Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm giải pháp ổn định nguồn cung nguyên liệu hạt điều

06:12, 24/12/2022

Thiếu nguyên liệu trong nước khiến cho ngành sản xuất, chế biến hạt điều gặp khó khăn khi các đối tác có những biến động.

Việt Nam là nước xuất khẩu các sản phẩm từ hạt điều đứng vị trí số 1 thế giới nhiều năm liền, nhưng ngành sản xuất, chế biến hạt điều lại phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập ngoại khi nội địa chỉ đáp ứng được 30%. Thiếu nguyên liệu trong nước khiến cho ngành này gặp khó khăn khi các đối tác có những biến động. Do đó, việc tìm cách đa dạng hóa, ổn định nguồn cung ứng nguyên liệu là rất cần thiết.

Ngành chế biến hạt điều Việt Nam đang phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu ngoại nhập. Ảnh: V.Gia
Ngành chế biến hạt điều Việt Nam đang phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu ngoại nhập. Ảnh: V.Gia

Là một trong những địa phương sản xuất, xuất khẩu hạt điều trọng điểm, Đồng Nai đã và đang thực hiện các giải pháp để hướng tới sản xuất bền vững.

* Phụ thuộc vào nguyên liệu nhập ngoại

Là nước “chi phối” xuất khẩu điều nhân khi chiếm tới 80% tổng sản lượng toàn cầu, nhưng do nguồn nguyên liệu trong nước còn hạn chế nên phần lớn các DN Việt Nam gia tăng việc nhập khẩu điều nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu điều năm 2021 đạt 3,6 tỷ USD nhưng nước ta đã nhập khẩu tới 2,8 triệu tấn điều thô, tiêu tốn 4,1 tỷ USD.

Điều này đã khiến năm 2021 là năm đầu tiên ngành chế biến hạt điều rơi vào tình thế thâm hụt thương mại, với nhập siêu khoảng 600 triệu USD. Tiếp tục 11 tháng của năm 2022, tình trạng nhập khẩu hạt điều nguyên liệu vẫn rất lớn, lên đến hơn 1,7 triệu tấn, cộng với tồn kho từ năm 2021 chuyển sang, thì hiện tại ngành điều đang tồn kho tới 1,1-1,2 triệu tấn hạt điều nguyên liệu.

Mặc dù là đất nước xuất khẩu hạt điều thành phẩm lớn nhất thế giới nhưng Việt Nam mới chủ động được khoảng 30% nguyên liệu, phần nguyên liệu điều thô còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. Thị trường nhập khẩu điều thô của Việt Nam hiện nay chủ yếu là từ Campuchia, các nước châu Phi và một phần ở Indonesia.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, hiện các DN ngành chế biến hạt điều đang gặp nhiều rủi ro trong nhập khẩu mặt hàng điều thô hiện nay. Chất lượng hạt điều nhập từ châu Phi khá thấp khi chỉ có 70% đạt tiêu chuẩn chế biến, còn lại 30% không đạt tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu nhưng không thể chuyển nội địa.

Bên cạnh đó, một số nước ở khu vực này đang đẩy mạnh xu hướng "tự cường" về chính trị, kinh tế…, trong đó có phát triển sản xuất, chế biến hạt điều trong nước. Hiện nay, các đối tác phát triển từ các nước phát triển như châu Âu và Bắc Mỹ đều ưu tiên các sản phẩm từ hạt điều có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tạo lợi thế cho các doanh nghiệp chế biến hạt điều tại châu Phi hơn.

Xu thế đó đòi hỏi các nhà quản lý, các DN Việt Nam cần sớm có tầm nhìn dài hạn, cách tiếp cận mới trong hợp tác thương mại hạt điều với châu Phi để phát triển bền vững ngành chế biến hạt điều.

* Tìm giải pháp ổn định nguồn cung

Tại buổi tọa đàm Hợp tác thương mại hạt điều với châu Phi và các giải pháp bảo đảm nguồn cung hạt điều nguyên liệu cho Việt Nam do Bộ Ngoại giao phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 12-12, các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp để giúp phát triển bền vững ngành chế biến hạt điều.

Nhận định việc phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu sẽ tiếp tục tiếp diễn, các doanh nghiệp trong ngành cho rằng cần đẩy mạnh hợp tác sản xuất, chế biến điều với châu Phi; xem xét đầu tư liên doanh, liên kết với đối tác sở tại; thành lập các văn phòng/đại diện tại sở tại để tìm hiểu thị trường, kết nối đối tác, trực tiếp khai thác, mở rộng hoạt động thị trường, hạ giá đầu vào. Cần có cơ chế chính sách để DN Việt Nam tăng đầu tư, nghiên cứu, áp dụng cách thức hỗ trợ, khuyến khích nông dân trồng điều tại các nước châu Phi tiềm năng nhằm tăng diện tích canh tác, sản lượng, chất lượng điều thu hoạch và tỷ lệ điều thô dành cho các nhà nhập khẩu Việt Nam; từng bước thay đổi chiến lược phát triển ngành điều (sản xuất, xuất nhập khẩu…) phù hợp với xu hướng mới của thị trường điều toàn cầu; chú trọng phát triển nguồn nguyên liệu trong nước...

Đối với các địa phương, ông Trần Văn Mi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước chia sẻ tỉnh là thủ phủ của ngành điều cả nước, xuất khẩu điều nhân năm 2022 ước đạt 160 ngàn tấn. Để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, Bình Phước đề xuất ngoài các nước châu Phi thì các nước lân cận cũng rất quan trọng. Các bộ, ngành cần nghiên cứu xây dựng chương trình hợp tác, đầu tư về vùng nguyên liệu điều với các quốc gia lân cận hiện chú trọng phát triển như Campuchia, Lào... Có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư thực hiện chế biến sâu đối với sản phẩm hạt điều nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu và tính cạnh tranh sản phẩm...

Tương tự, tại Đồng Nai, toàn tỉnh có trên 30 ngàn ha diện tích đất trồng điều với năng suất bình quân 1,5 tấn/ha. Trên địa bàn hiện có hơn 50 nhà máy chế biến hạt điều nhân với tổng công suất thiết kế khoảng 150 ngàn tấn hạt điều nhân/năm, sản lượng sản xuất hiện khoảng 100 ngàn tấn điều nhân/năm.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, điều là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, Đồng Nai đang triển khai các giải pháp nhằm tăng năng suất điều trên các vườn cây của người dân. Thời gian tới, địa phương sẽ tuyển chọn một số giống điều có năng suất cao, thay thế giống điều già cỗi, dự báo tốt thị trường thế giới để các DN có hướng đầu tư, sản xuất phù hợp.

Dù được coi là cường quốc xuất khẩu hạt điều song diện tích trồng cây điều của Việt Nam ngày càng suy giảm. Hiện cả nước có khoảng 300 ngàn ha trồng điều nhưng diện tích này giảm nhiều so với 10 năm trước. Theo các chuyên gia, khi một số cây trồng khác có giá trị cao hơn về kinh tế, người dân sẽ còn có xu hướng chặt bỏ cây điều để trồng các loại cây mới, gây thêm khó khăn về nguồn cung nguyên liệu.

Văn Gia

Tin xem nhiều