Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiến tạo vùng động lực phát triển

08:04, 30/04/2022

Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành cùng với hệ thống đường cao tốc kết nối khi hoàn thành xây dựng sẽ tạo ra vùng động lực phát triển lớn cho Đồng Nai và cả nước.

Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành cùng với hệ thống đường cao tốc kết nối khi hoàn thành xây dựng sẽ tạo ra vùng động lực phát triển lớn cho Đồng Nai và cả nước.

Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1. Ảnh ACV cung cấp
Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1. Ảnh ACV cung cấp

* “Siêu” sân bay - hạt nhân của vùng động lực phát triển

Dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 được khởi công xây dựng vào đầu năm 2021. Theo dự kiến, năm 2025, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ chính thức hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác với công suất 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Khi hoàn thành xây dựng toàn bộ, sân bay Long Thành sẽ có công suất phục vụ 100 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Với vị thế là sân bay lớn nhất cả nước khi hoàn thành xây dựng, dự kiến từ sau năm 2030, sân bay Long Thành sẽ trở thành sân bay trung chuyển khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Mục tiêu này được đặt ra bởi sân bay Long Thành có lợi thế rất lớn về vị trí địa lý. Từ sân bay Long Thành, sẽ chỉ mất khoảng 3 giờ bay là có thể bay đến tất cả các nước Đông Nam Á, châu Á, kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Chính vì vậy, trong tương lai, sân bay Long Thành sẽ là “cửa ngõ” thu hút đầu tư, du lịch, nâng tầm Việt Nam trong khu vực và thế giới không chỉ kinh tế mà cả quốc phòng - an ninh.

Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho rằng, dự án Sân bay Long Thành là một trong những mục tiêu đầu tư rất quan trọng nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh của cả nước nói chung, khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ và các tỉnh, thành phía Nam nói riêng. Sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy du lịch vùng và là cửa ngõ đưa khách du lịch quốc tế tới Việt Nam và khách du lịch Việt Nam tới quốc tế. Luồng lưu thông khách du lịch sẽ đem tới nguồn thu đáng kể cho các hoạt động thương mại, dịch vụ đi kèm. Đồng thời, tạo điều kiện giao lưu văn hóa, nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam tới khu vực và quốc tế.

Theo một tổ chức quốc tế của Australia đánh giá, nếu dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành hoàn thành và đưa vào sử dụng, sân bay Long Thành có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3-5%.

Trong khi đó, theo Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, hiện sân bay Nội Bài có công suất khoảng 40 triệu lượt hành khách mỗi năm, sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ khoảng 30 triệu lượt hành khách mỗi năm. Với công suất thiết kế phục vụ 100 triệu lượt hành khách mỗi năm, sân bay Long Thành có quy mô rất lớn. Với vị thế đó, sân bay Long Thành không chỉ phục vụ cho riêng nhu cầu phát triển của tỉnh Đồng Nai mà sẽ thu hút nguồn lực phát triển từ TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, các tỉnh Tây nguyên, các tỉnh Nam Trung bộ. Trước mắt, khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 và các tuyến đường cao tốc kết nối hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác sẽ giúp cho Đồng Nai tiếp cận được vùng phát triển với quy mô dân số đạt từ 15-20 triệu dân. “Sân bay Long Thành sẽ tạo ra động lực, hình thành vùng động lực phát triển rất mạnh” - Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

* Đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối

Sân bay Long Thành được xác định là “hạt nhân” của vùng động lực phát triển mới. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của dự án đòi hỏi hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc phải được xây dựng hoàn thiện và đưa vào khai thác đồng bộ với sân bay Long Thành.

Theo quy hoạch, để kết nối giao thông cho sân bay Long Thành sẽ có 5 tuyến đường cao tốc được đầu tư xây dựng gồm: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành; Dầu Giây - Phan Thiết; Dầu Giây - Liên Khương và Biên Hòa - Vũng Tàu. Trong các tuyến cao tốc nói trên, đến nay mới chỉ có đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Tuy nhiên, với quy mô 4 làn xe như hiện nay, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khó có thể “đảm đương” đủ vai trò kết nối giao thông từ sân bay Long Thành đi TP.HCM.

Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Vũ Thế Phiệt cho biết, khi đưa vào khai thác, 80% lượng hành khách đến sân bay Long Thành sẽ lưu thông về TP.HCM. Do đó, dự án Mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cần được ưu tiên thực hiện sớm để khai thác tốt sân bay Long Thành.  

Bên cạnh đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hiện có 2 tuyến đường cao tốc khác cũng đang được triển khai xây dựng gồm Bến Lức - Long Thành và Phan Thiết - Dầu Giây. Theo dự kiến, các tuyến đường này sẽ được đưa vào khai thác vào cuối năm 2022 và 2024. Cùng với đó, 2 tuyến cao tốc còn lại là Biên Hòa - Vũng Tàu và Dầu Giây - Liên Khương cũng đang được triển khai các thủ tục đầu tư.

Ngoài hệ thống đường cao tốc, để kết nối giao thông cho sân bay Long Thành, các tuyến đường vành đai 3, 4 - TP.HCM, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và sân bay Long Thành - Thủ Thiêm cũng đang được tăng tốc thực hiện đầu tư với mục tiêu “khớp nối” hoàn thành với sân bay Long Thành.

Theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, sân bay Long Thành là công trình “trọng điểm của trọng điểm quốc gia, trọng tâm của trọng tâm”. Vì vậy, để đảm bảo tầm cỡ, vị thế của công trình “cửa ngõ” quốc gia, tất cả hệ thống đường sá kết nối đều phải được tính toán kỹ, xây dựng sớm để đón đầu tiềm năng phát triển. “Sân bay phục vụ 100 triệu hành khách mà đường đi như hiện nay là không bảo đảm; phải bàn kỹ, dự phòng trước không gian để phát triển” - Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Cũng theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cho sân bay Long Thành cần phải được phân công cụ thể, xác định cụ thể cơ quan nào sẽ thực hiện. Trước mắt, phải xác định nhanh đơn vị nào sẽ thực hiện dự án Mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đồng thời, nghiên cứu để xem xét có cần mở thêm một tuyến mới để kết nối sân bay Long Thành với TP.HCM.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều