Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ nợ thành... kẻ cướp

09:08, 14/08/2013

Trong suy nghĩ của nhiều người: “Thiếu nợ phải trả tiền, không có tiền thì chủ nợ có quyền xiết nợ”. Chính sự thiếu hiểu biết về luật pháp đã khiến nhiều người có hành vi phạm tội, từ chủ nợ trở thành kẻ cướp, khi hiểu ra điều này thì đã muộn.

Trong suy nghĩ của nhiều người: “Thiếu nợ phải trả tiền, không có tiền thì chủ nợ có quyền xiết nợ”. Chính sự thiếu hiểu biết về luật pháp đã khiến nhiều người có hành vi phạm tội, từ chủ nợ trở thành kẻ cướp, khi hiểu ra điều này thì đã muộn.

* Cùng nhau làm bậy

Dành dụm được chút ít tiền, chị V.T.C. (40 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh) cho chị N.T.M. (ngụ thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, làm chung công ty ở TP.Hồ Chí Minh) mượn 8 triệu đồng, với ý định kiếm chút tiền lời hàng tháng. Cùng thời điểm đó, chị M. còn nợ tiền chơi hụi của chị Đ.T.T., cũng làm chung công ty với số tiền 31 triệu đồng.

Mượn nợ được một thời gian ngắn thì chị M. bỏ về thị trấn Gia Ray, mang theo cả số tiền đã mượn của 2 chị C. và T. Tại đây, chị M. xin làm công nhân tại Khu công nghiệp Xuân Lộc một thời gian dài và cắt luôn liên lạc với chị C.

Tức tối vì bị người khác lấy số tiền lao động vất vả mới dành dụm được, chị C. đã tìm mọi cách liên lạc, dò tìm tung tích chị M., nhưng vô vọng.

Tưởng chừng việc đòi lại số tiền là không thể, nhưng một lần về Xuân Lộc chơi, chị C. tình cờ nhìn thấy chị M. Với quyết tâm đòi lại số tiền cho mượn trước đó, chị C. đã theo dõi chị M. và biết được chỗ chị này ở trọ thuộc KP.6, thị trấn Gia Ray.

Về TP.Hồ Chí Minh, chị C. rủ thêm chị T. và một số người làm cùng công ty, gồm: P.T.S., D.C.S., H.M.L. và T.M.T., kéo đến Xuân Lộc tìm chị M. đòi nợ.

Khi tìm gặp chị M. tại phòng trọ ở thị trấn Gia Ray, chị C. đòi chị M. số tiền trước đó đã mượn. Lấy lý do chưa có tiền, chị M. hẹn một thời gian nữa mới trả, khiến hai bên lời qua tiếng lại. Trong cơn nóng giận, lại thấy chị M. đeo nữ trang trên người, chị C. lao vào hành hung và kêu gọi những người đi cùng khống chế chị M. để chiếm đoạt số nữ trang. Bạn trai của chị M. ở gần đó đã kịp thời đến giải cứu chị M., nên nhóm người của chị C. chỉ kịp lấy được đôi bông tai, 2 điện thoại di động và một sổ hộ khẩu (tổng giá trị tài sản chiếm đoạt chưa đến 1,8 triệu đồng).

Cùng lúc này, lực lượng công an Khu công nghiệp Xuân Lộc có mặt để dẫn giải C. cùng những người tham gia vụ đòi nợ về trụ sở Công an huyện. Tại cơ quan công an, tất cả đã khai nhận hành vi của mình.

Tưởng việc đòi nợ kiểu “luật rừng” của mình và những người đi cùng là chính đáng, 2 chị C. và T. đã khiến bản thân mình và các bạn vào chốn lao lý với hành vi cướp tài sản. Một bài học quá đắt cho sự thiếu hiểu biết pháp luật.

* Hết thời của “luật rừng”

Cùng thời điểm xảy ra vụ nhóm người của chị C. đòi nợ chị M., một vụ việc tương tự đã xảy ra tại địa bàn xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc).

Là chỗ thân quen, bà P.T.P., chủ vựa kinh doanh thức ăn gia súc trên địa bàn xã Xuân Bắc, cho bà C.T.Th. mua chịu thức ăn gia súc tổng cộng 134 triệu đồng. Trước đây, mỗi lần cho heo xuất chuồng, bà Th. trả tiền nợ cho bà P. Lần này, sau khi bán heo, bà Th. lại lấy tiền làm việc khác, sau đó chuyển sang lấy thức ăn nơi khác để chăn nuôi heo, mà không lấy thức ăn gia súc nơi bà P.

Theo luật sư Nguyễn Đức, Đoàn luật sư Đồng Nai: “Những vụ việc này cho thấy, một phần do người dân thiếu hiểu biết, một phần do ý thức tôn trọng pháp luật của người dân kém, dẫn đến những hành xử trái pháp luật. Thực tế còn cho thấy, việc kiện đòi tài sản ra tòa thời gian xét xử thường kéo dài; khi tòa xử xong, bản án có hiệu lực, người dân lại phải chờ thi hành án, dẫn đến tâm lý nôn nóng lấy lại tài sản, khiến họ có những hành vi đòi nợ không đúng pháp luật”.

Tức giận vì bà Th. không trả tiền cho mình, lại còn lấy thức ăn gia súc nơi khác, bà P. cho người làm chạy xe tải vào trại heo của bà Th. bắt 14 con heo với ý định trừ vào số tiền bà Th. đã nợ. Do bà Th. không đồng ý cấn nợ theo ý bà P. nên đôi bên cự cãi, dẫn đến xô xát. Đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, bà P. mới biết hành vi của mình vi phạm quyền về tài sản và quyền nhân thân, sức khỏe của gia đình bà Th.

Hành động đòi nợ theo kiểu “luật rừng” như những chủ nợ nêu trên là hoàn toàn trái với quy định luật pháp. Bởi xét cho cùng, nợ nhau tài tản cũng chỉ là giao dịch về mặt dân sự, nhưng khi chủ nợ đòi nợ bằng sức mạnh trái ý với con nợ là một hành vi chiếm đoạt, vi phạm pháp luật, thì “tiền chưa lấy được, nhưng tật phải mang”.

Hải Đăng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều