Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai thác các tuyến du lịch phía Tây Bắc của tỉnh

07:08, 05/08/2022

Theo quy hoạch phát triển du lịch của Đồng Nai, tuyến du lịch liên kết giữa các địa phương nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh sẽ là điểm nhấn, sản phẩm du lịch đặc trưng về sinh thái của tỉnh.

Theo quy hoạch phát triển du lịch của Đồng Nai, tuyến du lịch liên kết giữa các địa phương nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh (gồm các huyện: Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú) sẽ là điểm nhấn, sản phẩm du lịch đặc trưng về sinh thái cho Đồng Nai, nhằm thu hút thị trường khách du lịch trong tỉnh và khu vực cũng như cả nước.

Khu du lịch Đảo Ó - Đồng Trường, một trong những điểm du lịch nổi tiếng trên hồ Trị An thuộc H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Thủy Mộc
Khu du lịch Đảo Ó - Đồng Trường, một trong những điểm du lịch nổi tiếng trên hồ Trị An thuộc H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Thủy Mộc

Đây cũng là những địa phương được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn tại Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng.

* Khắc phục những hạn chế

Là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, H.Vĩnh Cửu đã sớm xây dựng đề án để khai thác những thế mạnh của mình. Tuy nhiên, thời gian qua, dù có sự phát triển, thay đổi mạnh mẽ về du lịch nhưng Vĩnh Cửu vẫn chưa đạt được sự phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện.

Theo mục tiêu phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Đồng Nai phải hình thành một số khu, điểm du lịch, dịch vụ tổng hợp ở các địa phương, nhất là các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch; trong đó có một số KDL lớn, tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch của tỉnh; phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Đồng Nai trở thành địa phương trọng điểm du lịch của vùng Đông Nam bộ. Trước mắt, đến năm 2025, Đồng Nai đón được 4,2 triệu lượt khách, doanh thu dịch vụ du lịch đạt 3,4 ngàn tỷ đồng (tăng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 57,7%/năm).

Tại Nghị quyết về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của Ban chấp hành Đảng bộ H.Vĩnh Cửu vừa ban hành tháng 7-2022 đã nhận định khá cụ thể những hạn chế như: các sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và khả năng cạnh tranh chưa cao, số lượng khách du lịch tăng còn chậm, hệ thống cơ sở phục vụ du lịch (cơ sở lưu trú, mua sắm, ăn uống) chưa đáp ứng nhu cầu, các dịch vụ bổ trợ cho phát triển du lịch còn hạn chế, các điểm du lịch thiếu sự gắn kết, chưa tạo được mối liên kết với các tỉnh, vùng, khu vực; hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối khu vực chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thấp, đội ngũ cán bộ quản lý, hướng dẫn viên còn thiếu, tính chuyên nghiệp chưa cao; vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy.

Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương cho biết, những hạn chế nêu trên là do xuất phát điểm về du lịch của huyện còn thấp, điều kiện tiếp cận thị trường hạn chế; đầu tư trực tiếp và gián tiếp cho du lịch còn chưa đáp ứng được nhu cầu; chưa có chính sách ưu đãi cho du lịch nên việc thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực gặp nhiều khó khăn; chưa có các chính sách, giải pháp đột phá để phát triển các khu, điểm du lịch và các sản phẩm du lịch đặc thù của huyện; kinh tế du lịch là vấn đề mới đối với cơ quan quản lý và cộng đồng dân cư.

Cũng là những địa phương sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch, các huyện: Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất đang vướng những khó khăn, hạn chế nhất định. Dù đã có các quy hoạch, dự án nhưng tiến độ thực hiện, triển khai vẫn chưa thông do còn nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục, năng lực nguồn nhân sự làm du lịch còn hạn chế.

Cụ thể như H.Định Quán nhiều năm nay nổi tiếng với các điểm du lịch sinh thái: Khu du lịch (KDL) Thác Mai - Bàu nước sôi, thác Ba Giọt, Khu quần thể Đá Ba Chồng…, những địa danh này đã được quy hoạch và có nhà đầu tư tham gia nhưng tiến độ triển khai vẫn khá chậm do vướng các thủ tục liên quan đến đất đai.

Hay như H.Tân Phú với lợi thế du lịch sinh thái rừng, hồ, có địa danh nổi tiếng Vườn quốc gia Cát Tiên nhưng ngành du lịch vẫn chưa bật dậy, bởi nguồn nhân lực cho lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, nông dân làm du lịch còn thiếu các kỹ năng, kiến thức trong giao tiếp, ứng xử và sự kết nối…

* Rộng cửa đón nhà đầu tư

Với mục tiêu tiếp tục xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo để thu hút khách du lịch (du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái; sinh thái rừng, sinh thái hồ, sinh thái nông nghiệp), Nghị quyết về phát triển du lịch của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng xác định tập trung huy động các nguồn lực xây dựng, hình thành trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh tại một số địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch nổi bật, trong đó có các huyện: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán…

Khách du lịch tham gia trò chơi dưới nước tại Khu du lịch Suối Mơ, một điểm du lịch nổi tiếng tại H.Tân Phú. Ảnh: Thủy Mộc
Khách du lịch tham gia trò chơi dưới nước tại Khu du lịch Suối Mơ, một điểm du lịch nổi tiếng tại H.Tân Phú. Ảnh: Thủy Mộc

Theo UBND H.Định Quán, thời gian qua, Định Quán luôn tích cực kêu gọi nhà đầu tư du lịch về với địa phương. Hiện nay, Định Quán có 3 địa danh du lịch được nhiều người biết đến là: KDL Thác Trời, KDL sinh thái Thác Mai - Bàu nước sôi, KDL thác Ba Giọt, Khu danh thắng Đá Ba Chồng, các KDL này đều được đưa vào danh mục các dự án mới kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các dự án trên đều đã có doanh nghiệp đăng ký đầu tư và nhận được sự hỗ trợ lớn từ tỉnh đến các sở, ngành và địa phương.

Bên cạnh đó, H.Định Quán luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan du lịch, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ tại các điểm du lịch thác, danh thắng… nhằm quảng bá đến du khách về thiên nhiên, con người, phong tục tập quán của một số dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Để tiếp tục khai thác các tiềm năng du lịch, H.Vĩnh Cửu đã đề ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện vào năm 2030, đóng góp tích cực vào sự phát triển của du lịch chung của tỉnh, đồng thời tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, là sản phẩm đặc trưng của huyện trên cơ sở phát huy các tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa, phát triển các ngành kinh tế hỗ trợ cho phát triển du lịch trên địa bàn.

Khai thác các sản phẩm du lịch thác, hồ

Để các sản phẩm du lịch phong phú hơn, các huyện Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất, Vĩnh Cửu… có những dự án du lịch thác, hồ đang tìm kiếm nhà đầu tư. Điển hình như dự án du lịch thác Suối Reo (H.Thống Nhất) được quy hoạch thành KDL với các dịch vụ nghỉ dưỡng, cắm trại, vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng... Quy mô của dự án khoảng 100ha, tổng vốn dự kiến khoảng 1 ngàn tỷ đồng; KDL thác Ràng (H.Vĩnh Cửu) được quy hoạch xây dựng điểm du lịch sinh thái rừng, khám phá và dã ngoại thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, quy mô dự án khoảng 10ha với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 500 tỷ đồng. Ngoài ra, còn một số dự án như thác Hòa Bình (H.Tân Phú)…

Thủy Mộc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích