Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp về vùng sâu, vùng xa tuyển lao động

03:06, 03/06/2021

Với đặc thù là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, có nhiều cư dân ngoại tỉnh về cư trú, làm việc, trong những năm qua tỉnh Đồng Nai đã tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động khắp cả nước.

Với đặc thù là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, có nhiều cư dân ngoại tỉnh về cư trú, làm việc, trong những năm qua tỉnh Đồng Nai đã tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động khắp cả nước.

Thiếu hụt lao động cạo mủ đang là nỗi lo của ngành Cao su Đồng Nai. Ảnh: V.Gia
Thiếu hụt lao động cạo mủ đang là nỗi lo của ngành Cao su Đồng Nai. Ảnh: V.Gia

Hiện nay, do nhiều tỉnh, thành cũng đang phát triển khu công nghiệp (KCN) nên nguồn bổ sung lao động ngoại tỉnh cho các doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai ngày càng khan hiếm, trong khi lao động tại chỗ lại ít. Điều này gây ra những khó khăn khi DN muốn mở rộng quy mô sản xuất và buộc họ phải tìm nhiều cách để thu hút lao động, thậm chí cử người đi đến các tỉnh, thành miền núi, vùng sâu, vùng xa để tuyển dụng.

* Nguy cơ thiếu hụt lao động tại chỗ

Dù bị tác động tiêu cực chung bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 song theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, các DN trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh và có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn. Đây là tín hiệu vui và cơ hội để người lao động xin được việc làm phù hợp giữa thời điểm khó khăn do dịch bệnh. Các DN có nhu cầu tuyển dụng hoạt động ngành nghề đa dạng như: sản xuất chế biến gỗ, giày da, điện tử, may mặc, cơ khí…

Tuy nhiên, có một thực tế là qua khảo sát, nhiều DN mở rộng quy mô sản xuất nên số lượng tuyển dụng lên tới hàng ngàn người, nhưng việc tuyển dụng rất khó khăn. Một phần do nguồn lao động bổ sung từ các địa phương miền Bắc, miền Trung không còn nhiều như trước, bởi hiện nay các địa phương này đã phát triển nhiều KCN nên lao động sẽ ở lại địa phương, dù mức lương có thấp hơn nhưng lại được ở gần nhà, ít phải chịu cảnh di chuyển xa, nhất là vào dịp lễ, tết.

Trong khi đó, Đồng Nai với lợi thế là tỉnh phát triển công nghiệp và có nhiều dự án hạ tầng, dịch vụ nên cơ cấu kinh tế đa dạng. Giới trẻ của địa phương có điều kiện tìm kiếm các ngành nghề dịch vụ mang lại thu nhập cao hơn hoặc tự đứng ra khởi nghiệp, tạo dựng cơ sở của mình. Do đó, lao động tại chỗ của địa phương, ngay cả những lao động giản đơn cũng không còn mặn mà với những ngành nghề sử dụng nhiều nhân công như: dệt may, da giày nên các công ty hoạt động trên lĩnh vực này ngày càng khó tuyển người hơn.

Là một trong những đơn vị có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động của ngành Cao su, theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai, những năm qua, lực lượng lao động trong ngành ngày càng giảm sút. Một mặt do diện tích, cơ cấu vườn cây khai thác thu hẹp, mặt khác là do sự phát triển nhanh chóng của các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nên sự cạnh tranh thu hút lao động tăng lên, nhất là đối với lực lượng công nhân cạo mủ.

Theo nhiều DN, về lâu dài tình trạng thiếu hụt lao động trên địa bàn Đồng Nai sẽ có thể tiếp tục tiếp diễn. Với nhiều KCN đã và đang được bổ sung mới có diện tích lên tới gần 6,5 ngàn ha đất thì số lượng DN mới thành lập, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ ngày càng tăng. Đó là chưa kể nhiều DN, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các KCN hiện hữu vẫn đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Điều này đòi hỏi bài toán cân đối lao động, tạo nguồn nhân sự cho hoạt động của các DN trong tương lai cần phải tính tới, trong đó có vai trò định hướng, sắp xếp từ chính quyền địa phương bên cạnh sự nỗ lực của từng DN.

* Về các địa phương để tuyển người

Tình trạng thiếu hụt lao động tiếp tục diễn ra hằng năm, tuyển dụng nhân công tại chỗ khó nên Tổng công ty Cao su Đồng Nai phải tìm nguồn lao động từ các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh và các tỉnh, thành khác để bù đắp vào số lượng lao động thiếu hụt. Riêng năm 2020, tổng công ty đã tuyển dụng bổ sung 250 lao động vào lực lượng thiếu hụt.

Tương tự, nhiều DN tại các KCN của Đồng Nai để đáp ứng việc mở rộng sản xuất cũng tỏa đi các địa phương tuyển dụng lao động. Công ty CP Taekwang Vina Industrial (KCN Biên Hòa 2) cử người về các vùng sâu, vùng xa của 14 tỉnh, thành đông dân săn đón. Đây cũng là giải pháp mà Công ty TNHH PouSung Việt Nam (KCN Bàu Xéo, H.Trảng Bom) áp dụng. Với nhu cầu tuyển hàng ngàn lao động sắp tới, công ty sẽ về các vùng xa hơn, tới những địa phương chưa phát triển công nghiệp để tuyển dụng công nhân. Bên cạnh đó, sự đãi ngộ cho công nhân cũng được tính toán đến để giữ chân người lao động với những đòi hỏi không quá khắt khe.

Với Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 5), nhiều chế độ phúc lợi rất thiết thực dành cho người lao động đang được áp dụng như: đưa rước miễn phí nhiều tuyến nội tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, xe đưa rước công nhân về quê đón Tết miễn phí, thưởng Tết và thưởng năng suất 150% lương cơ bản cùng nhiều phúc lợi khác.

Theo ông Trương Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai, người lao động, nhất là công nhân cạo mủ cao su làm việc tại đơn vị sẽ được hỗ trợ chỗ ở miễn phí đồng thời có các chế độ phúc lợi khác như thưởng năng suất, sáng kiến sáng tạo… DN luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất để người lao động xem đơn vị là nhà, là quê hương thứ 2 để giữ họ ở lại.

Không chỉ các DN lớn, DN FDI trong KCN mà tại các DN dân doanh trên địa bàn tỉnh, thu hút và giữ chân người lao động đang là nhiệm vụ bắt buộc. Chị Trịnh Thị Uyên Phương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phương Sinh (TP.Biên Hòa) cho biết với 2 nhà máy sản xuất gỗ, người lao động trong công ty sẽ được thụ hưởng những chính sách tốt và có cơ hội thăng tiến khi gắn bó cùng DN. Công ty đang cần tuyển thêm 150 lao động nhưng hiện vẫn chưa đủ.

Văn Gia

 

Tin xem nhiều