Hiện đang vào mùa thu hoạch nhiều loại nông sản chủ lực của Đồng Nai. Mặc dù Trung ương, tỉnh, các doanh nghiệp và HTX đã vào cuộc bàn giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu nhưng đầu ra cho nông sản hiện vẫn còn chậm, giá giảm sâu.
Hiện đang vào mùa thu hoạch nhiều loại nông sản chủ lực của Đồng Nai. Mặc dù Trung ương, tỉnh, các doanh nghiệp và HTX đã vào cuộc bàn giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu nhưng đầu ra cho nông sản hiện vẫn còn chậm, giá giảm sâu.
Hơn 100ha thanh long chín đỏ ở H.Xuân Lộc chờ thương lái đến mua. Trong ảnh: Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại thanh long Xuân Hưng Nguyễn Văn Nga (phải) thăm vườn thanh long của xã viên. Ảnh: L.AN |
Đầu tư cho công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh; sản xuất gắn với tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro là vấn đề đặt ra cho tiêu thụ sản phẩm nông sản hiện nay.
* Nông sản tiêu thụ chậm, giá rẻ
Với diện tích 26ha, gia đình anh Hoàng Quốc Đạt là một trong những hộ trồng chuối lớn nhất trên địa bàn xã Thanh Bình (H.Trảng Bom). Thời điểm trước tháng 3-2021, việc tiêu thụ chuối của gia đình anh Đạt khá thuận lợi. Thương lái vào tận vườn đặt cọc với giá hơn 6 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng nay, mỗi ngày anh Đạt phải nghe ngóng xem các chủ kho còn nhu cầu mua chuối, số lượng và giá cả rồi gọi họ đến vườn thăm và chốt giá. Mức giá tốt nhất mà anh Đạt chốt được với chủ kho vào đầu tháng 6 này là hơn 4 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, anh Đạt lỗ khoảng 2 ngàn đồng/kg chuối.
Thời gian này, ông Nguyễn Văn Nga (xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) như ngồi trên lửa, bởi ông đã gọi điện “cầu cứu” nhiều mối thu mua thanh long ở trong và ngoài tỉnh nhưng người thì từ chối, người không nghe máy. Gần 3ha thanh long, tương đương 20 tấn quả đang có nguy cơ “ế”.
Ông Nga cho biết, thanh long đã đến kỳ thu hoạch nhưng giá rất rẻ, không có người mua. Hiện thương lái mua xô (không phân loại) với giá 5 ngàn đồng/kg, còn phân loại thì 10 ngàn đồng/kg nhưng chỉ bán được khoảng phân nửa, còn lại nông dân phải tự tiêu thụ với giá 1-2 ngàn đồng/kg.
Các loại nông sản chủ lực khác như: xoài, mít, bưởi cũng tương tự; đến kỳ thu hoạch nhưng tiêu thụ chậm, nông dân phải bán rẻ. Ông Nguyễn Văn Thuật, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Hàm (H.Trảng Bom) cho biết, ông có 2ha bưởi da xanh. Do bưởi của gia đình ông trồng đã có chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP nên tiêu thụ cũng dễ. Trung bình mỗi tháng ông thu hoạch khoảng 3 tấn bưởi, bán với giá khoảng 25 ngàn đồng/kg. Nhưng hơn 1 tháng nay không có thương lái đến mua, nếu có chỉ thu hoạch vài tấn/đợt; số còn lại ông phải tự tiêu thụ ở chợ.
Ông Lê Thành Quân, chủ vựa trái cây ở xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) cho biết, sau Tết Nguyên đán 2021, giá mít Thái lá bàng được vựa mua vào từ 8-10 ngàn đồng/kg tùy loại; mỗi ngày vựa bán ra khoảng 10 tấn. Gần 1 tháng nay, mặc dù loại quả này chỉ còn 2-3 ngàn đồng/kg, nhưng mức tiêu thụ giảm xuống chỉ còn khoảng 2 tấn/ngày.
* Nguồn cung tăng nóng
Thời gian gần đây, giá nông sản giảm sâu là do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là diện tích một số loại cây tăng nhanh dẫn đến cung vượt quá cầu. Thời điểm này là mùa thu hoạch nhiều loại trái cây nên thị trường tiêu thụ bị chia nhỏ. Câu chuyện giá cả và đầu ra nông sản đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, đó là: liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, dự báo và dự đoán thị trường; quản lý diện tích cây trồng, đầu tư cho công nghiệp chế biến để gia tăng giá trị.
Là địa phương có gần 4 ngàn ha chuối, chiếm khoảng 50% diện tích chuối toàn tỉnh nhưng H.Trảng Bom xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ chuối. Theo chia sẻ của lãnh đạo địa phương, vài năm trở lại đây, cây chuối có thể mang lại lợi nhuận
400-600 triệu đồng/ha/năm nên nhiều nông dân chủ động chặt bỏ các loại cây như: chôm chôm, bưởi, tiêu để chuyển sang trồng chuối. Cũng một vài đơn vị chế biến và xuất khẩu về địa phương đặt vấn đề xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ chuối, nhưng do các kho, vựa đang hoạt động tại địa phương có nguồn tài chính mạnh sẵn sàng trả giá cao hơn, có hệ thống kho lạnh, có đối tác tiêu thụ nên các đơn vị thu mua số lượng nhỏ và vừa khó tiếp cận.
Những ngày qua, nhiều nông dân ở xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) đang cưa bỏ cây xoài ba mùa mưa với ý định chuyển đổi sang cây trồng khác. Theo người dân, trước đây dù có rớt giá, nông dân vẫn bán được từ 2-3 ngàn đồng/kg xoài tại vườn. Nhưng khoảng 2 tháng trở lại đây, xoài chín rụng đầy gốc mà không có thương lái đến mua, nông dân buộc phải cưa bỏ để đỡ hư đất. Không chỉ buồn vì thiệt hại về kinh tế, công chăm sóc, tới đây trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả trên đất trồng xoài cũng là nỗi lo của bà con.
Trên thực tế, thời gian qua, nhất là trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân đã có hướng đi mới trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đó là chuyển sang sản xuất sạch để đưa sản phẩm vào các chuỗi bán hàng, xuất khẩu tươi và sơ chế, chế biến nông sản. Việc thay đổi này bước đầu đã góp phần làm gia tăng giá trị cho nông sản, đem lại lợi nhuận cho các bên. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (H.Cẩm Mỹ) đông lạnh múi sầu riêng tươi bán trong nước và xuất khẩu; HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom) ngoài xuất khẩu chuối tươi còn thu mua chuối dạt, thái lát, sấy khô xuất khẩu...
Chia sẻ về câu chuyện đầu ra cho nông sản, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại thanh long Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) Nguyễn Văn Nga cho rằng, hạn chế trong tiêu thụ thanh long của HTX hiện nay là không có kho lạnh để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. “Thanh long chín có thể “neo” tại vườn được 1 tuần. Sau khi cắt, có thể giữ trong kho lạnh được thêm 1 tháng. Địa phương có gần 1 ngàn ha thanh long, đã thành lập HTX nhưng lại chưa bố trí được quỹ đất để chúng tôi đầu tư kho lạnh. Những lúc như thế này, nếu có kho lạnh, giá thanh long sẽ đỡ thê thảm hơn” - ông Nga chia sẻ. |
Lê An