Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp lo bị giảm đơn hàng

03:08, 03/08/2021

Hiện nay, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã phải giảm công suất hoặc tạm dừng hoạt động để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Có những DN phải dừng sản xuất gần 1 tháng nên lo lắng thời gian tới, các đơn hàng nhận được sẽ giảm.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã phải giảm công suất hoặc tạm dừng hoạt động để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Có những DN phải dừng sản xuất gần 1 tháng nên rất lo lắng trong thời gian tới đây, các đơn hàng nhận được sẽ giảm.

Sản xuất phụ liệu cho hàng dệt may tại một công ty ở H. Vĩnh Cửu. Ảnh minh họa: K.Minh
Sản xuất phụ liệu cho hàng dệt may tại một công ty ở H. Vĩnh Cửu. Ảnh minh họa: K.Minh

Trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn DN sản xuất hàng hóa theo đơn đặt hàng của các tập đoàn, DN nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2021, dù đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất công nghiệp của nhiều nước trên thế giới, nhưng DN Việt Nam vẫn nhận được khá nhiều đơn hàng và xuất khẩu tăng cao là do khống chế tốt dịch bệnh. Do đó, các đơn hàng từ nhiều nước đã dịch chuyển về Việt Nam. Tuy nhiên hiện tại tình hình đang có những khó khăn đối với nhiều DN.

* Không dễ tìm đơn hàng mới

Từ cuối tháng 6-2021 đến nay, dịch bệnh bắt đầu lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là một số tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây đều là những khu vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu lớn của Việt Nam. Nhiều nhà máy sản xuất đã phải tạm dừng hoạt động hoặc giảm công suất còn 30-60% để hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Do phải dừng hoạt động hoặc giảm công suất nên nhiều công ty đã không giao hàng đúng thời hạn. Vì thế, nhiều khách hàng, đối tác đã phải dời bớt đơn hàng sang những nước khác, nơi tình hình dịch bệnh đã được khống chế ổn.

Theo UBND tỉnh, tính từ đầu năm đến ngày 15-7-2021, trên địa bàn tỉnh có 227 DN giải thể và 239 chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động. Bên cạnh đó còn có 600 DN tạm ngừng kinh doanh. Các DN này chủ yếu là DN nhỏ và vừa thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Lý do giải thể, chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh không hiệu quả.

Ông Lê Xuân Tân, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) cho biết: “Đợt dịch lần thứ tư này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy và chưa khi nào các công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn như vậy. Chi phí cho sản xuất tăng cao, một số người lao động nằm trong vùng phong tỏa, cách ly y tế phải tạm nghỉ việc nên các nhà máy khó duy trì được công suất như thời điểm đầu năm 2021. Nếu tình trạng này kéo dài, các đối tác sẽ dời đơn hàng sang nước khác, DN sẽ gặp nhiều khó khăn hơn”.

Thực tế, cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, các đơn hàng từ Trung Quốc và nhiều nước trong khối ASEAN đã được dịch chuyển về Việt Nam, vì tình hình dịch tại Việt Nam được khống chế tốt. Hiện nay, dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, khách hàng nước ngoài có thể sẽ dời bớt đơn hàng đến những nước khác để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị “đứt gãy”.

Ông Cao Minh Chuyên, Tổng giám đốc Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) cho hay: “Dịch bệnh Covid-19 khiến Donafood nhận được các đơn hàng mới ít hơn so với trước đây. Các công ty nước ngoài thường chỉ ký kết những đơn hàng ngắn hạn và số lượng không lớn. Do đó, DN rất khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong ngắn hạn, trung hạn”.

* Hy vọng vào quý IV-2021

Theo các DN tại Đồng Nai, trong quý III-2021, hầu hết các DN cố gắng duy trì hoạt động và chờ đợi dịch lắng xuống để khôi phục sản xuất. Vì thế, trong thời điểm này, DN gần như không chú ý đến lợi nhuận và sẵn sàng chi ra các khoản lớn để phòng, chống dịch bệnh Covid-19; cố gắng không để xảy ra ca nhiễm bệnh trong nhà máy.

Tuy nhiên, dịch bệnh tiếp tục bùng phát ở một số nhà máy tại Đồng Nai và TP.HCM, Bình Dương khiến các DN lo lắng vì nguy cơ không hoàn thành đơn hàng rất lớn. Ngoài lo thiếu nguyên liệu cho sản xuất thì các đối tác sẽ không thể chờ đợi và kéo dài thời hạn giao hàng quá dài cho các nhà máy. Như vậy, tới đây, nhiều DN trên địa bàn tỉnh sẽ rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng để sản xuất khi dịch bệnh lắng xuống. Thiếu đơn hàng, DN khó phục hồi hơn.

Bà Phan Thị Thanh Trúc, Phó tổng giám đốc Công ty CP Gỗ Nhất Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) chia sẻ: “DN hy vọng Chính phủ, tỉnh sẽ dập được dịch trong quý III-2021, thời gian khống chế dịch càng nhanh thì khả năng phục hồi sản xuất của các nhà máy sẽ thuận lợi hơn. Hơn 1 năm qua, DN phải cầm cự để thực hiện mục tiêu kép đã rất vất vả nên dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài và lan rộng, nhiều nhà máy sẽ phải đóng cửa”.

Cũng theo bà Trúc, từ đầu tháng 7-2021, dịch bệnh lan rộng trên địa bàn, Công ty CP Gỗ Nhất Nam buộc phải cho 60% công nhân tạm nghỉ việc để đảm bảo phòng, chống dịch. Theo đó, công suất của nhà máy chỉ duy trì khoảng 40-50% so với trước đây.

Đồng Nai là nơi sản xuất công nghiệp lớn của cả nước, trong đó có nhiều DN hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Do đó, nhiều nhà máy ở Đồng Nai giảm công suất hoặc tạm dừng hoạt động ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp của nhiều công ty tại Việt Nam cũng như nước ngoài.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Tỉnh đang ưu tiên các nguồn lực cho công tác dập dịch để hạn chế lây lan trong các khu dân cư, nhà máy trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh đã đề xuất Chính phủ sớm có nguồn vaccine phòng Covid-19 cho Đồng Nai để tiêm phòng cho người lao động đang làm việc trong các DN, giúp các công ty sớm phục hồi sản xuất”.

Khánh Minh

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích