Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Nhiều rào cản, thách thức

08:05, 12/05/2022

Mục tiêu xây dựng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản của Đồng Nai nhằm hình thành những vùng chuyên canh quy mô lớn hướng đến sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao để cạnh tranh tốt khi bước vào sân chơi quốc tế.

[links()]Mục tiêu xây dựng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản của Đồng Nai nhằm hình thành những vùng chuyên canh quy mô lớn hướng đến sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao để cạnh tranh tốt khi bước vào sân chơi quốc tế.

Xã Xuân Phú của huyện thuần nông Xuân Lộc cũng lên cơn sốt đất nông nghiệp. Ảnh: Hương Giang
Xã Xuân Phú của huyện thuần nông Xuân Lộc cũng lên cơn sốt đất nông nghiệp. Ảnh: Hương Giang

Tuy nhiên, mục tiêu trên không dễ thực hiện vì sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn do lạm phát, thị trường tiêu thụ bấp bênh vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, cơn sốt bất động sản đang tràn về các vùng nông thôn với phong trào phân lô, bán sào khiến những vùng chuyên canh nông nghiệp đang bị “chẻ nhỏ”.

* Làm nông làm gì khi bán đất lời tiền tỷ?

Khó mở rộng quy mô cũng như nhân rộng mô hình cánh đồng lớn (CĐL) cũng như xây dựng chuỗi liên kết bền vững, quy mô lớn để phục vụ cho thị trường xuất khẩu đang là bài toán khó trong phát triển sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai. Đa số quy mô các dự án CĐL của Đồng Nai chỉ dừng lại ở mức vài chục ha. Ngay cả những dự án giàu tiềm năng với điểm xuất phát có sẵn những vùng chuyên canh cả ngàn ha cũng khó đạt quy mô như kế hoạch.

Lý giải nguyên nhân và chia sẻ giải pháp để nông sản không còn “đến hẹn lại tắc”, Bộ trưởng NN-PTNT LÊ MINH HOAN chia sẻ: “Tôi phát hiện, mọi “cái bẫy” đối với chúng ta nằm ở 3 chỗ: nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó; DN tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó; còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Chúng ta nghĩ ngắn quá, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi. Rồi khi gặp vấn đề, chúng ta lại trách thị trường khó tính, gây ùn ứ. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, chính chúng ta phải xem lại mình trước”.

Nguyên nhân khiến các dự án CĐL, chuỗi liên kết khó lớn mạnh còn do “cơn sốt đất” bùng phát, lan rộng ở khắp các vùng quê. Đặc biệt, Đồng Nai luôn là điểm nóng về giá đất do “ăn theo” các công trình hạ tầng lớn của quốc gia như: cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường cao tốc… Giá đất nông nghiệp tại nhiều địa phương được bán như đất thương mại, dịch vụ, thậm chí có nơi phân lô bán theo giá đất nền. Có những nơi như: H.Cẩm Mỹ, H.Xuân Lộc, H.Trảng Bom… hiện tại giá đất nông nghiệp bị đẩy lên mức 20-30, thậm chí 50 tỷ đồng/ha. “Cơn sốt” đất nông nghiệp vẫn chưa có điểm dừng khiến cho nông dân, doanh nghiệp (DN) muốn tích tụ đất đai mở rộng sản xuất gặp không ít khó khăn.

Theo ông Lê Ngọc Tiên, Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom, vài năm gần đây, biến động về giá đất đai rất lớn. Người dân tách nhỏ đất nông nghiệp ra để sang nhượng khiến diện tích sản xuất bị thu hẹp. Người mua thường là nhà đầu tư từ các khu đô thị để đầu cơ nên hầu như không còn tổ chức sản xuất nông nghiệp như trước.

Đây cũng là nguyên nhân khiến DN không mặn mà tham gia đầu tư dự án CĐL, chuỗi liên kết vì không xây dựng được vùng nguyên liệu lớn thì DN khó đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến tại vùng sản xuất. Một số DN chế biến nông sản tại Đồng Nai lặn lội sang những tỉnh, thành khác chưa xảy ra tình trạng “sốt giá” đất nông nghiệp để đầu tư vùng nguyên liệu.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi, Đồng Nai rất quan tâm quy hoạch sản xuất nông nghiệp, nhất là xây dựng các vùng chuyên canh, CĐL để hình thành các chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ, chế biến. Tuy nhiên, các chuỗi liên kết hiện nay chưa nhiều, chưa bền vững. Trong đó có nguyên nhân là đất nông nghiệp nhưng không để sản xuất nông nghiệp mà để đầu cơ, mua bán kiếm lợi. Toàn địa bàn Đồng Nai, tình trạng mua đất nông nghiệp đầu cơ là nguyên nhân góp phần xé nát quy hoạch nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến quá trình xây dựng CĐL, chuỗi liên kết.

* Những giới hạn về tư duy

Trong giai đoạn hội nhập, yêu cầu của thị trường xuất khẩu nông sản ngày càng cao, thay vì trước đây chỉ kiểm tra chất lượng ở khâu cuối cùng là cảng nhập khẩu, nhiều nước đang chuyển sang kiểm soát ngay ở nước xuất khẩu với trọng tâm là tăng cường việc truy xuất nguồn gốc với yêu cầu giám sát trên toàn chuỗi. Vấn đề liên kết theo quy trình khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ vẫn là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản Việt trên sân chơi quốc tế.

