Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 3: Lo thiếu nước cho sinh hoạt, sản xuất

08:02, 16/02/2023

Trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ thêm 8 khu công nghiệp (KCN), gần 300 khu dân cư và sân bay Long Thành sẽ hoàn thành đưa vào khai thác.

Trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ thêm 8 khu công nghiệp (KCN), gần 300 khu dân cư và sân bay Long Thành sẽ hoàn thành đưa vào khai thác. Vì thế, dân số sẽ tăng nhanh, nhu cầu về nước cho sinh hoạt, sản xuất có thể tăng gấp 2-3 lần so với hiện nay. Nếu không quy hoạch, xây dựng các hồ, công trình cấp nước đúng lộ trình sẽ thiếu nước cho sinh hoạt, sản xuất.

Nông dân xã Thanh Sơn (H.Tân Phú) vẫn phải sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt. Ảnh:  B.NGUYÊN
Nông dân xã Thanh Sơn (H.Tân Phú) vẫn phải sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt. Ảnh: B.NGUYÊN

Theo UBND tỉnh, các công trình cấp nước của Đồng Nai hiện có công suất thiết kế hơn 508,5 ngàn m3/ngày đêm, đang khai thác hơn 423,8 ngàn m3/ngày đêm để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Dự kiến trong 5-10 năm tới, nhu cầu về nước sạch trên địa bàn tỉnh có thể đạt mức trên 1 triệu m3/ngày đêm.

* Cần nhiều nước sạch cho sinh hoạt, công nghiệp

Đồng Nai hiện có dân số hơn 3,2 triệu người, có 31 KCN đang hoạt động nên nhu cầu về nước sạch của tỉnh là gần nửa triệu m3/ngày đêm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người dân ở khu vực nông thôn vẫn sử dụng nước giếng khoan, giếng đào. Trong những năm tới, khi có thêm 8 KCN thành lập mới, 6 KCN mở rộng diện tích, gần 20 cụm công nghiệp thành lập mới và cả trăm khu dân cư sẽ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật để đưa vào khai thác thì nhu cầu về nước sạch sẽ rất lớn.

Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho hay: “Trong giai đoạn tới, H.Cẩm Mỹ sẽ triển khai xây dựng 3 KCN và 2 cụm công nghiệp nên nhu cầu về nước cho sản xuất công nghiệp sẽ rất lớn. Trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, huyện dành quỹ đất gần 200ha để xây dựng 3 hồ chứa nước để cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp. Đồng thời, khi các KCN, cụm công nghiệp đi vào hoạt động sẽ thu hút số lượng lớn lao động từ các nơi về sinh sống và làm việc nên nhu cầu nước sạch cho sinh hoạt cũng sẽ tăng cao”.

Theo quy hoạch thủy lợi của Đồng Nai đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, trên địa bàn tỉnh sẽ lấy nguồn nước sinh hoạt từ 2 sông Đồng Nai, Đồng Môn và 5 hồ gồm: Trị An, Gia Ui, Núi Le, Đá Vàng, Cầu Mới.

Trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai có thêm gần 300 dự án khu dân cư, khu đô thị ở các huyện, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh đáp ứng cho thêm gần 7 triệu người dân đến sinh sống. Nếu người dân về sinh sống phủ kín các khu dân cư, khu đô thị đã quy hoạch thì sẽ cần thêm khoảng 700 ngàn m3 nước/ngày đêm. Vì trong đề án cấp nước của Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, mức cấp nước sẽ từ 80-120 lít/người/ngày đêm. Ngoài ra, các khu, cụm công nghiệp có thể  cần thêm hàng trăm ngàn m3 nước/ngày đêm.

