Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì sao đồng sử dụng đất xã Phú Túc tăng đột biến?

06:08, 15/08/2022

Từ năm 2020 đến nay, người dân đề nghị đồng sở hữu quyền sử dụng đất tại xã Phú Túc (H.Định Quán) tăng đột biến.

Từ năm 2020 đến nay, người dân đề nghị đồng sở hữu quyền sử dụng đất (gọi là đồng sử dụng - ĐSD) tại xã Phú Túc (H.Định Quán) tăng đột biến. Có những thửa đất nông nghiệp chỉ rộng hơn 1 ngàn m2 nhưng lại có từ 6-12 người ĐSD. Đây liệu có phải là trá hình của phân lô, bán nền đất nông nghiệp?

Đoàn giám sát HĐND tỉnh đến thực tế thửa đất nông nghiệp được tách nhỏ và nhiều người đồng sử dụng bị phát hiện xây dựng trái phép đã xử lý tại xã Phú Túc (H.Định Quán). Ảnh: B.Nguyên
Đoàn giám sát HĐND tỉnh đến thực tế thửa đất nông nghiệp được tách nhỏ và nhiều người đồng sử dụng bị phát hiện xây dựng trái phép đã xử lý tại xã Phú Túc (H.Định Quán). Ảnh: B.Nguyên

Theo UBND H.Định Quán, trong 2 năm 2020, 2021, riêng xã Phú Túc có gần 80 thửa đất của các hộ gia đình, cá nhân đề xuất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp ĐSD cho 2-12 người/thửa đất. Trong đó, có rất nhiều trường hợp thửa đất nông nghiệp có diện tích nhỏ nhưng lại có hơn 10 người cùng đứng tên.

* Ồ ạt đề nghị ĐSD

Nguyên nhân dẫn đến việc người dân ồ ạt đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hình thức ĐSD ở xã Phú Túc là do gần 3 năm trở lại đây, giá đất tại khu vực này liên tục tăng cao. Đồng thời, thông tin về việc quy hoạch triển khai nhiều dự án đường giao thông quan trọng đi qua khu vực xã Phú Túc, kết nối với các cụm công nghiệp, khu dân cư và nhiều tuyến đường quan trọng khác cũng gây tác động mạnh.

Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Ngô Tấn Tài cho biết: “Theo quy hoạch đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ có đường xuống ở khu vực xã Phú Túc, có tuyến đường kết nối với Cụm công nghiệp Phú Cường, Cụm công nghiệp Phú Túc qua xã Xuân Thiện (H.Thống Nhất), đường 770B kết nối sân bay Long Thành… dẫn đến giá đất ở Phú Túc tăng cao đột biến so với những xã lân cận. Do đó, tình trạng tách thửa đất và ĐSD ở Phú Túc cũng tăng cao hơn những xã khác”.

Cũng theo ông Ngô Tấn Tài, người dân bắt đầu đề xuất được tách thửa và ĐSD nhiều ở khu vực xã Phú Túc kể từ đầu năm 2020. Dù biết việc đồng sử dụng đất sẽ gây ra những hệ lụy cho công tác quản lý đất đai sau này, nhưng vì luật pháp vẫn cho phép nên huyện không thể hạn chế. Đơn cử, thửa đất 225, tờ bản đồ số 40 xã Phú Túc có diện tích gần 1,2 ngàn m2 nhưng có 9 người ĐSD; thửa đất 220, tờ bản đồ số 40 có diện tích gần 1,5 ngàn m2 có 12 người ĐSD; thửa đất 221, tờ bản đồ số 40 có diện tích 1,2 ngàn m2 nhưng 10 người ĐSD…

Phó giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Nguyễn Đình Nghĩa cho hay: “Không riêng gì xã Phú Túc mà nhiều địa phương khác tình trạng tách thửa, ĐSD đất đai cũng diễn ra khá nhiều. Trong đó, có những trường hợp trên 10 người ĐSD 1 ngàn m2 đất nông nghiệp nhưng không ghi rõ mỗi người bao nhiêu m2. Khi kiểm tra thì hiện trạng đất không thay đổi nên những hồ sơ trên vẫn phải giải quyết cho người dân. Còn sau đó, địa phương phải quản lý chặt để tránh biến tướng thành phân lô, bán nền và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp”.

Thực tế, do giá đất biến động và tăng cao trong thời gian dài nên nhiều người đã rủ nhau mua đất nông nghiệp rồi tách thửa để bán kiếm lời. Nhiều người mua đất nông nghiệp rồi tách thành những thửa nhỏ, bán cho nhiều người khác nhau. Phía người mua, mục đích không phải để sản xuất mà là đầu tư, lướt sóng, song lại không có đủ số tiền lớn để mua trọn thửa nên đã chấp nhận hình thức mua chung và ĐSD.

* Hệ lụy lớn cho địa phương

Qua tìm hiểu, tại địa bàn xã Phú Túc có nhiều trường hợp từ 7-12 người ĐSD 1 thửa đất nông nghiệp từ 1-1,5 ngàn m2. Dù biết rằng đây là một hình thức trá hình của phân lô, bán nền đất nông nghiệp nhưng do luật không cấm nên địa phương vẫn phải giải quyết. Do không thể ngăn chặn, vẫn phải để nhiều người dân đứng tên đồng sở hữu 1 thửa đất, đã dẫn đến hàng loạt hệ lụy cho chính quyền địa phương trong quản lý đất đai và phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, là H.Định Quán dự tính quy hoạch phát triển thành vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa để chế biến và xuất khẩu thì việc tách nhỏ thửa đất và ĐSD nhiều người trên 1 thửa đất sẽ phá vỡ mục tiêu trên. Sau này khi huyện quy hoạch triển khai các dự án để phát triển kinh tế - xã hội sẽ gặp trở ngại rất lớn trong bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Vì có những trường hợp hơn 10 ĐSD/thửa đất nông nghiệp nhưng mỗi người ở 1 tỉnh, thành khác nhau, việc tìm đủ những người trên về để ký vào hồ sơ đất đai không dễ. Ngoài ra, việc bồi thường, hỗ trợ sẽ phân chia như thế nào nếu không được sự đồng ý của tất cả mọi người ĐSD trong thửa đất sẽ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.

Vừa qua, trong đợt giám sát về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tách thửa, ĐSD tại H.Định Quán, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Tạ Quang Trường nhấn mạnh: “H.Định Quán cần gửi danh sách các thửa đất ĐSD nhiều người cho UBND các xã, thị trấn để quản lý thật chặt sẽ tránh được biến tướng sang phân lô, bán nền đất nông nghiệp và xây dựng trái phép. Người dân mua đất nông nghiệp ĐSD với diện tích nhỏ chỉ từ vài chục đến hơn 100m2/người thì thực tế không thể xây dựng nhà ở, sản xuất kinh doanh”.

Cũng theo ông Tạ Quang Trường, các địa phương có nhiều trường hợp ĐSD đất nên xem xét, đề xuất có 1 người chịu trách nhiệm chính cho thửa đất, như vậy sẽ hạn chế bớt những hệ lụy có thể xảy ra trong tương lai.

Tại xã Phú Túc, đa số các trường hợp sau khi đề nghị tách nhỏ thửa đất nông nghiệp thành 1-2 ngàn m2 sẽ tiến hành đề xuất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhiều người ĐSD. Trong đó, có những thửa đất nông nghiệp được tách thành 5-8 thửa nhỏ với diện tích chỉ 100-200m2, khó có thể tổ chức sản xuất nông nghiệp hay kinh doanh buôn bán.

Khánh Minh

Tin xem nhiều