Báo Đồng Nai điện tử
En

Đường ngang dân sinh: Tồn tại lâu, khó bỏ

10:09, 25/09/2016

Tình trạng mở đường ngang trái phép băng qua đường sắt, vi phạm hành lang an toàn giao thông ngày càng nghiêm trọng, dần trở thành những "điểm đen" tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt.

Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 123 điểm giao cắt cùng mức giữa đường sắt với đường bộ, bao gồm: 57 đường ngang hợp pháp và 66 lối đi dân sinh. Tình trạng mở đường ngang trái phép băng qua đường sắt, vi phạm hành lang an toàn giao thông ngày càng nghiêm trọng, dần trở thành những “điểm đen” tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt.

Hàng trăm người (chủ yếu là công nhân) xếp hàng chờ qua đường ngang dân sinh được mở bất hợp pháp đoạn qua KP.8, phường Long Bình, TP.Biên Hòa.
Hàng trăm người (chủ yếu là công nhân) xếp hàng chờ qua đường ngang dân sinh được mở bất hợp pháp đoạn qua KP.8, phường Long Bình, TP.Biên Hòa.

Khi lối đi tắt mở ra không bị ngăn cản, lực lượng chức năng không có biện pháp xử lý mạnh tay thì theo thời gian, những đường mòn này trở thành những đường đi cố định bất hợp pháp.

* Giỡn mặt “tử thần”

TP.Biên Hòa được xem là khu vực có mật độ đường ngang dân sinh mở ra dày đặc và mất an toàn nhất. Riêng tại xã Hóa An, chỉ chưa đầy 1km đường sắt đi qua (đoạn từ km1702+400 đến km1703+075) có đến 5 đường ngang được người dân tự ý mở vô tội vạ. Điều đáng nói, lối đi trước cách lối đi sau chưa đầy 30m, khiến nguy cơ xung đột giao thông giữa các phương tiện đường bộ với tàu hỏa càng trở nên nguy hiểm.

Còn tại 2 phường Long Bình và Tân Biên, dù số lượng đường ngang mở ra ít, nhưng nơi đây vẫn là “điểm đen” về TNGT đường sắt. Những lối đi trở thành đường mòn có rất đông người qua lại khiến chính quyền địa phương đành bất lực.

Tại km1689+500 (KP.8, phường Long Bình), mỗi ngày có hàng ngàn lượt người qua lại, hầu hết là công nhân đi qua đây để vào Khu công nghiệp Amata. Nhiều lần ngành đường sắt dựng cột, thu hẹp lối đi, nhưng chỉ được thời gian ngắn đã bị người dân bẻ cong để người và xe qua lại thuận lợi. Thậm chí, biển báo “Dừng lại quan sát tàu hỏa khi qua đường” ở 2 đầu lối đi cũng bị bẻ gọn để xe cộ dễ dàng lách qua khe hẹp. Lượng người qua chỗ này đông đến nỗi nơi đây thường xuyên xảy ra kẹt xe, ùn tắc. Buổi sáng, khoảng 6 giờ 30 đến 7 giờ 15, xe máy phải xếp hàng dài, tràn từ đường ray xe lửa đến đường Điểu Xiển; còn phía ngược lại cũng đông đúc không kém. Một lối đi nhưng cả 2 hướng đều tấp nập người và xe dẫn đến va chạm, xô xát nhau.

“Cách đây khoảng 1km có đường dẫn vào Khu công nghiệp Amata, nhưng người ta không đi mà tận dụng đường ngang này để rút ngắn khoảng cách. Không biết có nhanh hơn hay không mà tôi thấy lúc nào cũng bị mắc kẹt ngay giữa đường sắt. Chưa kể 2 bên đường cỏ mọc um tùm che hết tầm nhìn, chỉ cần thiếu quan sát, tàu hỏa lao đến là không thể tránh hay thoát ra ngoài kịp” - bà Trần Thị Vân (ngụ phường Tân Biên) nói.

Bên cạnh tình trạng đường ngang mở tùy tiện là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ TNGT đường sắt, việc lấn chiếm khu vực hành lang đường sắt làm các công trình dân sinh, buôn bán diễn ra khá phức tạp. Vi phạm thì nhiều, nhưng xử phạt rất ít, thậm chí nhiều nơi còn bị buông lỏng, ngó lơ.

Điển hình, tại km1684+780 thuộc xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), người dân thường lấn chiếm làm nơi họp chợ, bày bán hàng hóa ngay cạnh đường sắt, cột đèn cảnh báo. Hay tại huyện Xuân Lộc, chỉ trong cự ly 10km đã xuất hiện 5 căn nhà xây dựng trái phép. Ga Gia Ray đã lập biên bản buộc tháo dỡ những căn nhà xây trái phép này, nhưng đến nay người dân vẫn không chấp hành.

Đáng lo ngại là người dân còn tự ý tháo dỡ lan can bảo vệ đường sắt để làm lối đi, khiến tình hình an toàn đường sắt ngày càng thêm phức tạp.

* Khó xóa bỏ đường ngang dân sinh

Trước đây, mô hình cử người cảnh giới tại những “điểm đen” thường xuyên xảy ra TNGT đường sắt đã được triển khai tại các huyện: Trảng Bom, Xuân Lộc và TP.Biên Hòa. Tuy nhiên, đến nay chỉ có TP.Biên Hòa thực hiện, các địa phương còn lại vẫn chưa làm vì chưa đủ kinh phí.

Theo Thượng tá Ngô Mạnh Hùng, Phó trưởng Công an TP.Biên Hòa, thực tế cho thấy dù mới triển khai, nhưng tại các điểm có người đảm nhiệm chốt gác, TNGT đường sắt đã giảm hẳn. Theo đó, người dân sinh sống gần 2 bên đường ray đóng vai trò tích cực khi vừa là người đứng ra cảnh giới, vừa tuyên truyền về đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

“Đây chỉ là giải pháp tình thế, vấn đề là làm thế nào để người dân chấp hành pháp luật về giao thông đường sắt, không tái vi phạm khi liên tục bị cơ quan chức năng xử lý. Còn việc xóa bỏ đường ngang dân sinh rất khó giải quyết dứt điểm ngay trong thời gian ngắn” - Thượng tá Hùng nói thêm.

Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông - vận tải), cho rằng Đồng Nai là địa phương nằm trong số 13 tỉnh, thành có tình hình TNGT đường sắt tăng cao và phức tạp. Trung bình 7km có 1 đường ngang bất hợp pháp mở ra thì rất nguy hiểm. Trong khi ngành đường sắt và địa phương đề ra mục tiêu và quyết liệt ngăn chặn mở đường dân sinh thì năm qua Đồng Nai lại tăng lên 4 vị trí. Phải chăng công tác quản lý có vấn đề, buông lỏng?

“Từ nay đến cuối năm 2016 phải xóa lối đi dân sinh tự phát nhiều nhất có thể. Cách đây 1 năm, đoàn công tác của Cục đường sắt Việt Nam đi kiểm tra đã phát hiện nhiều điểm vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường sắt, nhưng giờ quay lại sai phạm vẫn còn đó. Trước mắt, cần giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên đường ngang, như: đâm va cần chắn, ném đá lên tàu, thu hẹp các lối đi dân sinh xuống dưới 3m…” - ông Khôi nhấn mạnh.

Để từng bước lập lại trật tự an toàn giao thông đường sắt, các lực lượng chức năng cần tăng cường các biện pháp bảo vệ hành lang đường sắt, đèn cảnh báo, bố trí các chốt gác tại các điểm giao nhau với đường ngang dân sinh. Chính quyền địa phương cũng phải quyết liệt với các hành vi lấn chiếm hành lang đường sắt để buôn bán, xây dựng nhà ở ngay trong khu vực tàu hỏa đi qua.

Trong 8 tháng của năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ TNGT đường sắt, làm chết 6 người và 1 người bị thương, trong đó TP.Biên Hòa vẫn là địa phương để xảy ra nhiều vụ tai nạn nhất tỉnh. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng công ty đường sắt Việt Nam, địa bàn Đồng Nai để xảy ra 28 vụ tai nạn và sự cố về an toàn giao thông đường sắt, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Thanh Hải


 

 

 

Tin xem nhiều