Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp

09:11, 02/11/2021

Tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, phân bón, khí đốt... để gia tăng giá trị nông sản và hạn chế tác động xấu đến môi trường là mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp đã và đang được nhiều cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng.

Làm phân bón hữu cơ, khí đốt từ chất thải chăn nuôi; tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, phân bón, thậm chí đồ uống để gia tăng giá trị nông sản và hạn chế tác động xấu đến môi trường là mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp đã và đang được nhiều cá nhân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh áp dụng.

Công nhân HTX Nông nghiệp xanh (H.Long Thành) xử lý sợi bông làm nguyên liệu trồng nấm thay cho rơm rạ
Công nhân HTX Nông nghiệp xanh (H.Long Thành) xử lý sợi bông làm nguyên liệu trồng nấm thay cho rơm rạ. Ảnh: B.MAI

Đây được gọi là mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp.

* Giải quyết bài toán chất thải

Nhiều năm trước, ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành) luôn đau đầu với việc xử lý phân gà, nước thải chuồng trại, mùi hôi. Thế nhưng, từ khi chuyển sang chăn nuôi gà theo quy mô trang trại để xuất khẩu, ông Quyết không phải vất vả xử lý chất thải mà còn kiếm được tiền từ phân gà.

Ông Quyết chia sẻ, lúc trước dù ông xịt rửa cỡ nào thì trại gà vẫn hôi, ruồi nhặng bay khắp nơi. Từ khi đầu tư đệm lót sinh học kết hợp men vi sinh làm thảm lót nền; làm hệ thống lọc khí và dàn nước phun sương tạo độ ẩm, mùi hôi giảm hẳn. Ông không phải tốn nước, tốn công rửa chuồng thường xuyên; gà ít bệnh hơn, tỷ lệ hao hụt giảm. Phân gà sau khi thu dọn đệm lót được bán lại cho DN sản xuất phân bón hữu cơ.

Theo cách hiểu thông thường, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hóa lý biến chất thải chăn nuôi và phế, phụ phẩm trồng trọt thành nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ, đồ gia dụng, sản phẩm tiêu dùng hữu ích. Áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giúp khai thác và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng; giảm phát sinh chất thải gây hại đến môi trường và sức khỏe con người.

Cùng là DN chăn nuôi gà nhưng Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc) có cách xử lý chất thải hoàn toàn khác. Ông Trần Quang Tính, Giám đốc công ty chia sẻ, thay vì phải ký hợp đồng với DN xử lý phân gà, ông nghĩ cách làm phân hữu cơ từ phân gà. Nghĩ là làm, ông đi học hỏi kinh nghiệm một số nơi rồi đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ. Chất thải từ gà, ông đem ủ hoai, sấy khô, xử lý mùi hôi rồi đưa ra bón cây. Để kiểm định chất lượng phân của nhà máy làm ra và cũng giải phóng bớt sản phẩm, ông Tính làm nhà màng trồng các loại rau củ quả. Nhờ nguồn phân bón này, trang trại rau củ quả sạch của ông Tính ngày càng được mở rộng, từ 150 tấn/năm lên đến 500 tấn/năm.

Năm 2018, nhận thấy thị trường phân bón hữu cơ có nhiều tiềm năng, ông Tính đầu tư nâng công suất nhà máy sản xuất phân bón lên 200 tấn/ngày. Không chỉ xử lý phân gà cho trang trại của mình, ông Tính còn nhận xử lý chất thải cho một số trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn H.Xuân Lộc. Sản phẩm phân hữu cơ được bán cho các DN, HTX trồng rau củ quả sạch trong và ngoài tỉnh.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai, các mô hình như chăn nuôi kết hợp trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, khép kín đang được tỉnh khuyến khích nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí ở các vùng chăn nuôi. Trên thực tế, nhiều trang trại, nông hộ áp dụng khá tốt công nghệ sinh học và lý hóa để tái sử dụng chất thải trong chăn nuôi. Đó là làm hệ thống xử lý biogas thu phân, khí gas; sản xuất phân bón hữu cơ để giải quyết bài toán chất thải.

* Tận dụng phế phẩm, phụ phẩm

Những năm 2000, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) trở thành cái tên được nhiều người chú ý bởi DN này đứng ra hợp tác với hàng ngàn nông dân trong và ngoài tỉnh trồng ca cao xuất khẩu. Không chỉ sản xuất bột ca cao và socola, công ty còn liên tiếp cho ra đời nhiều sản phẩm từ vỏ và thịt ca cao, những phụ phẩm trước đây phải bỏ đi.

Phòng TN-MT H.Vĩnh Cửu hướng dẫn người dân ủ phân bón từ phụ phẩm nông nghiệp
Phòng TN-MT H.Vĩnh Cửu hướng dẫn người dân ủ phân bón từ phụ phẩm nông nghiệp

Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức chia sẻ, từ khi cha ông còn dẫn dắt công ty, nhận thấy quả ca cao chỉ lấy mỗi hạt không thì phí quá. Cha ông đã nghiên cứu và kết hợp với một số cá nhân, nhóm làm rượu ca cao. Sau này ông tiếp quản và tiếp tục phát triển các sản phẩm mới làm từ phụ phẩm quả ca cao như: rượu vang, rượu ca cao, nước uống dinh dưỡng, trà túi lọc ca cao…

Anh Trần Thanh Tùng, chủ vườn lan hữu cơ ở H.Vĩnh Cửu chia sẻ, năm 2019, anh tham gia lớp tập huấn về làm nông nghiệp hữu cơ do Phòng NN-PTNT huyện tổ chức. Sau đó, anh đã tự làm phân bón, thuốc diệt côn trùng bằng các phụ phẩm nông nghiệp và nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên. Cụ thể, anh dùng nước men vi sinh ủ với thân cây chuối, vỏ và thân cây đậu phộng, cá ươn, trứng vịt để tạo phân bón dạng nước tưới lan. Đối với thuốc trừ sâu, anh làm tương tự nhưng ủ với tỏi, ớt, gừng và phun trực tiếp lên lá, thân và gốc cây. “Tôi làm nông nghiệp theo hướng thuận theo tự nhiên, gần như không có loại chất thải hữu cơ nào phải vứt bỏ. Cỏ, lá cây, xác động vật người ta bỏ bên đường, dưới kênh, tôi đem về ủ phân. Nhờ vậy, tôi tiết kiệm được 70% chi phí so với dùng phân và thuốc hóa học. Cây cối màu mỡ, ít sâu bệnh” - anh Tùng chia sẻ.

Không chỉ anh Tùng, nhiều nông dân cũng tận dụng rác thải hữu cơ, phế phẩm nông nghiệp làm thuốc trừ sâu, phân bón hữu cơ với mục đích giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị cho nông sản, bảo vệ sức khỏe bản thân và người tiêu dùng.

Ngoài ra, nhiều người khác còn tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để làm ra những sản phẩm tiêu dùng hữu ích. Chẳng hạn, chị Bùi Thị Thủy, chủ vườn thảo mộc Nhà Của Lá (H.Vĩnh Cửu) tận dụng các loại hoa, lá trong vườn nhà làm xà phòng lá tía tô, thảo mộc ngâm chân; ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (H.Trảng Bom) biến thân cây chuối sau thu hoạch thành sợi đan xuất khẩu; bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh (H.Long Thành) mua bông, vải thải làm mùn trồng nấm thay cho rơm rạ…, không chỉ giảm chất thải, tạo sản phẩm hữu ích, mô hình còn mang lại việc làm và thu nhập cho nhiều người.

Ban Mai

Tin xem nhiều