Báo Đồng Nai điện tử
En

Vận tải khách dè dặt hoạt động trở lại

08:11, 04/11/2021

Nhiều tháng qua, vận tải hành khách ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Đồng Nai, tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Hiện nay, tỉnh đã mở cửa một phần, cho phép một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh hoạt động trở lại, tuy nhiên phải đảm bảo một cách nghiêm ngặt các yếu tố an toàn.

Nhiều tháng qua, vận tải hành khách ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Đồng Nai, tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Hiện nay, tỉnh đã mở cửa một phần, cho phép một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh hoạt động trở lại, tuy nhiên phải đảm bảo một cách nghiêm ngặt các yếu tố an toàn.

Hành khách được khử khuẩn trước khi lên xe để đảm bảo an toàn phòng dịch
Hành khách được khử khuẩn trước khi lên xe để đảm bảo an toàn phòng dịch. Ảnh: V.GIA

Theo các doanh nghiệp (DN), dù một số tuyến đã được phép chạy xe lại nhưng vẫn rất dè dặt bởi nhu cầu của hành khách sụt giảm rất nhiều. Bên cạnh đó, giá xăng dầu liên tục tăng khiến cho chi phí hoạt động đội lên.

* Vừa mở cửa, vừa… chờ đợi

Lĩnh vực vận tải khách là dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian dịch bệnh. Thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, từ ngày 26-10, Đồng Nai cũng như một số địa phương lân cận cho phép vận tải hành khách nội tỉnh, liên tỉnh một số tuyến cố định được hoạt động trở lại. Theo đó, các công ty vận tải đã có sự chuẩn bị chu đáo theo các yêu cầu của Bộ Y tế và Sở GT-VT.

Công ty TNHH An Phú Trường Thịnh (doanh nghiệp chuyên vận chuyển khách đi sân bay Tân Sơn Nhất và đi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã hoạt động trở lại, tuy nhiên lượng khách tương đối ít, chỉ được khoảng 20% so với trước đây.

Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Phó giám đốc công ty cho hay, dịch vụ vận tải của công ty suy giảm dần từ giữa tháng 5 tới hiện tại do đại dịch Covid-19 lần thứ 4 gây ảnh hưởng trực tiếp. Công ty đã dừng hoạt động tuyến Biên Hòa đi sân bay theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện công ty đã hoạt động trở lại nhưng nhu cầu đi lại của người dân còn hạn chế do dịch Covid-19, chỉ một ít người dân bị kẹt tại tỉnh do đợt dịch vừa qua có nhu cầu về quê. Do đó, chi phí vận hành lại tuyến xe rất lớn, số khách ít nên nhà xe còn gặp nhiều khó khăn trong việc hoạt động trở lại.

“Chúng tôi hy vọng trong thời gian sắp tới, Chính phủ và người dân kiểm soát được dịch bệnh, du lịch mở cửa trở lại, mọi việc được bình thường hóa để người dân đi lại, vận tải mới vực lại sau cơn đại dịch vừa qua” - bà Trang bày tỏ mong muốn.

Đối với các tuyến xe buýt, ghi nhận cho thấy, hầu hết hoạt động vận tải hành khách công cộng liên quan đến các tuyến xe buýt vẫn chưa hoạt động. Mới đây nhất, ngày 30-10, tuyến 16 (bến xe Biên Hòa - bến xe Phương Lâm) bắt đầu hoạt động trở lại với tần suất 40 chuyến/ngày, thời gian giãn cách từ 36-44 phút/chuyến, thời gian một chuyến xe là 200 phút. Như vậy, tính đến ngày 30-10, toàn tỉnh có 6 tuyến xe buýt hoạt động gồm các tuyến số: 1, 2, 3, 7, 8, 16. Những tuyến còn lại, các DN vận tải chưa có phương án.

* Khó khăn nhân lên với chi phí xăng dầu

Theo yêu cầu của Sở GT-VT, các dịch vụ vận tải hành khách trong danh sách được phép hoạt động phải hạn chế số khách, số lượng các chuyến trên các tuyến và phải được sự cho phép của tỉnh bạn nếu hoạt động liên tỉnh. Điều này cộng với việc lượng khách đặt vé tại một số nhà xe có tuyến cố định liên tỉnh rất ít so với trước khi đại dịch bùng phát khiến chi phí hoạt động cao nên nhiều nhà xe vẫn khá e dè.

Ngoài ra, các DN, đơn vị chạy xe hợp đồng chưa được phép hoạt động trở lại vì an toàn phòng, chống dịch nên họ vẫn đang phải chờ đợi dịch bệnh kiểm soát tốt cũng như các chủ trương tiếp theo của ngành vận tải. “Hiện mới chỉ có một số tuyến xe cố định là hoạt động trở lại nên chúng tôi vẫn phải chờ. Bên cạnh đó, việc kiểm soát của TP.HCM vẫn đang rất chặt, nên chưa tính toán được điều gì” - ông Trịnh Xuân Toàn, chủ một nhà xe ở H.Cẩm Mỹ nói.

Không chỉ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh và nhu cầu giảm sút mà các DN phải đối mặt liên tục với giá xăng dầu tăng cao. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh với mức tăng ngày càng lớn, ước tính đã tăng 24% so với cùng kỳ năm trước khiến cho DN đã khó lại càng thêm khó. Giá xăng dầu tăng thì không riêng gì vận tải khách mà tất cả lĩnh vực vận tải đường bộ nói chung đều bị ảnh hưởng.

Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Thông Quan chuyên vận tải hàng hóa, vận tải container cho hay, chi phí nhiên liệu chiếm một phần lớn trong giá cước vận tải. “Thời gian vừa qua, đối tượng chịu ảnh hưởng nhất là kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa. Xăng dầu đã tăng lên rất cao, khó khăn hiện hiển trước mắt là điều ai cũng biết” - ông Điềm cho hay.

Cũng theo ông Điềm, đối với vận tải khách, 2 năm qua là 2 năm khó khăn nhất từ trước tới nay, các DN hoạt động chưa tới một nửa doanh thu, sản lượng, thời gian so với những năm trước, trong khi khấu hao tài sản vẫn tính nên việc vay vốn ngân hàng khó khăn. Các đơn vị kinh doanh mong muốn có giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là chi phí hoạt động tăng cao, bằng cách miễn, giảm thuế, tạo điều kiện vay vốn ngân hàng… để việc hoạt động, hồi phục được thuận lợi hơn.

Văn Gia

Tin xem nhiều