Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung kéo giảm tai nạn giao thông

08:10, 06/10/2014

Trong 9 tháng qua, toàn tỉnh kéo giảm được số vụ, số người bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT), nhưng số người chết do TNGT lại tăng. Mục tiêu của tỉnh từ nay đến cuối năm là phải giảm TNGT ở cả 3 mặt, nhất là ở mặt số người chết phải giảm sâu mới mong đạt được kết quả an toàn giao thông (ATGT) như mong muốn.

Trong 9 tháng qua, toàn tỉnh kéo giảm được số vụ, số người bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT), nhưng số người chết do TNGT lại tăng. Mục tiêu của tỉnh từ nay đến cuối năm là phải giảm TNGT ở cả 3 mặt, nhất là ở mặt số người chết phải giảm sâu mới mong đạt được kết quả an toàn giao thông (ATGT) như mong muốn.

Một trường hợp đi ngược chiều gây nguy hiểm trên quốc lộ 51. Ảnh: T.Toàn
Một trường hợp đi ngược chiều gây nguy hiểm trên quốc lộ 51. Ảnh: T.Toàn

Theo thống kê, 9 tháng của năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 395 vụ TNGT, làm chết 343 người, bị thương 251 người. So với cùng kỳ năm 2013, TNGT giảm gần 19% số vụ, trên 39% số người bị thương, nhưng tăng gần 10% số người chết (31 người), trong đó TNGT đường bộ tăng đến 11% số người chết (33 người). Trong 11 địa phương của tỉnh, chỉ có 5 địa phương kéo giảm TNGT ở cả 3 mặt, gồm TX.Long Khánh và các huyện: Định Quán, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Xuân Lộc. Các địa phương còn lại có số người chết vì TNGT tăng từ 10-64%.

* Vì đâu tai nạn giao thông tăng?

Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban ATGT tỉnh Đinh Quốc Thái nhận định, trong số người chết do TNGT, có đến trên 30% xảy ra trên quốc lộ 1 và 20. Nguyên nhân là do các đơn vị thi công trên 2 quốc lộ này thực hiện các biện pháp ATGT chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, tình trạng người đi đường thiếu ý thức vẫn còn nhiều, gây bất an trên đường. Đồng chí Đinh Quốc Thái bức xúc cho biết, trên đường đi công tác ông thấy nhiều trường hợp người đi xe 2 bánh không đội mũ bảo hiểm, “vô tư” chạy ngược chiều với tốc độ cao…

Có lẽ ý nghĩ khi xảy ra tai nạn thì “xe lớn phải bồi thường cho xe nhỏ” còn ăn sâu trong suy nghĩ một số người đi đường, nên còn nhiều người đi xe 2 bánh lái xe bất chấp luật lệ. Trong tình hình nhiều con đường phải lưu thông hỗn hợp hiện nay, tình trạng này sẽ khiến TNGT vẫn còn dễ xảy ra.

Việc kiểm tra xử lý của CSGT, thanh tra giao thông và chính quyền các địa phương đối với các nhà thầu thi công vi phạm trên các quốc lộ: 1, 20 và 56 thực hiện chưa quyết liệt. Lực lượng kiểm tra chưa kiên quyết yêu cầu khắc phục ngay vi phạm dẫn đến một số nhà thầu xem thường pháp luật hoặc chỉ thực hiện kiểu đối phó.

Bên cạnh đó, việc phương tiện giao thông tăng cao, nhất là xe máy (chiếm khoảng 80% phương tiện gây TNGT), cũng là nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng TNGT. Trong 9 tháng của năm 2014, số phương tiện giao thông ở tỉnh tăng gần 90 ngàn phương tiện, trong đó có gần 78 ngàn xe máy.

Ngoài ra, còn phải kể đến lưu lượng giao thông trên các tuyến quốc lộ ngày càng tăng. Đồng Nai là cửa ngõ các tỉnh miền Đông (quốc lộ 1 hơn 70 ngàn phương tiện lưu thông/ngày) nên xác suất xảy ra TNGT tất nhiên gia tăng.

Điều làm nhiều người băn khoăn là tình trạng đường nông thôn trong tỉnh ngày càng được đầu tư tốt hơn, nhưng lại xảy ra TNGT nhiều hơn (xảy ra 254 vụ, chết 221 người, bị thương 176 người).

Thượng tá Nguyễn Văn Ba, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, cho biết qua tăng cường tuần tra kiểm soát đã làm giảm tỷ lệ TNGT xảy ra trên các quốc lộ, nhưng hiện nay TNGT lại tăng trên các tuyến khác, nhất là tuyến nông thôn.

Trong các nguyên nhân tăng TNGT còn có nguyên nhân kinh phí ATGT chưa được thực hiện suôn sẻ. Ban ATGT tỉnh cho biết, kế hoạch 2014 phải xử lý 24 “điểm đen” về TNGT, nhưng đến nay chỉ xử lý được 5 “điểm đen”; còn lại hàng chục “điểm đen” phải chờ cấp kinh phí dù Ban ATGT tỉnh đã đề xuất dự toán cả năm.

* Giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông

Trong các địa phương tăng người chết vì TNGT 9 tháng qua, TP.Biên Hòa đã nỗ lực kéo giảm TNGT cả 3 mặt trong 4 tháng cuối (tháng 6 đến 8-2014 giảm 14 người chết). Nguyên nhân là do Công an TP.Biên Hòa được đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông nên đã tăng năng lực phát hiện, xử lý người đi đường vi phạm.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công an tỉnh, cho biết thời gian tới sẽ đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông trên toàn tỉnh. Qua đó, CSGT sẽ tăng cường xử phạt “nguội” người đi đường vi phạm, tạo ấn tượng lực lượng tuần tra kiểm soát có mặt mọi lúc, mọi nơi để xử lý vi phạm, nhờ vậy sẽ nâng cao hơn nữa ý thức người tham gia giao thông.

Ban ATGT tỉnh cũng kiến nghị Tổng cục Đường bộ cho lắp thêm dải phân cách tim đường trên quốc lộ 1 để phòng ngừa TNGT đối đầu; đẩy nhanh lắp đặt thêm dải phân cách tách làn đường xe  2 bánh trên quốc lộ 51; khắc phục ngay các “điểm đen” giao thông trên các quốc lộ; lắp thêm hệ thống cảnh báo, tuyên truyền ATGT trên các đường ngang đường sắt…

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái chỉ đạo các đơn vị liên quan phải xem xét ngay TNGT tăng ở tuyến nào, địa phương nào, nguyên nhân vì đâu và thực hiện ngay các giải pháp kéo giảm. Vì sao cùng trên quốc lộ 20 bị tăng người chết, nhưng ở huyện Định Quán lại giảm mà ở huyện Tân Phú lại tăng cao(!?). TNGT tăng trên các tuyến đường do địa phương quản lý thì chính quyền ở đó phải chịu trách nhiệm, kể cả ở cấp xã, phường, thị trấn. Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng tuần tra kiểm soát phải tích cực tuần tra lưu động, tập trung ở các “điểm đen”, đoạn, tuyến mất ATGT. Phải báo ngay cho cơ quan chức năng để xóa các “điểm đen” và có biện pháp tăng cường ATGT ở các đoạn, tuyến nói trên. Ban ATGT cần yêu cầu, vận động cán bộ, công nhân viên chức, hội viên, đoàn viên tự giác chấp hành pháp luật khi đi đường. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” đến mọi gia đình. Nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ ATGT ở cơ sở…

Thanh Toàn

 

Tin xem nhiều