Hiện các địa phương đều đã quy hoạch những công trình hạ tầng kỹ thuật, trong đó có nước sạch để phục vụ cho các khu dân cư, khu đô thị. Trong đó, nhiều địa phương dự kiến đầu tư xây dựng hồ chứa nước để đáp ứng nhu cầu về nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất. Vì nếu thiếu nguồn nước sẽ không phát triển được khu dân cư hoặc công nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng lưu ý: “Trong những năm tới, trên địa bàn tỉnh sẽ đầu tư phát triển nhiều KCN, cụm công nghiệp, khu dân cư nên các địa phương phải tính toán ưu tiên quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật gồm: nước, đường giao thông, điện… Đồng thời, bố trí nguồn vốn để đầu tư các công trình hạ tầng theo lộ trình và ưu tiên các dự án quan trọng trước”.

* Dự trữ nước cho sản xuất nông nghiệp

Tuy là tỉnh có công nghiệp phát triển nhưng diện tích sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai vẫn khá lớn. Lĩnh vực này được tỉnh rất coi trọng vì gần 60% dân số vẫn sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, nông nghiệp vẫn được coi là một trụ đỡ vững chắc cho phát triển kinh tế của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có hơn 170 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó khoảng 150 ngàn ha chưa chủ động được nguồn nước tưới.

Nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai nếu chủ động được nước tưới, người dân có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất và lợi nhuận lên gấp 2-3 lần so với hiện nay. Với những khu vực chưa chủ động được nước tưới, đa số người dân phải khoan giếng, thế nhưng những năm gần đây mực nước ngầm đã sụt giảm nghiêm trọng nên trong mùa khô nhiều vùng vẫn thiếu nước sản xuất.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, sẽ chủ động nguồn nước tưới cho khoảng 77,5 ngàn ha và đến năm 2035, tất cả diện tích đất sản xuất nông nghiệp sẽ chủ động nước tưới. Các hồ chứa, công trình thủy lợi ngoài cung cấp nước trong mùa khô còn có thể điều tiết, tiêu thoát nước trong mùa mưa để hạn chế tình trạng ngập lụt.

Ông Nguyễn Đình Huynh (ngụ xã Xuân Đông, H.Cẩm Mỹ) chia sẻ: “Về mùa khô, khu vực Xuân Đông thường không đủ nước tưới. Do đó, vào mùa mưa người dân thường làm các đập dâng để giữ nước sản xuất trong mùa khô. Nếu có đủ nguồn nước tưới, người dân có thể tăng năng suất cho cây trồng hoặc chuyển đổi sang các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao”.

Tương tự, một số vùng khác thuộc các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán… phải sử dụng nước ngầm và mùa khô thường rơi vào tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp. Người dân mong huyện, tỉnh sớm đầu tư các công trình hồ, đập, hệ thống thủy lợi dẫn nước từ các sông về.

Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Ngô Tấn Tài cho biết: “H.Định Quán đã quy hoạch và xây dựng khoảng 4 hồ chứa nước trong giai đoạn tới để đáp ứng nhu cầu sản xuất cho người dân trong vùng vào mùa khô. Trong đó, có 3 hồ chứa nước chuyển tiếp từ giai đoạn trước qua và 1 hồ mới bổ sung trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030. Các hồ chứa nước trên khi hoàn thành sẽ đáp ứng nguồn nước để sản xuất chăn nuôi, trồng trọt cho các xã: Gia Canh, Phú Ngọc, Thanh Sơn và một số vùng lân cận”.

Theo ông Nguyễn Văn Linh, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc, việc đầu tư các công trình thủy lợi là một trong những điều kiện quan trọng góp phần vào quá trình thực hiện thành công đề án xây dựng H.Xuân Lộc đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” giai đoạn 2018-2025. Huyện mong được quan tâm đầu tư các công trình thủy lợi, nhất là dự án Trạm bơm điện La Ngà với kinh phí thực hiện hơn 1,1 ngàn tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.    

Hương Giang - Bình Nguyên

Bài 4: Giải pháp để giữ nguồn nước cho tương lai

Tin xem nhiều