Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành du lịch cần chính sách hỗ trợ thiết thực

08:08, 31/08/2021

Dù đã có những chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ) hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, lưu trú, thể hiện qua các gói hỗ trợ tiền thuê đất, tiền điện, hỗ trợ tài chính, giảm lãi vay ngân hàng… nhưng theo một số DN và NLĐ, đối tượng được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ trên vẫn còn khá hạn chế.

Dù đã có những chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ) hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, lưu trú, thể hiện qua các gói hỗ trợ tiền thuê đất, tiền điện, hỗ trợ tài chính, giảm lãi vay ngân hàng… nhưng theo một số DN và NLĐ, đối tượng được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ trên vẫn còn khá hạn chế.

Nhân viên Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Bầu Trời Việt (TP.Biên Hòa) làm công việc vận chuyển, phân phối sữa do ngành du lịch ngưng hoạt động. Ảnh: N.Liên
Nhân viên Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Bầu Trời Việt (TP.Biên Hòa) làm công việc vận chuyển, phân phối sữa do ngành du lịch ngưng hoạt động. Ảnh: N.Liên

Hơn 1 năm qua, phần lớn thời gian ngành du lịch rơi vào trạng thái tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Trong khi đó, chi phí cho việc duy tu, bảo dưỡng các công trình tham quan, tài sản, phương tiện vận tải hành khách vẫn phải thực hiện. Thậm chí, nhiều DN còn gồng gánh trả lương cho nhân viên trong một thời gian dài.

* “Nhảy việc” để trang trải cuộc sống

Hầu hết các DN du lịch, lữ hành đều rơi vào tình trạng khó khăn chung từ hơn 1 năm nay. Các công việc như bán hàng online, mở đại lý phân phối các mặt hàng, làm việc bán thời gian cho các tổ chức tín dụng… đều được DN, NLĐ trong lĩnh vực du lịch lựa chọn để tự tạo việc làm, có chi phí trang trải cuộc sống.

Từ đầu năm 2020 đến nay, do liên tục phải ngừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 nên Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Bầu Trời Việt (TP.Biên Hòa) đang đối mặt khó khăn với các khoản chi trả lương nhân viên, chi phí bảo dưỡng xe, trả nợ ngân hàng…

Ông Thân Trọng Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Bầu Trời Việt cho biết, khoản lo lớn nhất của ông hiện nay là gần 90 triệu đồng mỗi tháng trả tiền ngân hàng, vì nếu chậm trễ, DN sẽ bị liệt vào danh sách đen, sau này sẽ khó tiếp cận nguồn vay khi có nhu cầu.

Để có kinh phí trang trải cũng như tạo việc làm cho những nhân viên lâu năm vẫn còn gắn bó với công ty, từ đầu năm 2021 đến nay, ông Thiện phải làm nhà phân phối sữa để duy trì hoạt động.

Ông Thiện chia sẻ, công ty của ông đã hoạt động hơn 20 năm rồi nên cả công ty đang cố gắng vượt qua những ngày khó khăn chờ thời điểm ngành du lịch được mở cửa trở lại. Ông Thiện hy vọng Nhà nước sớm kiểm soát được dịch bệnh, các hoạt động trở lại trạng thái “bình thường mới”, trong đó có ngành du lịch.

Cùng mong muốn duy trì nguồn thu để chờ ngày ngành du lịch hồi phục, anh Nguyễn Thanh Sang, Công ty TNHH Du lịch Chuyến Đi Vàng (TP.Biên Hòa) chuyển sang làm cộng tác viên tín dụng cho một ngân hàng từ đầu năm đến nay. Tuy thu nhập không cao nhưng với anh Sang, công việc chỉ là tạm thời, anh Sang vẫn đang chờ ngày du lịch mở cửa trở lại để triển khai các gói kích cầu du lịch mà anh đã chuẩn bị sẵn khi được tiếp tục hoạt động.

* Mong được tiếp cận các chính sách

Một số DN du lịch cho biết, đến nay DN, NLĐ trong ngành đã nhận được các gói hỗ trợ từ Chính phủ như: giảm lãi vay ngân hàng, hỗ trợ tiền cho hướng dẫn viên du lịch, miễn, giảm tiền điện tại các cơ sở lưu trú… Tuy nhiên, một số chính sách hỗ trợ vẫn còn hạn chế, nhiều đối tượng khó khăn chưa tiếp cận được nguồn hỗ trợ này.

Bà Võ Thị Thùy Diễm, Trưởng phòng Marketing Công ty CP Du lịch Giang Điền (ở xã Giang Điền, H.Trảng Bom) cho biết, Khu du lịch Thác Giang Điền có trên 130 quản lý và nhân viên làm việc từ nhiều năm nay. Phần lớn nhân viên công ty không phải đối tượng hướng dẫn viên du lịch nên không thể nhận hỗ trợ từ Chính phủ, trong khi thực tế đời sống của mọi người gặp nhiều khó khăn.

“Hầu hết các nhân viên của khu du lịch làm việc tại chỗ, không có thẻ hướng dẫn viên nên không đủ điều kiện nhận trợ cấp như hướng dẫn viên du lịch. Kể từ khi nghỉ việc, toàn bộ nhân viên không có lương, mong rằng Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho những đối tượng là NLĐ như chúng tôi để phần nào vượt qua khó khăn trong những ngày dài giãn cách xã hội” - bà Diễm nói.

Đối với các gói hỗ trợ vay, lãi suất ngân hàng… cho các DN, ông Thân Trọng Thiện cho rằng, cần linh động hơn trong việc xử lý hồ sơ. Theo ông Thiện, thực tế ngành du lịch gần như bất động hơn 1,5 năm nay, các DN không có doanh thu ai cũng hiểu, nhưng để được hưởng lãi suất ưu đãi, một số ngân hàng yêu cầu khá nhiều thủ tục, từ xác nhận của cơ quan thuế, đến các cơ quan quản lý, bản sao kê của DN…, trong khi có những ngân hàng tự động giảm cho DN, cá nhân những thủ tục rất đơn giản.

“Thật sự chúng tôi đang rất khó khăn, nhất là giai đoạn hiện nay nên rất mong muốn được tiếp nhận các nguồn ưu đãi nhanh gọn hơn. Nếu có thể, các ngân hàng nên giãn thời gian thu nợ trong thời điểm giãn cách xã hội kéo dài thì DN mới có cơ hội vượt qua được đại dịch lần này” - ông Thiện cho biết thêm.

Cùng với những mong muốn được tiếp cận nhiều hơn nữa chính sách hỗ trợ đối với du lịch, nhiều DN, NLĐ trong ngành du lịch hy vọng sớm được triển khai tiêm vaccine để bảo đảm an toàn khi ngành khởi động trở lại. Đến nay, trên địa bàn tỉnh mới có 9/114 NLĐ là hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ đã nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và 170/1.700 NLĐ trong lĩnh vực du lịch được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều