Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững giai đoạn mới

03:07, 27/07/2021

Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vùng chuyên canh cây có múi sản xuất theo hướng an toàn cho thu nhập cao tại xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên
Vùng chuyên canh cây có múi sản xuất theo hướng an toàn cho thu nhập cao tại xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, chế biến để nông sản có đầu ra ngày càng bền vững.

* Khai thác lợi thế riêng

Đồng Nai có nhiều lợi thế về đất đai, giao thông và gần các cảng biển nên thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài việc là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, tỉnh còn có thế mạnh phát triển cây công nghiệp và cây ăn trái với tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm gồm: cao su, điều, cà phê, tiêu… hơn 100 ngàn ha; diện tích cây ăn trái gần 70 ngàn ha. Trong đó, có nhiều đặc sản trái cây có diện tích thuộc tốp đầu cả nước và đã hình thành được những vùng chuyên canh như: chuối gần 11,9 ngàn ha, xoài trên 12,5 ngàn ha, sầu riêng gần 7 ngàn ha, chôm chôm gần 10,2 ngàn ha…

Tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt gần 300 ngàn ha. Ngoài lợi thế về diện tích đất sản xuất nông nghiệp và gần với những thị trường tiêu thụ nội địa, xuất khẩu lớn, Đồng Nai còn rất giàu tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn chất lượng; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến sâu.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ, mục tiêu đột phá trong phát triển nông nghiệp giai đoạn mới của tỉnh gồm nhiều nội dung như: tạo sự đột phá trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ; áp dụng công nghệ cao trong sản xuất; xây dựng các chuỗi giá trị chế biến nâng cao giá trị cho nông sản… nhằm xây dựng nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Theo đó, mỗi địa phương cần xác định đâu là điểm đột phá, đổi mới, nguồn lực, lợi thế mà Đồng Nai đang có trong phát triển sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 5 năm tới để tập trung đầu tư.

* Sẵn sàng cho nền sản xuất lớn

Mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới là chuyển hướng sản xuất theo quy mô lớn, xây dựng được chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến thu hoạch, tiêu thụ. Trong đó, yêu cầu rất quan trọng là phải sản xuất theo nhu cầu không chỉ của thị trường nội địa mà phải đáp ứng tốt được tiêu chuẩn của thị trường các nước. Từ nhiều năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, xây dựng chuỗi liên kết.

Cụ thể, hiện toàn tỉnh có gần 1,2 ngàn ha cây trồng đạt chứng nhận GAP; có 105 mã số vùng trồng với diện tích gần 22 ngàn ha đối với 6 loại cây trồng gồm: chuối, mít, thanh long, xoài, chôm chôm, chanh và 41 mã số cơ sở đóng gói. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã xây dựng được 151 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ với 93 chuỗi trồng trọt, 52 chuỗi chăn nuôi, 2 chuỗi thủy sản, 4 chuỗi lâm nghiệp. Trong đó, có 17 dự án cánh đồng lớn được UBND tỉnh phê duyệt; 45 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận với 308 điểm bán các sản phẩm và 89 chuỗi được hình thành do các doanh nghiệp, HTX và nông dân chủ động thực hiện.

Góp ý để sản xuất nông nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi liên kết toàn cầu, ông Jos Leeters, Giám đốc Công ty Bureau Leeters (Hà Lan), chuyên gia đã thực hiện nhiều dự án trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam và khu vực châu Á cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu và nhiều hiệp định thương mại khác đã và sẽ được ký kết là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu. Điểm yếu cần khắc phục trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam là chưa xây dựng được chuỗi liên kết giữa sản xuất và các khâu trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là các khâu sau thu hoạch, hậu cần, logistics… Đây là lý do nông sản Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu vào những thị trường không quá khó tính như Trung Quốc.

“Để xuất khẩu tốt vào những thị trường khó tính như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản…, sản xuất trong nước phải tạo được chuỗi giá trị không chỉ đạt về chất lượng mà phải ổn định. Doanh nghiệp, nông dân phải chủ động tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của thị trường mình muốn thâm nhập chứ không phải là ngồi đó và bán cái mình có sẵn” - ông Jos Leeters nói. Đây cũng là hướng đi các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên chia sẻ, trong phát triển sản xuất, huyện đang nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn để nông sản của địa phương đủ điều kiện được đưa vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để có giá bán tốt hơn. Huyện chú trọng xây dựng các chuỗi du lịch nhà vườn, hình thành các mô hình sản xuất sạch thu hút khách tham quan với mục tiêu tăng giá trị nông sản an toàn. Ngoài ra, Xuân Lộc thu hút doanh nghiệp về đầu tư chế biến, xây dựng các vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến và xuất khẩu, góp phần không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân ở huyện thuần nông này.

 Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều