Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt ở nông thôn

03:09, 10/09/2022

Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 ít nhất 15% hộ dân nông thôn được thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt (NTSH) bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 50% đơn vị cấp huyện triển khai mô hình thu gom và xử lý NTSH theo cụm hoặc khu vực.

Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 ít nhất 15% hộ dân nông thôn được thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt (NTSH) bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 50% đơn vị cấp huyện triển khai mô hình thu gom và xử lý NTSH theo cụm hoặc khu vực.

Nước thải sinh hoạt trên đường vào 2 khu công nghiệp Long Đức và An Phước (H.Long Thành)
Nước thải sinh hoạt trên đường vào 2 khu công nghiệp Long Đức và An Phước (H.Long Thành). Ảnh minh họa: B.MAI

Mục tiêu là vậy nhưng đây thực sự là nhiệm vụ nan giải.

Hơn 260 ngàn m3 nước thải/ngày

Theo Sở TN-MT, trung bình mỗi ngày Đồng Nai phát sinh hơn 260 ngàn m3 NTSH, gấp hơn 2 lần tổng lượng nước thải của 31 khu công nghiệp. Điều đáng nói, trong khi mỗi khu công nghiệp đều có hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì cả tỉnh chỉ có một dự án xử lý NTSH công suất 3 ngàn m3/ngày tại TP.Biên Hòa. Đồng nghĩa với khoảng 99% NTSH chưa được thu gom, xử lý.

Quyết định phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Chính phủ ký ban hành ngày 2-8-2022 đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 15% số hộ nông thôn có NTSH được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 80% nước thải chăn nuôi và 50% nước thải sản xuất ở các làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý theo quy định…

Tại hội nghị sơ kết nhiệm vụ 6 tháng năm 2022, Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho rằng, thu gom và xử lý NTSH đang là vấn đề bức thiết bởi khối lượng phát sinh lớn và ngày càng gia tăng. Cả tỉnh hiện chỉ có 1 dự án xử lý NTSH nhưng công suất rất nhỏ và chưa có đường ống thu gom nước từ hộ gia đình mà bơm nước suối lên xử lý xong thải ngược trở lại.

Cũng theo ông Toàn, kết quả quan trắc chất lượng nước sông Đồng Nai thời gian qua cho thấy, đa phần các thông số trong giới hạn cho phép, đủ điều kiện khai thác nước cấp sinh hoạt, nhưng vẫn có ô nhiễm hữu cơ. Các địa phương cần quan tâm, kiến nghị triển khai dự án xử lý NTSH bằng vốn đầu tư công. Đây là giải pháp quan trọng để bảo vệ nguồn nước, cải thiện chất lượng cuộc sống và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

NTSH ở nông thôn gồm nhiều nguồn (sinh hoạt của hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ; cơ sở chăn nuôi; các làng nghề...) thành phần phức tạp và phân tán nên rất khó đầu tư đường ống, nhà máy xử lý. Hiện chỉ có các cơ sở chăn nuôi, sản xuất phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường có phương án thu gom, xử lý nước thải. Phần lớn nước thải phát sinh từ hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ mới xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại, hố ga, sau đó để ngấm xuống đất hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Về lâu dài, nguồn thải này gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sinh, hoạt động sản xuất nông nghiệp và tác động trở lại sức khỏe con người.

Tiệm sửa xe Anh Thái trên đường vào 2 khu công nghiệp Long Đức và An Phước (H.Long Thành) mỗi ngày xả nước rửa xe ra đường. Chủ cơ sở cho biết, lưu lượng ít, không có cống thoát nước dọc đường và cũng không có ai nhắc nhở phải xử lý nước thải nên đành để nước chảy ra đường. Rất nhiều tiệm rửa xe khác cũng không có các bể tách dầu nhớt, bể lắng cặn theo quy định.

Chưa có hạ tầng thu gom, xử lý nước thải

Điều 86 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, NTSH phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, trang trại chăn nuôi tại khu dân cư không tập trung phải được thu gom, xử lý tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm hoặc ủy quyền cấp huyện bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư hệ thống xử lý NTSH tại các đô thị, khu dân cư tập trung; có chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý tại chỗ NTSH phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình, tại khu dân cư không tập trung.

Đoạn suối thuộc xã Đồi 61 (H.Trảng Bom) nhiều rác và nước đen
Đoạn suối thuộc xã Đồi 61 (H.Trảng Bom) nhiều rác và nước đen

Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn. Đường sá ngày càng đẹp, rác thải được thu gom và xử lý theo quy trình nhưng phần lớn NTSH vẫn tự thấm qua các hố ga, bể chứa ngầm hoặc thải trực tiếp ra môi trường do hạ tầng thu gom, xử lý chưa được đầu tư.

Huyện Trảng Bom cũng chưa có hệ thống thu gom, xử lý NTSH. Mới đây, huyện được UBND tỉnh phê duyệt dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải H.Trảng Bom giai đoạn ưu tiên với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 221 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng hệ thống thu gom NTSH dọc các tuyến đường tại khu vực trung tâm TT.Trảng Bom và xây dựng trạm xử lý nước thải công suất 2 ngàn m3/ngày nhằm giúp huyện từng bước hoàn thành tiêu chí đô loại IV.

Thu gom, xử lý NTSH là việc làm cấp thiết để bảo vệ môi trường và tái sử dụng tài nguyên nước. Tuy nhiên, vì thành phần phức tạp, nguồn thải nhiều nhưng phân tán nên việc đầu tư hệ thống đường ống, nhà máy xử lý rất khó. Do vậy, giải pháp đặt ra thu gom và xử lý NTSH theo cụm nhỏ hoặc tuyên truyền, hỗ trợ các hộ gia đình tự xử lý nước thải theo quy trình.

Ban Mai

Tin xem nhiều