Báo Đồng Nai điện tử
En

Trái bưởi 'khủng hoảng thừa'

09:09, 14/09/2021

Hiện nhiều địa phương đang vào vụ thu hoạch bưởi cho mùa Trung thu. Đây là mùa thu hoạch lớn thứ 2 trong năm sau Tết Nguyên đán và thường là mùa đắt hàng của trái bưởi. Tuy nhiên, vài tuần gần đây, giá bưởi bán tại vườn ở mức thấp kỷ lục trong vòng nhiều năm trở lại đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sức tiêu thụ chậm.

Hiện nhiều địa phương đang vào vụ thu hoạch bưởi cho mùa Trung thu. Đây là mùa thu hoạch lớn thứ 2 trong năm sau Tết Nguyên đán và thường là mùa đắt hàng của trái bưởi. Tuy nhiên, vài tuần gần đây, giá bưởi bán tại vườn ở mức thấp kỷ lục trong vòng nhiều năm trở lại đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sức tiêu thụ chậm.

Giá bưởi giảm kỷ lục từ trước đến nay nhưng nhà vườn ở nhiều địa phương vẫn khó tìm được thương lái tiêu thụ. Trong ảnh: Vườn bưởi tơ ở xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên
Giá bưởi giảm kỷ lục từ trước đến nay nhưng nhà vườn ở nhiều địa phương vẫn khó tìm được thương lái tiêu thụ. Trong ảnh: Vườn bưởi tơ ở xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên

Bưởi rớt giá còn do vài năm trở lại đây diện tích cây trồng này tăng rất nhanh. Trong khi đó, loại trái cây tươi này chủ yếu vẫn tiêu thụ chính tại thị trường nội địa, chế biến cũng chưa phát triển khiến nguồn cung dần vượt qua cầu.

* Giá giảm kỷ lục

Mọi năm, vào mùa thu hoạch dịp Trung thu, bưởi thường bán được với giá cao hơn các tháng khác trong năm vì nhu cầu mua bưởi làm quà biếu tăng cao. Thế nhưng, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khiến suốt thời gian qua sức tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh, nguồn bưởi tại các địa phương tồn lại ở nhà vườn rất nhiều nên hiện giá bưởi bán ra thị trường giảm ở mức chưa từng có. Cụ thể, cùng kỳ năm ngoái, giá bưởi bán tại vườn ở mức vài chục ngàn đồng/kg thì hiện nay mặt hàng này rớt giá chỉ còn vài ngàn đồng/kg. Ngay cả vùng bưởi đặc sản Tân Triều (H.Vĩnh Cửu), nhiều nhà vườn chỉ bán được với giá 6-8 ngàn đồng/kg bưởi da xanh. Với bưởi đường lá cam, giá mặt bằng chung cũng chỉ từ 100- 300 ngàn đồng/chục, so với mọi năm loại bưởi loại nhất có giá bán cả triệu đồng/chục.

Ông Lê Văn Mười, nông dân có gần 10ha trồng bưởi da xanh và bưởi đường lá cam tại xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) xót xa, vì địa phương đang trong vùng phong tỏa phòng dịch Covid-19 nên có thời gian bưởi chín rộ, nhà vườn không tìm được thương lái thu mua, phải hái đem cho hàng tấn bưởi. Nhờ sự kết nối hỗ trợ của chính quyền địa phương và Sở NN-PTNT, hiện bưởi da xanh bán tại vườn được 6 ngàn đồng/kg; bưởi đường lá cam có giá từ 100-300 ngàn đồng/chục, thấp hơn rất nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Mười tính toán: “Vụ thu hoạch Trung thu này, tôi thu hoạch được khoảng 15 tấn bưởi/ha, sản lượng cung cấp ra thị trường là rất lớn. Trước đây, bưởi luôn là loại trái cây đặc sản bán được với giá cao nhưng vài năm trở lại đây, diện tích cây trồng này tăng quá nhanh, nguồn cung dồi dào khiến giá bán ngày càng giảm”.

Cùng nỗi lo, ông Vũ Văn Đông, nông dân trồng bưởi tại xã Tà Lài (H.Tân Phú) cho hay, vài tuần trước bưởi hầu như không tìm được thương lái thu mua, chỉ một số tiểu thương mua với sản lượng ít bán tại địa phương khiến giá bưởi giảm chưa từng có với mức từ 7-8 ngàn đồng/kg. Hiện nay, thương lái bắt đầu thu mua trở lại, giá bưởi tăng lên được mức 10-11 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, lượng bưởi tại vườn chờ thu hoạch còn rất lớn vì thương lái chỉ mới thu mua nhỏ giọt.

* Diện tích trồng bưởi tăng quá nhanh

Theo số liệu của Sở NN-PTNT, tổng diện tích bưởi trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt hơn 9.957ha, tăng hơn cả ngàn ha so với cùng kỳ năm ngoái. Về sản lượng, chỉ tính riêng diện tích bưởi đã cho thu hoạch hiện đạt trên 24,2 ngàn tấn/năm, tăng hơn 1,5 ngàn tấn (tương đương 6,7%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Diện tích cây trồng này tăng nhanh không chỉ tại Đồng Nai mà tại nhiều tỉnh, thành khác bưởi cũng là cây trồng chủ lực phát triển nhanh về diện tích. Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), năm 2020, chỉ tính riêng khu vực Nam bộ, tổng diện tích bưởi đạt 31,9 ngàn ha, tăng 4,2 ngàn ha so với năm 2019.

Chỉ ra nguyên nhân giá bưởi có xu hướng ngày càng giảm, ông Lê Văn Chưởng, thương lái cung cấp trái cây cho các vựa tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) nhận xét, vài năm trở lại đây, trái bưởi ngày càng mất giá vì diện tích cây trồng này tăng rất nhanh, không chỉ tại các tỉnh Đông Nam bộ mà nguồn cung ngày càng dồi dào ở cả các tỉnh miền Bắc, miền Tây. Áp lực cạnh tranh tiêu thụ của trái bưởi sẽ ngày càng gay gắt hơn trong thời gian tới vì mặt hàng này chủ yếu tiêu thụ trái tươi vì chưa thu hút được đầu tư chế biến, xuất khẩu vẫn còn rất hạn chế.

Cùng quan điểm, ông Vũ Văn Đông cho biết thêm, trước đây nông dân trồng bưởi tham gia vào HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Tà Lài bỏ vốn đầu tư trồng bưởi đạt chứng nhận VietGAP có sự tham gia của doanh nghiệp với mục tiêu sản xuất cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Nhưng khi bắt tay vào thực tế, việc xuất khẩu trái bưởi tươi gặp nhiều khó khăn vì cho đến nay, loại trái cây này vẫn chưa nằm trong danh mục trái cây xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc. Xuất khẩu vào các thị trường khó tính hơn lại càng khó. Theo đó, thời gian qua, sản phẩm bưởi VietGAP của các xã viên đều bán cho thương lái với giá hàng thường, chịu rủi ro về đầu ra thất thường vì nguồn cung đang cao hơn so với nhu cầu tiêu thụ.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều