Báo Đồng Nai điện tử
En

Còn đó nỗi đau sau tai nạn giao thông

10:11, 12/11/2014

Sau các vụ tai nạn giao thông (TNGT), nhiều người không còn cơ hội được sống. Với những người ở lại, đó là sự mất mát chẳng thể bù đắp, bi kịch sau tai nạn vẫn còn kéo dài. TNGT để lại hậu quả quá khủng khiếp khiến cuộc sống của gia đình nạn nhân hoàn toàn bị đảo lộn, nhiều người sau tai nạn trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.

Sau các vụ tai nạn giao thông (TNGT), nhiều người không còn cơ hội được sống. Với những người ở lại, đó là sự mất mát chẳng thể bù đắp, bi kịch sau tai nạn vẫn còn kéo dài. TNGT để lại hậu quả quá khủng khiếp khiến cuộc sống của gia đình nạn nhân hoàn toàn bị đảo lộn, nhiều người sau tai nạn trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.

* Bi kịch người ở lại

Đã hơn 3 năm sau vụ TNGT khiến người con trai tử vong, nhưng đến nay gia đình bà Nguyễn Thị Đô (58 tuổi, ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) vẫn chưa vơi bớt nỗi đau về tinh thần. Gánh nặng vật chất giờ đây đè nặng lên đôi vai bà.

Ngày 14-8-2011, khi đang trên đường chở vợ và 2 con về huyện Thống Nhất, anh Hoàng Ngọc Dũng (33 tuổi, con bà Đô) đã bị xe tải cán chết tại khu vực ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất).  “Vợ con thằng Dũng may mắn chỉ bị thương nhẹ, nhưng hậu quả của vụ tai nạn hết sức đau lòng. Con trai chết để lại 2 đứa cháu nội, hiện một đứa đang học lớp 3, đứa còn lại vừa vào lớp 1. Vợ nó đi làm công nhân, tiền lương không đủ lo cho 3 mẹ con. Từ đó đến nay, hàng ngày tôi phải bươn chải kiếm tiền nuôi các cháu, thân già hay đau ốm lại càng thêm vất vả” - bà Đô tâm sự.

Trong ngôi nhà nhỏ của anh Dũng, không khí ảm đạm khi thiếu đi người đàn ông trụ cột gia đình. Người con dâu đi làm xa, chỉ còn 3 bà cháu cô đơn tự chăm sóc nhau. Từ khi con trai chết, không đành lòng để các cháu nheo nhóc, bà bỏ cả công việc nhà sang đây lo từng bữa ăn, giấc ngủ rồi chỉ dạy các cháu học hành. “Các cháu mỗi ngày một lớn, mẹ nó đi làm ít khi ở nhà nên bao vất vả tôi phải mang hết” - bà Đô ái ngại cho biết.

Sau khi vợ chết trong vụ TNGT tại khu vực vòng xoay Tam Hiệp (tháng 3-2014), anh Phạm Văn Phi (31 tuổi, tạm trú phường Long Bình, TP.Biên Hòa) vừa phải làm cha, vừa nhận trách nhiệm làm mẹ nuôi 2 đứa con ăn học. Chúng tôi tìm đến căn nhà trọ của anh Phi đúng lúc 3 cha con anh thu dọn đồ đạc để chuyển về quê Nghệ An sinh sống. Nhìn tổ ấm nhỏ bé bỗng chốc bị tan vỡ, nhiều người xung quanh không cầm được nước mắt.

Trước khi xảy ra biến cố, anh Phi làm nghề sửa điện tử, còn vợ làm công nhân. Cuộc sống gia đình anh dù không khá giả nhưng đủ nuôi các con đàng hoàng. Từ một người không biết chuyện bếp núc, nay anh phải sớm hôm lo cơm nước cho các con. Dù cố gắng chu toàn mọi thứ, nhưng do thiếu bàn tay chăm sóc của phụ nữ nên cuộc sống 3 cha con không thể nào trọn vẹn. “Mấy tháng nay tôi như người mất hồn, nhìn con dại khờ mà xót xa vô cùng. Tôi muốn đưa các cháu về quê nhờ ông bà nội chăm sóc rồi chờ khi sức khỏe ổn định sẽ đi tìm việc làm mới. Sau vụ tai nạn, kinh tế gia đình suy sụp hẳn, cuộc sống sinh hoạt cũng bị đảo lộn” - anh Phi buồn bã nói.

* Sẻ chia những nỗi đau

Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT (16-11) hàng năm, Ban An toàn giao thông tỉnh đều tổ chức chương trình thăm hỏi, tặng quà cho các trường hợp bị tai nạn có hoàn cảnh thương tâm.

Ngoài ra, trong trường hợp người lao động gặp TNGT, nếu bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý thì sẽ được cơ quan chức năng xem xét giải quyết chế độ trợ cấp giống như bị tai nạn lao động (theo Khoản 1, Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội). Khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc, hoặc trở về sau giờ làm việc. Tuyến đường hợp lý là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú, hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại.

Theo ông Phạm Long Sơn, Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội tỉnh), những trường hợp nêu trên nếu người gặp TNGT bị suy giảm khả năng lao động từ 5-30% thì được hưởng trợ cấp một lần, còn nếu suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng theo Luật Bảo hiểm xã hội.

“Nếu thỏa mãn đủ điều kiện bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý, người lao động cần có thêm bản kết luận làm việc của cơ quan công an giao thông khi xảy ra TNGT, hoặc có thể thay thế bằng hồ sơ mô tả hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn” - ông Sơn giải thích.

Để không còn những thảm cảnh đau lòng sau TNGT, Ban An toàn giao thông đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu TNGT xảy ra. Trong đó có các biện pháp, như: tổ chức tuyên truyền rộng rãi dưới nhiều hình thức để mọi người dân hiểu và thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông; khắc phục các “điểm đen” trên các tuyến đường thường xuyên xảy ra TNGT; đồng thời phối hợp với lực lượng công an thực hiện quyết liệt và thường xuyên công tác tuần tra, xử lý các vi phạm giao thông…

Thanh Hải

 

 

Tin xem nhiều