Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều công trình thủy lợi bị chiếm đất

07:11, 14/11/2021

Hiện có nhiều công trình thủy lợi (CTTL) bị người dân lấn chiếm đất trồng hoa màu, xây dựng nhà ở, chuồng trại. Điều này vừa ảnh hưởng đến công tác quản lý an toàn hồ đập vừa gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường sinh thái.

Hiện có nhiều công trình thủy lợi (CTTL) bị người dân lấn chiếm đất trồng hoa màu, xây dựng nhà ở, chuồng trại. Điều này vừa ảnh hưởng đến công tác quản lý an toàn hồ đập vừa gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường sinh thái.

Kiểm tra thực tế công tác quản lý, vận hành hồ Cầu Mới (H.Long Thành)
Kiểm tra thực tế công tác quản lý, vận hành hồ Cầu Mới (H.Long Thành). Ảnh: B.MAI

* Hàng chục ha đất bị chiếm dụng

Ông Lê Xuân Toàn, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Đồng Nai cho rằng, tình trạng lấn chiếm đất để trồng trọt, xây dựng chuồng trại, nhà ở, công trình kinh doanh du lịch diễn ra ngày càng phổ biến, với mức độ ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an toàn, làm giảm hiệu quả hoạt động của các CTTL và việc thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai.

Tính đến tháng 11-2021 trên địa bàn Đồng Nai xảy ra hơn 130 vụ lấn chiếm đất CTTL, phổ biến là ở hồ Sông Mây (H.Trảng Bom), đê Ông Kèo (H.Nhơn Trạch), hồ Gia Ui (H.Xuân Lộc), đặc biệt là công trình hồ Cầu Mới (H.Long Thành) chiếm 60% số vụ…  Công ty đã lập biên bản, thông báo đến địa phương nhưng phần lớn chưa được xử lý triệt để. Hình thức xử lý chủ yếu là lập biên bản, nhắc nhở hoặc tháo dỡ công trình.

Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 134 CTTL, trong đó, Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Đồng Nai quản lý 24 công trình, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố quản lý 107 công trình, 2 công trình do HTX quản lý và 1 công trình do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quản lý.

Các CTTL không chỉ cung cấp nước tưới, hỗ trợ tiêu thoát nước, ngăn mặn mà còn phục vụ khai thác nước sản xuất công nghiệp và sinh hoạt; góp phần bảo vệ nước ngầm, giữ môi trường cảnh quan và phát triển du lịch.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Đồng Nai Dương Xuân Sơn cho biết thêm, mạng lưới hệ thống CTTL trên địa bàn tỉnh có quy mô rộng khắp, đa dạng về chủng loại. Không chỉ phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp, các công trình hồ, đập còn cung cấp nước sản xuất công nghiệp và sinh hoạt; giữ nguồn nước ngầm và góp phần cân bằng hệ sinh thái, điều hòa môi trường sống. Việc vi phạm CTTL như: làm nhà ở, xây dựng chuồng trại, bến bãi, trồng cây... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý, vận hành hồ, đập. Theo ông Sơn, để giải quyết vấn đề này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Theo Sở NN-PTNT, nguyên nhân các vụ vi phạm nói trên là do trước đây công tác cắm mốc ranh giới, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa được quan tâm; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ  CTTL chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; sự phối hợp giữa đơn vị quản lý, Sở NN-PTNT và UBND các huyện, thành phố có CTTL chưa chặt chẽ.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Minh cho rằng, pháp luật đã quy định rõ, các tổ chức, cá nhân quản lý CTTL có chức năng phát hiện, xử lý vi phạm; UBND cấp xã có chức năng phát hiện và xử lý vi phạm. Trong 48 giờ sau khi phát hiện vi phạm, UBND xã phải tiến hành xử lý, nếu vướng mắc thì trả lời cho các cơ quan quản lý CTTL để báo cáo UBND huyện tìm hướng giải quyết. Nhưng thực tế, cả công tác báo cáo phát hiện lẫn xử lý đều làm rất chậm, có nơi hoàn toàn không xử lý.

“Nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm xử lý các vi phạm, còn tình trạng né tránh, nể nang trong xử lý vi phạm. Có những công trình lấn chiếm hành lang, thậm chí dưới lòng hồ, đập được địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến vi phạm càng khó giải quyết hơn” - ông Minh chia sẻ.

* Cần xử lý kiên quyết, dứt điểm

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Minh cho biết, trong số hơn 130 vụ vi phạm bảo vệ CTTL có những vụ vi phạm nhiều năm, đã tổ chức giải quyết nhiều lần nhưng chưa triệt để. Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương tìm cách tháo gỡ, đồng thời tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc mới.

Ông Trần Văn Thân, Phó chủ tịch UBND H.Long Thành cho rằng, thời gian qua, UBND các xã đã phối hợp xử lý các vụ lấn chiếm đất CTTL để trồng cây, xây dựng hạ tầng. Theo thông tin phản hồi, 66 trường hợp vi phạm đã viết cam kết trả lại đất khi Nhà nước yêu cầu, còn 9 vụ trong diện tranh chấp. Huyện đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Đồng Nai tiếp tục theo dõi và thông tin lại, trường hợp nào thuộc thẩm quyền, huyện sẽ yêu cầu tháo gỡ bàn giao đất. Bên cạnh đó, huyện sẽ tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân về việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ đê điều, CTTL và phòng chống thiên tai.

Tại buổi đi kiểm tra thực tế và làm việc với các đơn vị, địa phương về quản lý, vận hành các CTTL mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, những năm qua tỉnh rất quan tâm đầu tư thi công, duy tu các CTTL nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên nước ngầm. Để phát huy hiệu quả các công trình hồ, đập, Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL phải làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện cắm mốc hành lang an toàn; phối hợp các địa phương giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, lấn chiếm đất của Nhà nước. Trường hợp không giải quyết được làm báo cáo, đề xuất UBND tỉnh làm việc với các địa phương để giải quyết dứt điểm các vụ việc.

Trong tháng 12 tới, Sở NN-PTNT hoàn thiện dự thảo và ký quy chế phối hợp với UBND các huyện, thành phố có CTTL để ràng buộc trách nhiệm quản lý tài sản công ở địa phương. Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND cấp xã, huyện có trách nhiệm và mạnh tay xử lý trường hợp lấn chiếm đất nhà nước, vi phạm quy định phòng chống thiên tai.

Ban Mai

Tin xem nhiều