, Liêm và một số người liên quan về các tội danh: vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm và chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng.

Tháng 9-2013, Công an TP.Biên Hòa đã phát hiện Nguyễn Duy Thanh (19 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Cửu) đang vận chuyển một con rắn hổ mang chúa nặng 13kg và 1 con mèo rừng 3kg (đều là động vật quý hiếm thuộc nhóm IB). Nguyễn Duy Thanh sau đó đã bị khởi tố điều tra về hành vi mua bán vận chuyển động vật hoang dã.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ năm 2012 đến ngày 31-8, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện, khởi tố 17 vụ, 26 bị can về hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loại nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, trong số đó có 16 vụ, 25 bị can đã được truy tố, xét xử.

Trước đó, vào tháng 2-2013, Công an huyện Thống Nhất phát hiện Nguyễn Văn Thành và Lê Xuân Sai (ngụ tỉnh Bình Dương) vận chuyển 24kg động vật hoang dã trên quốc lộ 20, gồm: 2 con voọc bạc, 3 con voọc chà vá, 5 con khỉ đuôi lợn và 2 con khỉ mặt đỏ...

Một con số báo động đã được các cơ quan chức năng lên tiếng tại các hội nghị bàn về giải pháp đấu tranh với các hành vi xâm hại động vật hoang dã; nhiều vụ án liên quan đến việc xâm hại các loài động vật hoang dã được đưa ra xét xử, nhưng công tác điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm ở lĩnh vực này trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn.

Khó xử lý

Một cán bộ điều tra Công an tỉnh cho biết nhiều đối tượng vi phạm là người dân tộc thiểu số, sống gần các khu rừng; nhận thức và hiểu biết pháp luật về thế nào là động vật nguy cấp, quý hiếm, ưu tiên được bảo vệ ở họ rất hạn chế. Việc phát hiện, bắt giữ và xử lý người vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn do đặc điểm địa bàn hoạt động của các đối tượng này.

Điều khó khăn không chỉ ở việc phát hiện, điều tra mà ngay ở các quy định của pháp luật cũng còn nhiều vướng mắc.

Đã nhiều năm thụ lý giải quyết các vụ án liên quan đến lĩnh vực này, ông Nguyễn Phước Vinh, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử án kinh tế chức vụ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, cho biết những quy định của pháp luật về việc xử lý hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm... chưa đầy đủ và thống nhất. Cụ thể, Điều 190 Bộ luật Hình sự hiện hành và thông tư hướng dẫn quy định chỉ xử lý hành vi: săn bắt, giết, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật quý hiếm, nhưng lại không quy định xử lý hành vi tàng trữ các bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó là còn thiếu sót, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng chống đối với loại tội phạm này.

Một khó khăn khác mà công tác điều tra thường gặp là việc giám định. Theo ông Vinh, đối với các sản phẩm động vật khi phát hiện phải trưng cầu giám định để xác định ADN. Nhưng trên thực tế, có nhiều loài động vật quý hiếm không còn mẫu, hoặc mẫu được đưa đi giám định đã bị lai hóa nên không có căn cứ để xử lý. “Lực lượng kiểm lâm của tỉnh đã bắt một xe ô tô chở heo rừng thuộc loài động vật nguy cấp, quý hiếm nhóm IB. Thế nhưng, mẫu heo này đưa đi giám định lại không còn đồng nhất với mẫu thuần chủng do heo đã bị lai hóa” - ông Vinh lấy ví dụ.

Ngoài những tồn tại, vướng mắc do quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có chỉnh sửa, nhưng một số quy định mới về tội danh này lại gây lo ngại cho cơ quan chức năng. Cụ thể, tại mục a, khoản 1, Điều 234 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB… có giá trị từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; động vật hoang dã thông thường khác có giá trị từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng…, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Chiếu theo quy định của luật, vị cán bộ kiểm sát nói: “Với mức định giá tài sản mà luật đưa ra thì ít nhất tài sản định giá phải đến 300 triệu đồng mới xử lý hình sự được. Trong khi trên thực tế, nhiều vụ xâm phạm động vật hoang dã chỉ một vài cá thể, định giá vài triệu đồng. Nếu pháp luật quy định như vậy chắc sẽ khó có vụ án nào được khởi tố, mà ngược lại các đối tượng sẽ lợi dụng sơ hở này để phạm tội nhiều hơn”.

Trần Danh

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích