Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

11:06, 28/06/2021

Đến cuối tháng 6-2021, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh khá chậm, chỉ đạt 25,2% kế hoạch năm. Từ nay đến ngày 30-9-2021, nếu các công trình, dự án không giải ngân đạt 60% kế hoạch năm, nguồn vốn sẽ bị điều chuyển sang dự án khác...

Đến cuối tháng 6-2021, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh khá chậm, chỉ đạt 25,2% kế hoạch năm. Từ nay đến ngày 30-9-2021, nếu các công trình, dự án không giải ngân đạt 60% kế hoạch năm, nguồn vốn sẽ bị điều chuyển sang dự án khác. Vì thế, các chủ đầu tư phải chạy nước rút để đảm bảo tiến độ giải ngân.

Trung tâm Dịch vụ hành chính công TP.Biên Hòa trên đường Võ Thị Sáu đã thi công 90% nhưng chưa làm xong thủ tục để giải ngân
Trung tâm Dịch vụ hành chính công TP.Biên Hòa trên đường Võ Thị Sáu đã thi công 90% nhưng chưa làm xong thủ tục để giải ngân. Ảnh: Hương Giang

Theo Sở KH-ĐT, năm 2021, tổng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh được phân bổ hơn 19,14 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương gần 9,7 ngàn tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đến giữa tháng 6-2021 đạt 27,4% kế hoạch; vốn ngân sách địa phương gần 9,5 ngàn tỷ đồng, giải ngân đạt 23% kế hoạch.

* Nhiều vướng mắc lớn

Lâu nay, tại Đồng Nai, việc giải ngân vốn đầu tư công trong 2 quý đầu năm thường rất chậm, bắt đầu từ quý III trở đi các đơn vị mới “tăng tốc” để đảm bảo kế hoạch năm. Từ đầu năm 2021 đến nay, một số nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công thấp là nhà thầu “ôm” quá nhiều công trình, không đủ lực thực hiện đúng tiến độ; các tháng đầu năm 2021, chủ đầu tư tập trung giải ngân vốn ứng cuối năm 2020, chậm hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và hồ sơ để tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài, chủ đầu tư không thể thi công dự án; sau khi ký hợp đồng thi công dự án, chủ đầu tư chưa theo dõi đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ và giải ngân.

Tính đến ngày 17-6, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.Biên Hòa đạt dưới 10% kế hoạch năm. Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho biết: “Công tác giải ngân vốn đầu tư công ở TP.Biên Hòa thấp là do các công trình gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, vì liên quan đến các trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp. Nhiều công trình tư vấn, khảo sát, thiết kế không đảm bảo dẫn đến không thi công được phải dừng lại để xử lý. Thời gian qua, giá vật liệu xây dựng tăng cao cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đơn vị đầu tư vì phải tính toán, bổ sung vốn cho dự án”.

Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Trần Nam Biên cho hay: “Kết quả giải ngân của H.Định Quán chậm là do nhiều dự án khởi công vào cuối năm 2020 nên những tháng đầu năm 2021 còn đang làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn các công trình, dự án trên địa bàn huyện yếu dẫn đến khi thi công dự án phải mất thời gian điều chỉnh lại. Việc phối hợp giữa các phòng, ban, sở, ngành chưa tốt nên những vướng mắc trong công trình, dự án chưa được kịp thời tháo gỡ, tiến độ kéo dài ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân”.

Bên cạnh đó, các quy định về đất đai đang có những bất cập khiến cho việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bồi thường, thu hồi đất cho dự án chưa được người dân đồng tình. Có những công trình chỉ vì một vài hộ không đồng ý giao đất nên không thể triển khai, kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng phát triển kinh tế của địa phương.

Theo ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, năm 2021, Ban được tỉnh bố trí vốn đầu tư công hơn 1,9 ngàn tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 6-2021, khả năng chỉ giải ngân được gần 22%. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng khâu bồi thường giải phóng mặt bằng, trong đó có nhiều dự án trọng điểm như: cầu Vàm Cái Sứt; hương lộ 2; trùng tu tôn tạo đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh; nâng cấp đường tỉnh 763; chống ngập khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa, suối Cầu Quan...

* Không giải ngân nhanh sẽ điều chuyển vốn

Giải ngân vốn đầu tư công được xem là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. Bởi, phần lớn các công trình, dự án đầu tư công thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, nếu hoàn thành đúng tiến độ đưa vào khai thác sẽ tạo ra các đột phá trong phát triển kinh tế. Ngược lại, giải ngân vốn đầu tư công chậm đồng nghĩa với việc công trình, dự án thi công kéo dài. Do đó, Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành tới ngày 30-9-2021 phải giải ngân các dự án đạt 60% kế hoạch năm để cuối năm đạt 95%.

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà nhấn mạnh: “Trong vòng 3 tháng tới, các chủ đầu tư dự án phải tìm các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo đúng quy định. Đến ngày
30-9-2021, các dự án không giải ngân được 60% kế hoạch năm thì nguồn vốn bố trí trong năm nay sẽ được điều chuyển sang những công trình, dự án khác đang chờ vốn”.

Các năm trước, chủ đầu tư dự án thường dồn đến cuối năm mới hoàn tất thủ tục để giải ngân và trường hợp không kịp thì tạm ứng, đầu năm sau thực hiện giải ngân. Tuy nhiên, năm nay sẽ bị siết tiến độ, buộc các chủ đầu tư phải thực hiện công tác giải ngân kịp thời.

Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh Đỗ Chánh Quang cho hay: “Thành phố đang gấp rút giải quyết những vướng mắc của các công trình, dự án để trong quý III-2021 có thể đẩy nhanh công tác thi công, giải ngân theo đúng quy định. Dự tính đến cuối năm 2021, TP.Long Khánh sẽ đảm bảo giải ngân trên 95% kế hoạch năm”.

Nhiều sở, ngành, địa phương cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay chậm còn do phối hợp giữa các đơn vị thực hiện dự án chưa tốt, dẫn đến nhiều thủ tục kéo dài thời gian giải quyết. Công tác chọn đơn vị tư vấn chưa kỹ, nhiều đơn vị năng lực kém làm nhiều dự án phải dừng lại để điều chỉnh.

Để đảm bảo tiến độ giải ngân, tại cuộc họp về giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chỉ đạo Sở KH-ĐT rà soát lại các đơn vị tư vấn xem năng lực có đáp ứng được yêu cầu của dự án hay không để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, giao Sở TN-MT hướng dẫn các địa phương thực hiện nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, những vướng mắc liên quan đến chính sách đề xuất với UBND tỉnh để kiến nghị Chính phủ tháo gỡ. Các địa phương chủ động làm trước các khu tái định cư cho những dự án sắp triển khai để khi dự án được bố trí vốn có thể rút ngắn thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Như vậy, công tác giải ngân sẽ thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều