Báo Đồng Nai điện tử
En

Giáo dân nhặt đá "vá đường"

08:05, 10/05/2016

"Giúp đỡ người khác không phải đợi khi giàu mới làm được, ngay cả khi khó khăn chúng ta cũng có thể làm được, quan trọng là bản thân mình có thực lòng hay không".

Ông Nguyễn Văn Trị suốt nhiều năm vá đường ở xã Bắc Sơn,  huyện Trảng Bom.
Ông Nguyễn Văn Trị suốt nhiều năm vá đường ở xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom.

“Giúp đỡ người khác không phải đợi khi giàu mới làm được, ngay cả khi khó khăn chúng ta cũng có thể làm được, quan trọng là bản thân mình có thực lòng hay không”.

Với phương châm sống trên, những năm qua, giáo dân Công giáo Nguyễn Văn Trị (ngụ ấp Bùi Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom), đã làm những việc tưởng chừng đơn giản nhưng ít ai có thể làm được, đó là nhặt đá “vá đường”.

* Đội nắng, đội mưa vá đường

Dưới cái nắng oi ả tháng 5, con đường đất đỏ dài chừng 100m ở ấp Bùi Chu có bóng dáng một người đàn ông với dáng người nhỏ đang loay hoay nhặt từng viên đá, hòn đất rơi vãi trên đường bỏ vào một chiếc bao tải để đổ xuống những “ổ gà, ổ voi”.

Với bà con nơi đây, việc làm này của ông Trị đã trở nên quen thuộc bởi ông làm công việc vá đường suốt mười mấy năm nay. Tay thoăn thoắt những động tác, chỉ trong nháy mắt, 3-4 “ổ gà” giữa đường đã được ông vá lại bằng phẳng.

Ông Trị cho biết, ông đặt chân đến vùng đất Bùi Chu này sinh sống cách đây hơn 40 năm. Những năm kinh tế còn khó khăn, ông chứng kiến cảnh những con đường thực chất chỉ là những lối mòn quanh co, lầy lội, 2 bên là cỏ lau mọc quá đầu. Mỗi khi trời mưa, bà con phải xắn quần quá đầu gối để đi như lội ruộng.

Thế là trong suy nghĩ thời niên thiếu của ông Trị luôn ao ước một ngày ông và bà con sẽ có một con đường rộng hơn để đi chứ cũng không dám nghĩ đến việc có được con đường bê tông, hay nhựa hóa như hiện nay.

Đến khi số hộ gia đình trong ấp ngày một tăng lên, người đến đâu, đường mở tới đó. Vào mùa mưa, những con đường trở nên lầy lội, xuống cấp, khiến các cháu nhỏ cắp sách tới trường luôn lấm lem bùn đất. Vậy là ông quyết định ngoài thời gian chăn nuôi và làm vườn, ông tranh thủ đi nhặt những cục đất, hòn đá trong các rẫy đổ xuống những đoạn đường hư hỏng. Lúc đầu việc làm này ảnh hưởng đến thời gian dành cho gia đình nhưng lâu dần, vợ con cũng chấp  nhận sở thích “vá đường” đó của ông. Ông Trị trải lòng: “Lúc chưa có tiền thì tôi nỗ lực bản thân, dùng sức lao động của mình để xúc đất sửa đường. Đến khi có tiền, tôi mua những xe đất đổ cho bà con đi”.

* Lấy chuyện “bao đồng” làm niềm vui

Vài năm trở lại đây, khi kinh tế người dân nơi đây được nâng cao, phong trào xã hội hóa giao thông nông thôn được bà con đồng tình hưởng ứng, công việc “vá đường” của ông Trị cũng không còn nhiều như trước.

Những tưởng từ nay ông sẽ nhàn rỗi hơn, không còn phải lo đến những việc bao đồng khi những con đường bê tông xi măng đang dần phủ kín thôn, ấp. Chưa bằng lòng với những công việc mình đã  làm, mới đây ông đã bàn với vợ con, tự mở con đường dài hơn 200m, rộng 5m bên hông nhà để con đường được kéo thẳng ra tuyến  đường chính Phú Sơn.

Bao nhiêu năm qua, ông không thể nhớ hết mình đã lấp được bao nhiêu lượt cái “ổ gà, ổ voi”. Chỉ biết rằng, công việc ấy đã trở thành một thói quen không thể thiếu trong cuộc sống của ông dù nó chẳng mang lại lợi ích về vật chất nhưng bù lại ông lại thấy vui khi mình và bà con đi lại bớt khó khăn. Vì vậy, mỗi khi rảnh rỗi ông lại lấy xe đi một vòng, chỗ nào đường hư, ông lại “vá”.

Không chỉ vậy, tự gia đình ông bỏ ra trên 250 triệu đồng để đổ bê tông đoạn đường này mà không hề tính toán thiệt hơn. Ông Trị chia sẻ: “Con đường này ngay bên nhà là con đường bản thân cố gắng, bởi đường sá là điều rất cần thiết cho mọi người. Tôi cũng cố gắng sửa, bởi không chỉ bản thân mình được hưởng lợi mà mọi người cũng được hưởng”.

Một câu nói, cách làm đầy trách nhiệm với cộng đồng và xã hội với phương châm sống tốt đời, đẹp đạo của giáo dân Nguyễn Văn Trị, thật đáng để mọi người cảm phục và học tập. Bà Nguyễn Thị Thơm, người dân ấp Bùi Chu, cho biết: “Ông Trị làm công việc san lấp “ổ gà, ổ voi” từ thời con tôi còn bế ngửa, vậy mà  bây giờ con tôi đã lập gia đình rồi, tôi vẫn thấy ông còn đi làm công việc này. Thật là cảm phục ông  ấy. Chúng tôi luôn lấy tấm  gương ông Trị ra để mà răn dạy con cháu sống sao cho  có  ý nghĩa, có  ích  cho xã  hội”.

Thanh Trà

 

 

Tin xem nhiều