Báo Đồng Nai điện tử
En

Trao quyền điều tra cho viện kiểm sát: Còn tranh luận

10:09, 21/09/2014

Tại hội nghị góp ý Dự thảo Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân (VKSND) sửa đổi được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức mới đây, một số ý kiến đại biểu tham dự hội nghị đề nghị trao thẩm quyền cho VKSND điều tra một số loại tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp.

Tại hội nghị góp ý Dự thảo Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân (VKSND) sửa đổi được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức mới đây, một số ý kiến đại biểu tham dự hội nghị đề nghị trao thẩm quyền cho VKSND điều tra một số loại tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu để cơ quan điều tra của VKSND sẽ không đảm bảo tính khách quan khi VKSND vừa thực hiện quyền công tố, lại thực hiện quyền điều tra.

Ông Mai Văn Sinh phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Ông Mai Văn Sinh phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Tại hội nghị, phần lớn đại biểu tham gia đều đồng tình với các nội dung được quy định trong dự thảo luật. Nhưng cũng có nhiều ý kiến phân tích những bất hợp lý được quy định tại các điều, khoản của dự thảo luật.

* Tranh luận quyền điều tra của viện kiểm sát

Điều 20 của dự thảo luật nêu: “Cơ quan điều tra của VKSND tối cao, Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương điều tra một số loại tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án hoặc người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra”.

Theo đại diện Tòa án nhân dân tỉnh, việc quy định như vậy sẽ không đảm bảo tính khách quan khi VKSND vừa thực hiện quyền công tố vừa thực hiện quyền điều tra. Do đó, cần bỏ thẩm quyền cũng như bộ máy của cơ quan điều tra trong bộ máy cơ quan VKSND; đồng thời giữ nguyên thẩm quyền của cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an.

Điểm e, Khoản 3, Điều 3 dự thảo luật quy định, ngoài chức năng thực hành quyền công tố, VKSND có thẩm quyền “điều tra một số loại tội phạm theo quy định của luật, tiến hành một số hoạt động điều tra để làm rõ căn cứ quyết định buộc tội đối với người phạm tội”. Nhưng theo đại diện Công an tỉnh, chức năng công tố của VKSND chỉ thể hiện rõ nhất khi ra quyết định truy tố và giữ quyền công tố tại các phiên tòa xét xử. Do đó, quy định trên của dự thảo luật chưa chuẩn xác và không phù hợp với Hiến pháp. Bên cạnh đó, việc tiến hành một số hoạt động điều tra để làm rõ căn cứ quyết định việc buộc tội đối với người phạm tội, thực chất là việc xác minh, thẩm tra hay phúc tra lại kết luận, đề xuất của cơ quan điều tra mà không thể gọi là hoạt động điều tra.

Dự thảo Luật Tổ chức VKSND sửa đổi có 7 chương, 101 điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức và hoạt động, tổ chức bộ máy, cán bộ kiểm sát viên và các chức danh khác trong VKSND; quy định về bảo đảm hoạt động của VKSND.

Không đồng tình với các quan điểm trên, ông Mai Văn Sinh, đại diện VKSND tỉnh, xác định: “Từ phương diện lý luận, thực tiễn và xuất phát từ nguyên tắc tổ chức, hoạt động độc lập với các cơ quan Nhà nước khác cho thấy, việc quy định VKSND có quyền điều tra là cần thiết và góp phần thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước vừa được quy định trong Hiến pháp mới”. Theo ông Sinh, điều quan trọng là phạm vi điều tra của VKSND đến đâu và cách thức tổ chức công tác điều tra như thế nào để đảm bảo hiệu quả thực hành quyền công tố, đấu tranh chống tội phạm. Công tác điều tra của VKSND góp phần bảo đảm thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật.

Đồng quan điểm với ông Sinh, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự tỉnh, cho biết việc bổ sung thẩm quyền điều tra cho VKSND là cần thiết, vì trên thực tế có những vụ án chưa đầy đủ cần phải điều tra bổ sung, trong khi trách nhiệm truy tố, buộc tội là của VKSND, nên VKSND cũng có thể khởi tố để điều tra.

* Nên giữ nguyên viện kiểm sát cấp huyện

Điều 38 Dự thảo Luật Tổ chức VKSND quy định về hệ thống VKSND (sửa đổi, bổ sung) ở cấp thứ tư (cấp huyện, hoặc tương đương) đã đưa ra 2 phương án: VKSND khu vực và VKSND cấp huyện, nhưng đa số ý kiến tại hội nghị đều đề nghị giữ nguyên VKSND cấp huyện.

Đại diện Hội Luật gia tỉnh đề nghị giữ nguyên VKSND cấp huyện. Bởi tại Khoản 1, Điều 3 của dự thảo luật quy định chức năng, nhiệm vụ của VKSND trước tiên là cơ quan thực hành quyền công tố, sau đó mới kiểm soát hoạt động tư pháp của Nhà nước. Trong khi đó, chức năng thực hành quyền công tố gắn liền, hoặc có liên quan mật thiết đến hoạt động của các cơ quan điều tra của công an được chia theo địa giới hành chính. Việc giữ nguyên VKSND cấp huyện sẽ đảm bảo cho hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm soát các hoạt động tạm giam, tạm giữ, khởi tố… của VKSND được thuận tiện hơn.

Ông Mai Văn Sinh cho rằng, việc giữ nguyên VKSND cấp huyện là phù hợp. Theo ông Sinh, trên thực tế có khoảng 2/3 khối lượng công việc của VKSND cấp huyện gắn với hoạt động của cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án cấp huyện. Vì vậy, việc tổ chức mô hình VKSND cần thống nhất, đồng bộ với tổ chức của cơ quan điều tra và thi hành án cùng cấp. Điều này nhằm tạo thuận lợi và tăng cường trách nhiệm công tố, kiểm sát trong hoạt động điều tra hình sự, nhất là trong việc phê chuẩn các quyết định tố tụng, lệnh của cơ quan điều tra.

Cũng theo ông Sinh, hoạt động của VKSND luôn ở trạng thái hoạt động 24/24, phải tham gia hầu hết hoạt động tố tụng hình sự, bám sát tiến độ điều tra, phê chuẩn khởi tố bị can, tạm giam… Trong điều kiện tổ chức bộ máy của cơ quan điều tra, thi hành án vẫn giữ nguyên thì việc thành lập VKSND khu vực sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng của VKSND.

Trần Danh

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều