Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp cung ứng hàng phụ trợ vất vả tìm đơn hàng cuối năm

06:11, 23/11/2022

Cuối năm thông thường là mùa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, làm hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, năm nay tình hình xuất khẩu của các DN gặp nhiều khó khăn, đơn hàng giảm, sản xuất cầm chừng, nhiều yếu tố về vật giá, tài chính và những tác động bất lợi của thế giới khiến cho DN nói chung đang rất vất vả, nhiều đơn vị thu hẹp sản xuất, giảm nhân viên...

Cuối năm thông thường là mùa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, làm hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, năm nay tình hình xuất khẩu của các DN gặp nhiều khó khăn, đơn hàng giảm, sản xuất cầm chừng, nhiều yếu tố về vật giá, tài chính và những tác động bất lợi của thế giới khiến cho DN nói chung đang rất vất vả, nhiều đơn vị thu hẹp sản xuất, giảm nhân viên...

Doanh nghiệp tham gia tìm kiếm khách hàng tại hội nghị kết nối giao thương Việt Nam - Nhật Bản do UBND tỉnh tổ chức. Ảnh: V.Gia
Doanh nghiệp tham gia tìm kiếm khách hàng tại hội nghị kết nối giao thương Việt Nam - Nhật Bản do UBND tỉnh tổ chức. Ảnh: V.Gia

Trong bối cảnh các nhà sản xuất, xuất khẩu sụt giảm đơn hàng đã khiến cho nhiều đơn vị cung ứng mặt hàng phụ trợ trong nước cũng chật vật theo.

* Chật vật tìm đơn hàng

Công ty TNHH Dương Đăng Phát (TP.Biên Hòa) chuyên cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực cơ khí, chế tạo với những mặt hàng như: ngũ kim, đinh, ốc vít, bản lề cho các DN trong và ngoài tỉnh. Ông Dương Hải Đăng, Giám đốc công ty cho hay, đây là một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất của DN kể từ khi thành lập.

Do đặc thù là đơn vị sản xuất mặt hàng công nghiệp hỗ trợ nên phụ thuộc lớn vào các nhà sản xuất đầu cuối, làm hàng xuất khẩu. Thời gian qua, nhiều đối tác của công ty bị ảnh hưởng từ thị trường xuất khẩu đã kéo theo sản lượng cung ứng của DN này giảm sút. Hàng tồn kho và công nợ là một trong những vấn đề mà các đơn vị sản xuất như ông và nhiều DN nhỏ và vừa khác đang gặp phải.

“Hiện chúng tôi đang phải vất vả giữ mối đối với các khách hàng cũ, tìm thêm khách hàng mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc tìm thêm khách hàng là không dễ dàng, DN cố gắng duy trì sản xuất, giữ được việc làm cho anh em thời điểm giáp Tết cũng là nỗ lực rất lớn rồi” - ông Đăng nói.

Đối với ngành gỗ không chỉ gặp khó khăn với thị trường xuất khẩu mà thị trường gỗ nội địa cũng đang bị giảm doanh thu đáng kể. Các sản phẩm gỗ xuất khẩu hiện đã giảm 30%, doanh thu của nhiều DN giảm một nửa, thậm chí một vài DN buộc phải đóng cửa. Các nhà sản xuất gặp khó khăn ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu cũng đã tác động mạnh đến nhà cung ứng nguyên vật liệu.

Bà Trần Thị Thức, Giám đốc Công ty CP sản phẩm Ta Nhà Tây, DN chuyên cung cấp nguyên liệu sản xuất ngành gỗ cho hay, thời gian qua, sản lượng gỗ nguyên liệu mà đơn vị cung ứng ra gặp khó khăn nên những tháng cuối năm đang phải vất vả để tìm thêm đơn hàng.

“Là một trong những nhà cung ứng nguyên liệu gỗ lớn nhất cả nước, chúng tôi đảm bảo cung cấp cho các đối tác sản xuất gỗ nội thất nguyên liệu gỗ có nguồn gốc hợp pháp, tạo sự an tâm cho nhà sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn giới thiệu nhiều hơn đến với thị trường nội thất trong nước, không chỉ để phục vụ xuất khẩu mà gỗ nguyên liệu nhập khẩu cũng là mặt hàng cần được quan tâm hơn khi nguyên liệu gỗ trong nước ngày càng khan hiếm” -  bà Thức bày tỏ kỳ vọng.

* Tích cực tham gia các chương trình kết nối

Ngoài “tự lực cánh sinh” trong giai đoạn khó khăn, để chuẩn bị cho các kế hoạch phát triển về lâu dài, các DN cũng rất tích cực tham gia những chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, giao thương do cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức.

Công ty TNHH Thương mại sản xuất cơ khí Phước Hưng (TP.Biên Hòa) đang trong quá trình phát triển mạnh và mở rộng quy mô sản xuất thì nửa cuối năm gặp biến động chung như hầu hết các DN khác. Bà Nguyễn La Anh Đào, Giám đốc công ty cho hay, đơn vị vừa bố trí lại khu nhà xưởng sản xuất, cho ra sản phẩm mới nên rất mong muốn tìm thêm đối tác, chuẩn bị cho kế hoạch phát triển lâu dài. Tham gia vào chương trình kết nối giao thương với các DN Nhật Bản do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, công ty cũng đã bước đầu tiếp xúc được với các đối tác trong và ngoài nước. Theo bà Đào, việc tham gia các chương trình là cơ hội để DN kết nối trực tiếp, rút ngắn thời gian tìm kiếm khách hàng, đồng thời kiến nghị thêm chính sách đối với Nhà nước.

Tương tự, tại Triển lãm quốc tế lần thứ 3 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam (VIMEXPO 2022) tổ chức tại TP.HCM, Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam đã mang sản phẩm của mình trưng bày, giới thiệu với khách hàng. Ông Trần Quý, Giám đốc công ty chia sẻ, thông qua hội chợ, triển lãm, Nhật Nam có cơ hội quảng bá sản phẩm của mình và tiếp cận được các công nghệ mới, làm quen được với một vài đối tác. Nhật Nam sẽ không ngừng sáng tạo, đổi mới và phát triển nhằm cung cấp những dịch vụ và sản phẩm với chất lượng tốt nhất, đáp ứng nhu cầu và niềm tin của khách hàng.

Theo các DN, để ứng phó trước bối cảnh khó khăn hiện nay, DN đang chia kế hoạch theo từng chu kỳ ngắn để có biện pháp thích ứng linh hoạt. Theo đó, tập trung giải pháp quản trị chi phí, quản trị năng suất, linh hoạt trong quá trình hoạt động, tổ chức sản xuất khi có đơn hàng gấp, giao hàng đúng hạn, lúc không có đơn hàng thì bố trí cho người lao động nghỉ bù. DN cũng mong được tiếp tục xem xét giảm thuế, phí, giảm gánh nặng, hỗ trợ tìm kiếm nhà cung cấp để tránh đứt gãy nguồn cung. Bên cạnh đó, tạo thuận lợi cho DN bán hàng trong nước, nhất là trong mùa sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ cuối năm.

Văn Gia

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích