Báo Đồng Nai điện tử
En

Bát nháo bến thủy nội địa không phép

03:05, 04/05/2016

Dọc các tuyến đường sông qua địa bàn Đồng Nai, các bến thủy nội địa không phép "mọc" lên ngày càng nhiều, không chỉ dẫn tới nguy cơ gây ra tai nạn giao thông đường thủy mà còn là nơi chứa chấp, tiêu thụ vật liệu xây dựng của những đối tượng khai thác lậu.

Dọc các tuyến đường sông qua địa bàn Đồng Nai, các bến thủy nội địa không phép “mọc” lên ngày càng nhiều, không chỉ dẫn tới nguy cơ gây ra tai nạn giao thông đường thủy mà còn là nơi chứa chấp, tiêu thụ vật liệu xây dựng của những đối tượng khai thác lậu.

Một bến thủy nội địa không phép ngang nhiên hoạt động tại xã Tân Hạnh (TP.Biên Hòa).
Một bến thủy nội địa không phép ngang nhiên hoạt động tại xã Tân Hạnh (TP.Biên Hòa).

Từ năm 2007, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh hoạt động của bến thủy trái phép và đưa ra lộ trình đến năm 2010 phải xử lý dứt điểm các bến bãi này để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thủy. Đến nay, việc xử lý vi phạm các bến thủy nội địa trái phép không như mong đợi, các đơn vị chức năng vẫn còn buông lỏng, không nghiêm trong xử lý khiến số bến bãi hoạt động không phép tăng theo từng năm.

* Xử lý như “bắt cóc bỏ dĩa”

Theo thống kê, trong năm 2015, toàn tỉnh có 96 bến thủy nội địa kinh doanh vật liệu xây dựng (đất, đá, cát…), trong đó chỉ 33 bến có giấy phép hoạt động, 63 bến không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn hoạt động. Hiện nay, số bến không có giấy phép đã lên đến 73. Địa phương có nhiều bến thủy nội địa không phép là TP.Biên Hòa (43 bến), tiếp đến là huyện Nhơn Trạch (9 bến) và huyện Long Thành (8 bến). Điều này hoàn toàn trái ngược với “lời hứa” của các ngành chức năng là kiên quyết dẹp bỏ những bến thủy nội địa hoạt động trái phép.

Phó chánh thanh tra Sở GTVT Nguyễn Phan Trong cho hay: “Kể từ ngày 1-4, đoàn liên ngành gồm: Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông đường thủy… đã tiến hành lập chốt tại khu vực cầu Hóa An (TP.Biên Hòa) để kiểm tra hoạt động của các bến thủy nội địa. Đối với các bến bãi không phép cố tình hoạt động, lực lượng chức năng sẽ phục kích bắt quả tang; còn những ghe tải, sà lan chở vật liệu xây dựng không chứng minh nguồn hàng rõ ràng sẽ bị xử lý theo pháp luật”.

Ngoài ra, theo thống kê của Sở Giao thông - vận tải (GTVT), thời gian qua lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý và lập biên bản vi phạm hành chính 92 trường hợp, đình chỉ hoạt động 64 bến không có giấy phép hoạt động, lập biên bản 1 trường hợp đưa phương tiện sà lan vào bốc dỡ hàng hóa tại bến không phép. Nhưng so với số bến hoạt động không phép và tràn lan như hiện nay, việc kiểm tra, xử lý xem ra vẫn chưa thấm vào đâu. Nhiều người cho rằng, chính sự quản lý thiếu chặt chẽ mà tình trạng bến thủy nội địa không phép mọc lên ngày càng nhiều.

Việc tồn tại các bến thủy trái phép thời gian qua đã ảnh hưởng đến tình hình ATGT đường thủy. Ở một số bến còn là nơi tập kết, thu mua cát của “cát tặc” đang lộng hành và gây nên sự sạt lở trên một số đoạn sông, ảnh hưởng đến dòng chảy và ATGT đường thủy.

Trên đoạn ngắn sông Đồng Nai đi qua địa bàn các xã Tân Hạnh và Hóa An (TP.Biên Hòa), hiện có 25 bến thủy kinh doanh vật liệu xây dựng hoạt động không phép. Tại các bến này, cát, đá được cần cẩu vận chuyển từ sà lan lên bờ, sau đó chuyển lên xe tải ben chở về các công trình, hoặc điểm bán vật liệu xây dựng. Trong đó, hoạt động rầm rộ nhất là các bến: Tần Hồng, Mai Anh Đức, Song Hào…, lúc nào xe tải ben cũng tấp nập ra vào để “ăn hàng”.

Các tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa và quốc lộ 1K (xã Hóa An), hàng ngày có hàng trăm chuyến xe tải chở vật liệu xây dựng di chuyển vào ra các bến thủy nội địa. Theo người dân sống trên đường Bùi Hữu Nghĩa, các loại xe tải ben chở cát, đá chạy rầm rập, thường xuyên phóng nhanh vượt ẩu để vào các bãi tập kết ven sông Đồng Nai là nỗi khiếp sợ của người đi đường. Người dân luôn sống trong cảnh bụi bay mù mịt, đá rơi mỗi khi xe ben đi qua khiến nguy cơ mất ATGT tăng cao.

* Loay hoay “dẹp” bến thủy không phép

Lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông (thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông) cho biết, các chủ bến thủy nội địa thường đóng cửa bến và ngưng hoạt động trong thời gian đoàn đi kiểm tra. Khi hoạt động thì các bến thường tổ chức mua cát, đá vào ban đêm bằng đường sông; ban ngày thì cho xe chở hàng từ bến đến các nơi tiêu thụ. Khi tiến hành kiểm tra, nếu lực lượng chức năng không bắt quả tang đang có hoạt động bốc dỡ hàng hóa bằng phương tiện thủy thì không xử phạt được.

Lý giải vấn đề này, đại diện Sở GTVT cho rằng các địa phương chưa thực sự quyết tâm trong việc xử lý bến thủy hoạt động không phép, khi kiểm tra mới chỉ nhắc nhở chứ không có biện pháp quyết liệt. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng còn chưa đồng bộ, không thường xuyên, chỉ làm cao điểm một vài đợt, sau đợt kiểm tra thì các bến hoạt động trở lại.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy kiểm tra một ghe chở đá trên sông, đoạn đi qua nhiều bến thủy nội địa ở TP.Biên Hòa.
Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy kiểm tra một ghe chở đá trên sông, đoạn đi qua nhiều bến thủy nội địa ở TP.Biên Hòa.

Theo Giám đốc Sở GTVT Trịnh Tuấn Liêm, nếu mỗi đợt ra quân kiểm tra, xử lý các chủ bến bãi tìm cách đối phó thì chắc chắn có lực lượng “cò” túc trực thường xuyên và theo dõi hoạt động của đoàn liên ngành. Cần phải tránh tình trạng tồn tại từ trước đến nay là lúc không có lực lượng kiểm tra thì rất nhiều bến hoạt động, khi bị kiểm tra chủ bến không hợp tác. “Phải có biện pháp xử lý nghiêm; lực lượng kiểm tra thì hùng hậu nhưng cuối cùng đâu vào đấy, không có kết quả. Nguyên nhân một phần do chế tài còn quá nhẹ. Sau khi bị phạt, biện pháp xử lý dứt điểm tiếp theo còn lúng túng, chưa có vụ nào bị cưỡng chế” - ông Liêm nói.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh không đồng tình với những khó khăn trong công tác xử lý bến thủy nội địa không phép mà các ngành, địa phương đưa ra. Vì sao những bến bãi không phép đều đã xác định được vị trí rõ ràng, tại sao vẫn không xử lý được? Nếu các bến bãi hoạt động “chui” vào ban đêm thì đoàn liên ngành phải đi kiểm tra ngay, chứ không thể đưa ra lý do lực lượng mỏng, thiếu phương tiện…

Để dẹp những bến thủy nội địa không phép hoạt động dai dẳng, ngang nhiên bấy lâu nay, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu thời gian tới các ngành chức năng cần tăng các chế tài xử phạt ở mức cao nhất nhằm ngăn chặn việc khai thác, chứa chấp, làm nơi tiêu thụ vật liệu xây dựng của những đối tượng khai thác lậu. Với những bến không phép phải xử lý dứt điểm khi đang mùa khô, không để kéo dài đến mùa mưa, làm ảnh hưởng đến vấn đề ATGT đường thủy.


Thanh Hải
 
 



 

Tin xem nhiều