Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình hình mới

02:06, 29/06/2021

Trong tình hình tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, việc giữ vững và tiếp tục nâng cao tiêu chí số 10 về thu nhập - một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới - càng gặp nhiều khó khăn,...

Tiêu chí số 10 về thu nhập vẫn là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng như NTM nâng cao và kiểu mẫu. Trong tình hình tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, việc giữ vững và tiếp tục nâng cao tiêu chí này càng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Vườn chôm chôm của ông Lâm Phi Hùng tại xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) tham gia thí điểm gắn mã định danh cho cây trồng. Ảnh: B.Nguyên
Vườn chôm chôm của ông Lâm Phi Hùng tại xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) tham gia thí điểm gắn mã định danh cho cây trồng. Ảnh: B.Nguyên

Để ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới, nông dân càng quan tâm ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ để chủ động ứng phó với khó khăn.

* Đối mặt nhiều khó khăn

Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng nhiều địa phương của Đồng Nai vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế. Theo đó, nhiều địa phương tập trung chuyển đổi trong sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ, manh mún sang mô hình sản xuất với quy mô hàng hóa, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất. Cụ thể, trong trồng trọt, nhiều địa phương tập trung chuyển đổi từ vườn tạp, cây trồng cho lợi nhuận thấp sang các loại cây có giá trị kinh tế cao, hình thành các vùng chuyên canh sử dụng giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Nhiều địa phương tập trung phát triển sản xuất, mở rộng diện tích cây ăn trái cho lợi nhuận cao như: sầu riêng, bưởi, vùng chuyên canh chuối xuất khẩu… Trong đó, phát triển du lịch vườn, du lịch cộng đồng… được nhiều địa phương quan tâm vì tạo được giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp. 

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các hoạt động phát triển sản xuất, đặc biệt là đầu ra cho nông sản cũng như kinh doanh du lịch gặp nhiều khó khăn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của nông dân, nhiều địa phương gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Duy Khánh, chủ nhà vườn làm du lịch vườn tại xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) chia sẻ, năm nào đến vụ trái cây hè, các nhà vườn ở xã Bình Lộc đều thu hút rất đông lượng du khách về vui chơi, thưởng thức trái cây hè. Mô hình du lịch vườn giúp nông dân tăng thu nhập gấp nhiều lần so với cách làm vườn truyền thống. Tuy nhiên, vụ trái cây hè năm nay, nhiều nhà vườn làm du lịch hầu như vắng khách. Nông dân làm du lịch vườn lo thất thu vì trái chín đầy cây mà không tìm được nhân công thu hoạch, thương lái cũng không mặn mà thu mua vì thị trường tiêu thụ chậm.

Đề án số hóa cây chôm chôm Long Khánh thực hiện tại vườn của ông Lâm Phi Hùng ở xã Bình Lộc. Ảnh: Duy Tân
Đề án số hóa cây chôm chôm Long Khánh thực hiện tại vườn của ông Lâm Phi Hùng ở xã Bình Lộc. Ảnh: Duy Tân

Dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành trong cả nước vào thời điểm vụ trái cây hè đang rộ mùa thu hoạch khiến nhiều địa phương của tỉnh phải đối mặt với nỗi lo một vụ mùa thất bát. Hiện nay, nhiều mặt hàng trái cây hè đang đồng loạt rớt giá khi Đồng Nai bắt đầu xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

* Thay đổi trong sản xuất

Trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, HTX đã chủ động dự báo tình hình và tìm được giải pháp ổn định sản xuất, thậm chí tăng trưởng tốt trong điều kiện thị trường nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) cho hay, thời gian qua, thị trường xuất khẩu nông sản đối mặt không ít khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Để thích ứng với tình hình mới, ngay từ đầu năm 2021, HTX Thanh Bình đã chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường khó tính nhưng còn rất giàu tiềm năng là châu Âu. HTX cũng mạnh dạn mở rộng đầu tư xưởng chế biến, nhất là hệ thống kho lạnh bảo quản trái cây; đa dạng các sản phẩm chế biến để chủ động hơn về thị trường tiêu thụ. Ngay cả nông dân tại nhiều địa phương cũng đã chủ động điều chỉnh sản xuất, ứng dụng việc số hóa dữ liệu cây trồng nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng cũng như tiết kiệm chi phí nhân công và quản lý. Qua đó, tối ưu hóa giá trị gia tăng trên đất nông nghiệp, từ đó tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích đất sản xuất.

Trong thời điểm thị trường tiêu thụ nông sản gặp khó khăn vì dịch Covid-19, ông Lâm Phi Hùng, chủ vườn du lịch sinh thái Sáu Hùng (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) vẫn chủ động tham gia mô hình thí điểm định danh cho cây trồng. Đây là đề án Giải pháp lưu giữ, phát triển bền vững các giống cây ăn quả có chỉ dẫn địa lý của Long Khánh do UBND TP.Long Khánh triển khai nhằm tạo tiền đề để chính quyền địa phương số hóa dữ liệu trồng trọt trên địa bàn. Hiện nay, có 3 nhà vườn tại xã Bình Lộc đã tham gia thực hiện thí điểm gắn 280 mã QR trên cây trồng. Trong các mã QR này có thông tin chủ vườn, địa chỉ, số điện thoại, chủng loại giống và năng suất bình quân của mỗi loại cây, tọa độ, vị trí địa lý để định dạng, định vị cây trên Google Map. Sau khi hoàn thiện, chương trình sẽ cập nhật thêm các thông tin như: quy trình sản xuất, nhật ký canh tác và các thông tin khác phù hợp điều kiện sản xuất tại địa phương...

Việc định danh đến từng cây trồng cho phép người tiêu dùng dễ dàng truy xuất được nguồn gốc, chất lượng nông sản, giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý tốt việc trồng trọt tại địa phương. Cây trồng được gắn mã định danh sẽ giúp ích rất nhiều cho người nông dân trong quá trình chăm sóc và quản lý cây trồng; quản lý được diện tích trồng, số lượng cây trong vườn, đưa ra được quy trình chuẩn trong chăm sóc cây. Ngoài ra, định danh cây trồng còn giúp theo dõi lịch sử chăm sóc cây, cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều