Báo Đồng Nai điện tử
En

Bị cho nghỉ việc trái luật, thắng kiện gần 1 tỷ đồng

10:09, 30/09/2016

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 3 ngày 29-9, Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn Nguyễn Thanh Uyển (ngụ TP.Hồ Chí Minh), buộc bị đơn là Công ty TNHH S. (trụ sở tại Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) phải bồi thường cho bà Uyển gần 1 tỷ đồng, đồng thời phải nhận bà làm việc trở lại vì bị cho nghỉ việc trái luật.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 3 ngày 29-9, Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn Nguyễn Thanh Uyển (ngụ TP.Hồ Chí Minh), buộc bị đơn là Công ty TNHH S. (trụ sở tại Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) phải bồi thường cho bà Uyển gần 1 tỷ đồng, đồng thời phải nhận bà làm việc trở lại vì bị cho nghỉ việc trái luật.

Bà Nguyễn Thanh Uyển trao đổi với luật sư tại phiên tòa ngày 29-9. Ảnh: T. Danh
Bà Nguyễn Thanh Uyển trao đổi với luật sư tại phiên tòa ngày 29-9. Ảnh: T. Danh

* Mất việc sau khi nghỉ thai sản

Tại phiên tòa, người đại diện cho bà Uyển cho biết năm 2008 bà Uyển được tuyển dụng vào làm kế toán trưởng cho Công ty TNHH S. với mức lương hơn 16 triệu đồng/tháng. Hợp đồng lao động cũng thể hiện, hàng ngày công ty sẽ có xe đưa đón bà Uyển từ nhà đến công ty làm việc.

Ngày 1-11-2011, bà Uyển nghỉ chế độ thai sản. Sau 4 tháng nghỉ thai sản, gần đến ngày đi làm, bà Uyển có gọi điện báo cho công ty biết để bố trí xe đưa đón bà đi làm trở lại.

Ngày 1-3-2012 (ngày bà Uyển đi làm trở lại), bà Uyển ra điểm đón xe đưa rước thì giám đốc công ty yêu cầu tài xế không đón bà như thường lệ. Bà Uyển tự đi xe đến công ty thì bảo vệ công ty không cho vào. Bị công ty cản trở, bà Uyển đã làm đơn gửi ban giám đốc công ty, đồng thời gửi đến một số cơ quan chức năng của TP.Biên Hòa để yêu cầu công ty giải quyết việc từ chối bà vào làm việc.

Ngày 22-5-2013, Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 1, tuyên Công ty TNHH S. bồi thường cho bà Uyển hơn 364 triệu đồng và nhận bà làm việc trở lại. Ngày 14-4-2014, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh tuyên hủy bản án sơ thẩm vì có nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 ngày 31-12-2014, Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa đã tuyên buộc công ty bồi thường cho bà Uyển hơn 681 triệu đồng và nhận bà làm việc trở lại. Ngày 25-8-2015, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh lại tuyên trả hồ sơ vụ án để xác minh lại một số chi tiết chưa được làm rõ.

Sau đó, Phòng Lao động - thương binh và xã hội TP.Biên Hòa đã nhiều lần tổ chức hòa giải vụ tranh chấp, nhưng phía công ty không có thiện chí khiến việc hòa giải không thành. Vì quá bức xúc, bà Uyển đã làm đơn khởi kiện công ty ra tòa.

Tại phiên tòa, người đại diện cho bà Uyển yêu cầu Công ty TNHH S. phải nhận bà làm việc trở lại, đồng thời phải bồi thường các khoản lương trong thời gian bà nghỉ việc, tiền nghỉ phép năm, tiền thưởng và các khoản chi phí khác với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

* “Đang làm việc lương cao, không dại gì nghỉ”

Tại phiên tòa, luật sư đại diện cho Công ty TNHH S. cho rằng bà Uyển hết thời gian nghỉ thai sản nhưng không đến công ty làm việc theo hợp đồng lao động, xem như đơn phương chấm dứt hợp đồng. Vì vậy, công ty không chấp nhận bồi thường theo yêu cầu của bà Uyển. Đại diện công ty cho rằng, bà Uyển đã từ chối đến công ty (tại địa điểm mới ở quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) vì lý do không có xe đưa rước là không chấp nhận được vì trước đó công ty đã có thông báo chuyển văn phòng làm việc đến các nhân viên.

Bảo vệ quyền lợi cho bà Uyển tại tòa, luật sư Vũ Ngọc Hà (Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh) cho rằng: “Một người đang làm kế toán trưởng với mức lương hơn 16 triệu đồng/tháng thì không dại gì tự nghỉ việc. Bà Uyển lại là lao động chính trong gia đình, đang phải nuôi con nhỏ và cha mẹ già nên không thể nói bà đơn phương nghỉ việc được”.

Theo luật sư Hà, ngay từ đầu phía công ty đã có ý định cản trở bà Uyển đến công ty làm việc với mục đích ép bà phải nghỉ việc. Cụ thể, giám đốc công ty đã chỉ đạo không cho xe đưa đón bà và khi bà Uyển đến công ty làm việc thì bảo vệ không cho vào. Sau khi bà Uyển viết đơn gửi các cơ quan chức năng, phía công ty cũng không có thiện chí hợp tác để giải quyết.

Sau khi xem xét những chứng cứ có tại hồ sơ, cũng như việc tranh luận giữa 2 bên tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã nhận định việc bà Uyển khởi kiện Công ty TNHH S. là có cơ sở. Công ty ngăn cản bà Uyển đến làm việc là vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại cho người lao động. Trên cơ sở đó, tòa tuyên buộc công ty phải bồi thường cho bà Uyển các khoản, gồm: 55 tháng lương, 2 tháng lương tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng, lương làm thêm giờ…, tổng cộng hơn 934 triệu đồng. Tòa cũng yêu cầu công ty phải nhận bà Uyển làm việc trở lại, nếu chưa bố trí được công việc cho bà thì phải trả lương theo hợp đồng đã ký.

Trần Danh

Tin xem nhiều