Báo Đồng Nai điện tử
En

Phân loại chất thải tại nguồn: Không chỉ trông chờ ý thức

09:10, 14/10/2021

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRST) tại nguồn trên địa bàn tỉnh vẫn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên, gia tăng chi phí và diện tích chôn lấp mà còn tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước, không khí.

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRST) tại nguồn trên địa bàn tỉnh vẫn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên, gia tăng chi phí và diện tích chôn lấp mà còn tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước, không khí.

Xe thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa
Xe thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa. Ảnh: L.AN

Để phân loại CTRSH tại nguồn trở thành thói quen trong cộng đồng cần phải giải quyết đồng bộ các vấn đề từ cách thức thu gom, phương tiện vận chuyển cho đến hạ tầng, công nghệ xử lý chứ không thể chỉ dựa vào tuyên truyền, phát động phong trào.

* Hạ tầng chưa đảm bảo

Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 3/7 khu xử lý rác ở các xã: Quang Trung (H.Thống Nhất), Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) và Túc Trưng (H.Định Quán) thực hiện phân loại CTRSH và đảm bảo tỷ lệ chôn lấp dưới 15%. Các khu xử lý rác còn lại chưa đáp ứng công suất theo thiết kế, chưa đầu tư công nghệ và các hạng mục công trình để phân loại, tái chế chất thải theo quy định.

Được triển khai từ năm 2008 nhưng đến nay việc phân loại CTRSH tại nguồn vẫn chưa đi vào đời sống của đại đa số người dân. UBND tỉnh vừa ban hành văn bản thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh giao các huyện, thành phố, sở, ngành đẩy mạnh tuyên truyền phân loại CTRSH tại nguồn; khuyến khích người dân tái chế, tái sử dụng rác thải. Tổ chức kiểm tra và áp dụng các biện pháp xử lý đối với cá nhân, đơn vị kinh doanh không phân loại chất thải; doanh nghiệp thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH không đáp ứng điều kiện vệ sinh môi trường.

Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho rằng, thời gian qua, tỉnh đã làm việc nhiều lần với các chủ dự án về đầu tư hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải và giảm tỷ lệ chôn lấp. Tuy nhiên, nhiều đơn vị chưa quan tâm hoặc năng lực tài chính chưa đủ thực hiện tái chế chất thải, gây vi phạm về môi trường. Có thể kể đến là: Công ty TNHH Cù Lao Xanh (chủ đầu tư dự án Khu xử lý chất thải ở H.Xuân Lộc), Công ty TNHH MTV Thương mại Thiên Phước (chủ đầu tư dự án Khu xử lý chất thải ở H.Cẩm Mỹ), Công ty CP Môi trường Thiên Thanh (chủ đầu tư dự án Khu xử lý chất thải ở H.Vĩnh Cửu)…

Hiện nay, việc đầu hạ tầng cho thu gom, vận chuyển chất thải còn hạn chế; các địa phương chưa chuẩn hóa các điểm trung chuyển chất thải theo quy chuẩn. Hiện còn 25/34 điểm trung chuyển chất thải chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; nhiều xe thu gom, vận chuyển chất thải không đáp ứng yêu cầu làm rơi vãi rác, nước rỉ rác xuống đường gây bức xúc cho người dân.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho rằng, đơn giá trần xử lý rác sinh hoạt bằng phương pháp đốt tiêu hủy là 496 ngàn đồng/tấn đã duy trì trong nhiều năm. Việc đấu thầu xử lý CTRSH hằng năm theo Luật Ngân sách và Luật Đấu thầu dễ gặp rủi ro, vì doanh nghiệp bỏ ra số tiền lớn để đầu tư công nghệ, thời gian thu hồi vốn mất khoảng 5-7 năm nhưng trúng thầu chỉ được ký hợp đồng 1 năm. Có doanh nghiệp từ chối đấu thầu xử lý CTRSH vì cho rằng đơn giá trần không phù hợp với công nghệ đã đầu tư.

* Không chỉ trông chờ ý thức

Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực đầu năm 2022 quy định sẽ thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người. Các địa phương tùy vào điều kiện hạ tầng kỹ thuật thu gom, vận chuyển, công nghệ xử lý và tỷ lệ thực hiện phân loại chất thải rắn, xây dựng lộ trình áp dụng. Quy định này được cho là tác động vào trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân thay vì khuyến khích như trước đây.

Chủ đầu tư dự án Nhà máy Xử lý chất thải ở xã Quang Trung cho rằng, hầu hết chất thải sinh hoạt về nhà máy phải tổ chức phân loại lại, mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí. Nếu phân loại CTRSH tại nguồn đạt hiệu quả sẽ giảm chôn lấp chất thải ra môi trường, tăng tỷ lệ tái chế chất thải và tiết kiệm chi phí xử lý cho tỉnh.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho rằng, thời gian qua, nhiều người bỏ việc phân loại rác thải vì phương tiện thu gom không đảm bảo, thiếu bãi rác tạm và điểm trung chuyển chất thải. Trong năm 2021, thành phố đặt mục tiêu sẽ triển khai phân loại chất thải đến 30 phường, xã, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học đóng chân trên địa bàn. Cùng với đó là triển khai dự án điểm trung chuyển chất thải quy mô lớn ở P.Phước Tân. Cuối năm 2022, sẽ áp dụng phạt tiền hoặc từ chối thu gom chất thải đối với hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, dịch vụ không phân loại rác.

Sở TN-MT cho rằng, thời gian tới, lãnh đạo tỉnh sẽ đi kiểm tra việc đầu tư các dự án xử lý chất thải theo giấy chứng nhận đầu tư, xem xét điều chỉnh hoặc thu hồi dự án đối với các khu xử lý chất thải chậm triển khai, không đảm bảo tỷ lệ chất thải chôn lấp dưới 15%, đồng thời bổ sung thêm các khu xử lý chất thải theo quy hoạch chung của tỉnh để đồng bộ hạ tầng xử lý chất thải.

Tại Văn bản số 9661/UBND-KTN ngày 13-8-2021, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chỉ đạo Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Đầu tư và phát triển của tỉnh ưu tiên vốn vay ưu đãi cho dự án mua xe vận chuyển chất thải chuyên dùng, xây dựng công trình xử lý chất thải và doanh nghiệp tái chế; gắn chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn với xây dựng nông thôn mới và khu dân cư kiểu mẫu.

Các địa phương quy hoạch và đầu tư bãi rác tạm đủ tiêu chuẩn vệ sinh môi trường ở các xã, điểm trung chuyển chất thải ở các huyện. Mỗi huyện nên có một khu xử lý chất thải sinh hoạt để hạn chế chở chất thải đi xa. Đồng thời, có cơ chế chính sách hỗ trợ các cá nhân, đơn vị tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải chuyển đổi phương tiện; có chế tài đối với hành vi không phân loại CTRSH.

Lê An

Tin xem nhiều