Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng doanh thu cho sản phẩm OCOP

08:05, 17/05/2022

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, HTX (chủ thể) trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Đồng Nai đang trong giai đoạn hồi phục sản xuất sau khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Các địa phương cũng đang tiếp tục thực hiện mục tiêu mở rộng thêm nhiều sản phẩm OCOP độc đáo, lợi thế của địa phương cho giai đoạn 2021-2025.

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN), HTX (chủ thể) trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Đồng Nai đang trong giai đoạn hồi phục sản xuất sau khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Các địa phương cũng đang tiếp tục thực hiện mục tiêu mở rộng thêm nhiều sản phẩm OCOP độc đáo, lợi thế của địa phương cho giai đoạn 2021-2025.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi tham quan các gian hàng OCOP của tỉnh tại hội nghị cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh năm 2021. Ảnh: B.Nguyên
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi tham quan các gian hàng OCOP của tỉnh tại hội nghị cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh năm 2021. Ảnh: B.Nguyên

Theo mục tiêu phấn đấu giai đoạn mới, các chủ thể OCOP cần xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

* Mở rộng kênh tiêu thụ

Năm 2021, thị trường tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng khó khăn theo. Đồng Nai rất quan tâm hỗ trợ các chủ thể OCOP về phát triển các kênh tiêu thụ. Cụ thể, tỉnh đã thực hiện khảo sát, khánh thành và đưa vào hoạt động 3 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại trụ sở Hội Nông dân tỉnh, Khu du lịch Bửu Long (TP.Biên Hòa) và Khu du lịch Thác Đá Hàn (H.Trảng Bom). Các khu vực trên đang trưng bày và bán 61 sản phẩm OCOP của Đồng Nai. Hiện tỉnh đang triển khai xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Co.opmart Biên Hòa. Hoạt động tuyên truyền về chương trình, sản phẩm OCOP được quan tâm với đa dạng hình thức và các kênh tuyên truyền cũng nhằm mục tiêu đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá cho sản phẩm OCOP.

Theo Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc, Sở đã tập trung hỗ trợ các chủ thể OCOP trong tất cả các hoạt động xúc tiến thương mại. Kết quả, đã có nhiều chủ thể OCOP ký kết hợp đồng với các siêu thị, trung tâm thương mại; thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm, hầu hết các DN đều có doanh thu tăng trưởng tốt. Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh chương trình hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia kênh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.

Nhằm chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, Đồng Nai đã phát động cuộc thi Thiết kế nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm chương trình OCOP. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các DN, các HTX xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn VietGAP, Global Gap, HACCP. Triển khai, hỗ trợ áp dụng thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm giúp cho các DN, tổ chức, cá nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất.

Cụ thể, Sở Công thương đang hỗ trợ và hướng dẫn các chủ thể sản phẩm OCOP đăng ký tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai như: Sàn thương mại điện tử Voso.vn, hiện đã có 36 sản phẩm OCOP của 6 chủ thể tham gia; Sàn thương mại điện tử smartgap.vn có 18 sản phẩm OCOP của 2 chủ thể…

Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, H.Định Quán) là đơn vị có sản phẩm tiềm năng 5 sao đầu tiên của tỉnh đang chờ Trung ương đánh giá, công nhận. Ngoài xuất khẩu hạt ca cao thô, DN này có hàng chục sản phẩm chế biến sâu như: chocolate, rượu ca cao, bột ca cao... tiêu thụ tốt ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Nhiều năm trước, sản phẩm của DN đã vào được các hệ thống siêu thị lớn, được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức Đặng Trường Khanh chia sẻ: “Nhờ xây dựng được chuỗi liên kết từ vùng nguyên liệu sạch đến đầu tư chế biến sâu nên DN xuất khẩu tốt vào những thị trường khó tính. Sau giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, DN đang thu hút nhân lực giỏi, tập trung phát triển mở rộng thị trường. Mục tiêu của DN là nhắm vào thị trường cao cấp, cạnh tranh được bằng chất lượng và hương vị chứ không phải nhờ giá rẻ. Đây cũng là cái nền để DN xây dựng thương hiệu riêng cho ca cao đất Đồng Nai nói riêng, ca cao Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế”.

* Xây dựng chuỗi giá trị

Xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định đang là mục tiêu các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh hướng tới.

Nhiều chủ thể OCOP trên địa bàn Đồng Nai quan tâm đầu tư chế biến sâu cho các mặt hàng nông sản
Nhiều chủ thể OCOP trên địa bàn Đồng Nai quan tâm đầu tư chế biến sâu cho các mặt hàng nông sản

Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (xã Long Tân, H.Nhơn Trạch) cho biết, bà đã tận thu mọi bộ phận trên cây sen để tạo ra được 18 sản phẩm chế biến từ sen. Trong đó, có nhiều sản phẩm chế biến sâu như: trà túi lọc, bột sen dinh dưỡng… Không chỉ liên kết với nông dân tại địa phương hình thành được vùng nguyên liệu sạch cho chế biến, HTX Trường Phát đã đầu tư được dây chuyền chế biến với nhiều máy móc hiện đại, xây dựng được khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm ngay tại nhà máy để tiếp thị sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.

Công ty TNHH MTV Trương Thanh Khoan (xã Phú Sơn, H.Định Quán) cũng đã xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn từ việc đầu tư được vùng nguyên liệu trồng cây dó bầu, sản xuất ra chế phẩm kích thích cây dó tạo trầm. Ông Khoan không bán cây gỗ mà tự thu hoạch, chế biến. Nhiều dòng sản phẩm từ trầm hương được ông lần lượt đưa ra thị trường. Hiện DN đang cung cấp nhiều dòng sản phẩm về trầm hương ra thị trường nội địa và xuất khẩu như: tinh dầu, trầm cảnh, gỗ trầm, trầm mảnh… DN cho làm đầy đủ các kiểm nghiệm về chất lượng để chứng minh độ an toàn, hàm lượng tinh dầu của sản phẩm này để thuyết phục khách hàng gắn bó.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều