Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ 1-8, tăng mức phạt nhiều lỗi vi phạm giao thông

11:08, 01/08/2016

Từ ngày 1-8, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành.

Thiếu tá Trần Văn Bắc.
Thiếu tá Trần Văn Bắc.

Từ ngày 1-8, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành. Nghị định 46 có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng so với các nghị định trước đây, trong đó điều chỉnh theo hướng xử phạt nặng những hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT).

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, Thiếu tá Trần Văn Bắc, Đội trưởng Đội Tuyên truyền điều tra giải quyết tai nạn giao thông và xử lý vi phạm Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, cho biết:

- Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Nghị định 46 sửa đổi và làm rõ hơn 105 hành vi vi phạm, bổ sung 45 hành vi và nhóm hành vi chưa được quy định trong Nghị định 171 và Nghị định 107, điều chỉnh mức phạt đối với 115 hành vi vi phạm. Đối với lĩnh vực giao thông đường sắt, nghị định cũng sửa đổi, mô tả lại để làm rõ hơn 45 hành vi và nhóm hành vi vi phạm; bổ sung thêm 45 hành vi vi phạm chưa được quy định trong nghị định hiện hành; điều chỉnh mức xử phạt đối với 68 hành vi và nhóm hành vi vi phạm. Bên cạnh tăng mức phạt tiền với một số hành vi, Nghị định 46 còn tăng thêm thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề…

 So với Nghị định 171 và Nghị đinh 107, Nghị định 46 không chỉ tăng mức phạt tiền mà còn bổ sung các hình phạt kèm theo, như tăng thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. Việc tăng mức xử phạt này liệu có quá nặng đối với những trường hợp vi phạm, thưa Thiếu tá?

- Chính phủ ban hành Nghị định 46 thay thế các nghị định trước đây căn cứ vào diễn biến ngày càng phức tạp của thực trạng tai nạn giao thông diễn ra trong thời gian qua. Mục đích cao nhất của việc tăng nặng mức xử phạt cũng như tăng thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe của người vi phạm nhằm tác động mạnh vào nhận thức của người tham gia giao thông, để họ biết vi phạm của mình gây ra rất nguy hiểm, nhất là đối với các tài xế điều khiển các phương tiện là xe khách, xe tải.

Do vậy, Nghị định 46 không chỉ tác động nhất thời vào thu nhập của những người cố tình vi phạm, mà còn tác động trực tiếp vào công ăn việc làm, nghề nghiệp của người điều khiển phương tiện để họ sớm ý thức tự điều chỉnh hành vi của mình.

 Nghị định 46 có nhiều nội dung “thẳng tay” phạt nặng các hành vi liên quan đến ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn hạn chế, làm thế nào để người dân tuân thủ nghiêm pháp luật giao thông, thưa Thiếu tá?

- Thống kê số vụ tai nạn giao thông xảy ra hàng năm cho thấy, có trên 97% số vụ tai nạn giao thông xảy ra có nguyên nhân trực tiếp từ sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông. Hệ thống camera giám sát an ninh cũng ghi nhận tại những nơi công cộng, khi không có lực lượng cảnh sát giao thông thì nhiều người thiếu tính tự giác chấp hành pháp luật giao thông; nhiều người biết là sai nhưng vẫn cố tình vi phạm. Nghị định 46 đưa ra mức xử phạt nặng đối với các hành vi liên quan đến ý thức của người đi đường là hoàn toàn hợp lý.

Lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt một trường hợp vi phạm về tốc độ trên quốc lộ 1.
Lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt một trường hợp vi phạm về tốc độ trên quốc lộ 1.

Liên quan đến vấn đề này, những hành vi, như: phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng các chất kích thích khi tham gia giao thông rất nguy hiểm, có thể để lại hậu quả khó lường cho bản thân người vi phạm và cả xã hội. Việc vi phạm này khá phổ biến và là nguyên nhân chính của các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà người tham gia giao thông có, hoặc không nhận thức được mức độ nguy hiểm của nó nên vẫn bất chấp vi phạm. Vì vậy, tăng chế tài xử phạt lĩnh vực này là để răn đe, từ đó giúp họ chấp hành một cách nghiêm túc hơn. Về lâu dài sẽ giúp cho công tác đảm bảo trật tự ATGT, trật tự an toàn xã hội ngày càng đi vào nề nếp.

 Trong Nghị định 46 có một số hành vi vi phạm lùi thời hạn áp dụng xử phạt, Thiếu tá có thể nói rõ về vấn đề này?

- Một số hành vi vi phạm trong nghị định được quy định lộ trình về thời gian thực hiện nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến rộng khắp cho mọi người hiểu và tự khắc phục trước khi các hành vi đó được áp dụng. Cụ thể, các hành vi vi phạm áp dụng xử phạt từ ngày 1-1-2017, gồm: người điều khiển xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường; sử dụng xe taxi chở khách không có thiết bị in hóa đơn được kết nối với đồng hồ tính tiền cước theo quy định; không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định; các quy định về tải trọng trục xe… Riêng quy định xử phạt đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô trong trường hợp người được chở ở hàng ghế sau trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy được thực hiện từ ngày 1-1-2018.

 Lực lượng cảnh sát giao thông đã có giải pháp gì để thực hiện Nghị định 46 nghiêm túc, đạt hiệu quả tại địa phương, thưa Thiếu tá?

- Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nghiêm túc, công khai; tiếp tục tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự ATGT qua hệ thống camera giám sát an ninh trên địa bàn toàn tỉnh...

Chúng tôi đã có kế hoạch phối hợp với các ban, ngành liên quan để tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho người dân tại các khu dân cư, trường học, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh…

 Xin cảm ơn Thiếu tá!

Thanh Hải (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều