Báo Đồng Nai điện tử
En

Mở rộng kênh tiêu thụ cho nông sản địa phương: Cần xây dựng dài hơi

08:05, 10/05/2022

Hiện nay, nhiều loại nông sản ở địa phương vẫn đang loay hoay trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm với các chợ đầu mối, các kênh bán lẻ hiện đại như: siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi…

Hiện nay, nhiều loại nông sản ở địa phương vẫn đang loay hoay trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm với các chợ đầu mối, các kênh bán lẻ hiện đại như: siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi…

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm bưởi đường lá cam của Đồng Nai tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm bưởi đường lá cam của Đồng Nai tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương

Do đó, để tính chuyện đường dài, việc mở rộng, phát triển các kênh tiêu thụ cho các loại nông sản địa phương đạt được hiệu quả rất cần sự đồng bộ từ cả phía người sản xuất, cung ứng hàng hóa lẫn các đơn vị bán lẻ dưới sự hỗ trợ, kết nối từ phía các sở, ngành liên quan.

* Chưa dễ đưa hàng vào siêu thị

Đồng Nai có những thuận lợi về dân số đông, thị trường lớn, đa dạng kênh phân phối, nhất là hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối phát triển. Do đó, nhiều HTX, nhà vườn trong tỉnh mong muốn tiếp cận thêm các kênh tiêu thụ ổn định vào các chuỗi bán lẻ như: siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi… trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (H.Xuân Lộc) Đặng Thị Thúy Nga cho hay, HTX mong muốn được kết nối dài hạn với các hệ thống siêu thị để có thể chủ động đảm bảo nguồn hàng cung ứng, xây dựng phương án sản xuất, phân phối phù hợp, từng bước phát triển thương hiệu cho nhiều loại trái cây đặc sản của địa phương…

Tuy nhiên, trên thực tế, việc đưa hàng hóa vào các chuỗi cung ứng hiện đại nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn dù cho nhiều siêu thị cũng khuyến khích, mong muốn tìm kiếm các nguồn hàng từ địa phương. Nguyên nhân là do việc kết nối tiêu thụ còn gặp vướng mắc, ràng buộc về các tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp đồng bao tiêu sản phẩm...

Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa chia sẻ, thời gian qua, siêu thị tổ chức nhiều đợt khảo sát, kết nối các mặt hàng nông sản, trái cây của địa phương vào kệ hàng của siêu thị nhưng phần lớn là để quảng bá, giới thiệu, còn về chuyện tiêu thụ lâu dài vẫn chưa dễ triển khai do vướng mắc trong việc cung ứng dài hơi, đều đặn, đảm bảo số lượng sản phẩm theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm… Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm trái cây đặc sản của Đồng Nai có chất lượng tốt nhưng trên thực tế lại thiếu các chứng nhận cần thiết về chất lượng để vào được siêu thị như: thông tin truy xuất nguồn gốc, kiểm duyệt hàm lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…

Ngoài ra, theo nhiều chuỗi bán lẻ, nhiều loại nông sản, trái cây ở địa phương hiện vẫn còn theo lối sản xuất cũ, chưa chuyên nghiệp, lượng hàng sản xuất thiếu ổn định, nhỏ lẻ, phụ thuộc vào mùa vụ khiến cho lượng hàng hóa, nông sản ở địa phương bán trong hệ thống siêu thị chưa được như kỳ vọng.

* Thúc đẩy hoạt động kết nối vào chợ đầu mối

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), vào cuối tháng 4 vừa qua, trung tâm đã phối hợp với đơn vị quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm (NSTP) Dầu Giây (H.Thống Nhất) tổ chức chương trình kết nối giao thương giữa tổ hợp tác, HTX, tiểu thương chợ truyền thống ở các huyện, thành phố với chợ đầu mối NSTP Dầu Giây. Chương trình nhằm hỗ trợ tiểu thương các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh tìm kiếm nguồn hàng nông sản với giá cả hợp lý thông qua chợ đầu mối NSTP Dầu Giây.

Đại diện các siêu thị ở TP.Biên Hòa cho hay, để kết nối tiêu thụ nông sản, trái cây, mở mã hàng hóa cung ứng tại siêu thị thì cần có sự kết nối, xem xét các điều kiện về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, số lượng nguồn hàng… để ký kết hợp đồng với hệ thống quản lý cấp cao của chuỗi siêu thị, chứ siêu thị không tự nhập hàng riêng lẻ vào được. Do đó, để nông sản địa phương vào được các chuỗi siêu thị cần có sự tìm hiểu, kết nối giữa đơn vị sản xuất với các hệ thống quản lý, tiêu thụ sản phẩm của chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi…

Ông Hồ Đức Tân, đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối NSTP Dầu Giây cho biết, chương trình vừa qua đã kết nối cho khoảng 50 tiểu thương tại các chợ ở TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh tìm kiếm nguồn hàng tại chợ đầu mối. Đây là dịp kết nối định kỳ để tiểu thương các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh được tham quan, trao đổi, kết nối giao thương với tiểu thương chợ đầu mối NSTP Dầu Giây.

Ngoài ra, thời gian qua, hoạt động kết nối giao thương giữa Đồng Nai và các tỉnh, thành trên cả nước, nhất là các tỉnh, thành phía Nam đã được đẩy mạnh nhiều hơn sau thời gian chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid-19, trong đó có hoạt động kết nối giao thương vào chợ đầu mối NSTP Dầu Giây. Đây là cơ hội tốt để tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ cho nông sản thế mạnh của Đồng Nai trong tình hình mới.

Ông Đặng Văn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang chia sẻ, đoàn công tác của Sở Công thương tỉnh Tiền Giang đã đến tham quan các mô hình tiêu biểu, nổi bật của Đồng Nai. Đây là dịp để 2 địa phương học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau, nhất là về mô hình hoạt động của chợ đầu mối, công tác quảng bá, phát triển và kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm thế mạnh, nhất là các loại trái cây, nông sản của Tiền Giang và Đồng Nai. Trong đó có hoạt động kết nối cung - cầu thông qua chợ đầu mối NSTP Dầu Giây, bởi chợ này được đầu tư bài bản, có vị trí chiến lược quan trọng, góp phần thuận lợi để kết nối hàng hóa, nông sản giữa khu vực Tây Nam bộ và Đông Nam bộ…

Ông Tân chia sẻ thêm, hiện nay số lượng hàng hóa của các loại nông sản ở Đồng Nai chiếm khoảng 50% trong các sạp hàng của chợ đầu mối NSTP Dầu Giây, có sức cung ứng, tiêu thụ khá ổn định. Trong thời gian tới, để hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ hiệu quả hơn thì cần có thêm các hoạt động kết nối, kế hoạch dài hơi trong việc hỗ trợ, liên kết tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh…

Lam Phương

Tin xem nhiều