Câu hỏi khó khiến cả nông dân, DN lẫn chính quyền trăn trở là làm sao DN có thể tích tụ đất đai để làm vùng nguyên liệu, làm cánh đồng lớn, làm sao nông dân còn thiết tha trồng trọt khi chỉ cần tách thửa, phân sào là có trong tay hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng? Phải trồng bao nhiêu cây, làm bao nhiêu mùa vụ mới có thể nắm trong tay số tiền trên?

Nhưng những dự án CĐL, chuỗi liên kết mãi vẫn không lớn mạnh, bền vững vì nền sản xuất nông nghiệp của ta vẫn quẩn quanh trong lối tư duy hạn hẹp, ăn xổi ở thì. Chỉ ra điểm yếu này, ông Võ Văn Vịnh, thương lái tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) nhận xét, nông dân vẫn quen với cách nghĩ có gì bán nấy mà chưa nhìn từ góc độ thị trường để điều chỉnh. Sản xuất thì vẫn mạnh ai nấy làm, chưa tuân thủ nghiêm theo quy trình kỹ thuật chặt chẽ mà DN đặt ra nên chưa tạo ra được sản lượng nông sản lớn đồng nhất về chất lượng, mẫu mã, tỷ lệ hao hụt lớn do chưa đảm bảo ở cả quy trình trồng, thu hoạch và bảo quản...

Với góc nhìn rộng hơn, ông Paul Le, Phó chủ tịch Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) chỉ ra những điểm yếu cần khắc phục: “Trong sản xuất, nông dân cần tính chuyện lâu dài và phải nhớ nằm lòng là sản phẩm phải an toàn, đừng nghĩ trồng cho thật nhiều, thật rẻ. Như thế sẽ nguy hiểm. Về xây dựng vùng nguyên liệu, nếu chỉ dừng ở quy mô khoảng 40ha thì xuất khẩu khó, còn nếu trồng được 400ha hay 4 ngàn ha thì lại là câu chuyện khác. Nông dân đã bắt đầu có tư duy sản xuất lớn, cho thấy nông nghiệp Việt Nam đang thay đổi so với cách làm manh mún, nhỏ lẻ, mỗi người làm một kiểu như trước đây”.

Ngoài ra, để phát triển nền sản xuất hàng hóa lớn, ngành Nông nghiệp phải xây dựng được đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Ông Bùi Đình Anh là chủ trang trại tiên phong trồng thanh long ruột đỏ với quy mô lớn hàng chục ha tại xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc). Ông là bộ đội xuất ngũ, từng thành lập DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp rồi mới chọn nghề nông. Với tư duy một doanh nhân, bắt tay vào làm nông ông đã đem tác phong công nghiệp ra đồng. Điều ông tự hào nhất vẫn là đào tạo, rèn luyện được tác phong công nghiệp với sự chuyên nghiệp về tay nghề cho đội ngũ lao động nông nghiệp làm việc tại trang trại.

Ông Bùi Đình Anh chia sẻ, thời gian làm việc của mỗi người đều chỉ có 8 tiếng/ngày. Sự khác biệt của người có kỹ năng và không có kỹ năng là về hiệu quả, không phải làm được gấp đôi, gấp ba mà làm đúng hay sai. Làm đúng thì sẽ không phải làm lại, nhiều cái làm sai là hỏng hoàn toàn. Ông luôn yêu cầu người lao động phải hiểu, biết rồi mới làm.

“Tôi thường tổ chức các buổi họp để người lao động tự rút kinh nghiệm, tự tìm giải pháp giúp họ thuộc nằm lòng về kỹ thuật. Tôi xây nhà tại trang trại cho người lao động ở; khoán cho mỗi hộ nhân công chăm sóc một số lượng gốc thanh long cụ thể. Tôi không phải là người trả tiền cho người làm công mà tiền nằm ở cây thanh long, họ khai thác và phải tự hỏi mình muốn được bao nhiêu” - ông Anh cho hay.

Dự án CĐL liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm điều tại xã An Viễn (H.Trảng Bom) được triển khai vì địa phương này vốn là vùng chuyên canh cây điều với diện tích cả ngàn ha. DN tư nhân Tuấn Sang là thành viên tham gia dự án, cam kết bao tiêu sản phẩm hạt điều cho nông dân với mức giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường. Nhưng sau 1 năm, DN rút khỏi dự án vì chương trình không hiệu quả. Ông Phạm Văn Tuấn, chủ DN trên chia sẻ: “Trước đây, DN thu mua được cả ngàn tấn điều từ vùng nguyên liệu này nhưng năm nay chỉ còn được vài tấn vì nông dân đua nhau chặt điều, tách đất sản xuất thành lô, thành thửa để bán với giá cao”.

Bình Nguyên - Kim Ngân

Bài 3: Làm gì để “nuôi” sản xuất lớn lên?

Tin xem nhiều