Báo Đồng Nai điện tử
En

Những đối tác sản xuất công nghiệp lớn của Đồng Nai

03:05, 11/05/2021

Hiện có 4 quốc gia có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất công nghiệp của Đồng Nai là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Các nước trên chiếm hơn 52% kim ngạch xuất nhập khẩu sản phẩm (cả đầu vào lẫn đầu ra) trong sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Hiện có 4 quốc gia có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất công nghiệp của Đồng Nai là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Các nước trên chiếm hơn 52% kim ngạch xuất nhập khẩu sản phẩm (cả đầu vào lẫn đầu ra) trong sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu vào Hoa Kỳ, Hàn Quốc tại Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu vào Hoa Kỳ, Hàn Quốc tại Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai

* Thị trường xuất khẩu chủ lực

Mặc dù sản phẩm công nghiệp của Đồng Nai đã bán sang hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng 4 thị trường gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là những thị trường chủ lực, chiếm hơn 52% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Tính trong 4 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu vào 4 thị trường trên gần 4 tỷ USD. Trong đó, chủ yếu là giày dép; sản phẩm gỗ; dệt may; xơ sợi dệt; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng; máy tính, điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng.

Vì có giao thương lớn với tỉnh trên lĩnh vực kinh tế, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm vị trí rất quan trọng trong phát triển sản xuất công nghiệp tại Đồng Nai. Do đó, khi những thị trường này, có “sóng gió”, biến động sẽ tác động lớn đến hàng loạt DN. Đơn cử như năm 2020, xảy ra đại dịch Covid-19, từ tháng 2-5, thị trường xuất nhập khẩu của tỉnh gần như bị tê liệt với hàng trăm DN có vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bị ảnh hưởng nặng nề. Bắt đầu là thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp, tiếp đến là đầu ra bị ngưng trệ do nhiều đơn hàng phải tạm dừng.

Ông Peter Wu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) chia sẻ: “Công ty chuyên sản xuất các thiết bị máy móc, chủ yếu xuất khẩu vào Nhật Bản. Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 vào cao điểm, hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này giảm 20-30%. Đến tháng 7-2020, xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản dần hồi phục. Để đảm bảo doanh thu, việc làm cho người lao động, công ty đã mở thêm xưởng sản xuất thiết bị y tế cung ứng cho đối tác ở Hoa Kỳ”.

Trong nhiều năm trở lại đây, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai, có kim ngạch chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với tỷ lệ gần 11%, Nhật Bản xếp thứ ba với gần 9%.

Bà Phan Thị Thanh Trúc, Phó tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam thuộc Khu công nghiệp Biên Hòa 1 cho biết: “Trên 90% sản phẩm gỗ của Nhất Nam bán qua Hoa Kỳ và mỗi năm đều có mức tăng trưởng khá. Thị trường này có nhu cầu rất lớn nên DN có thể ký kết các đơn hàng lâu dài, song cũng khá rủi ro nếu xảy ra biến cố”.

* Chi phối nhiều đến sản xuất

Tại Đồng Nai, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp có đến 40-70% phải nhập khẩu từ các nước (tùy theo từng đơn hàng), nhiều nhất từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2021, các DN trên địa bàn tỉnh đã nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc gần 1,5 tỷ USD, chiếm trên 24% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh. Ngoài ra, nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc 900 triệu USD, Hoa Kỳ 520 triệu USD, Nhật Bản hơn 500 triệu USD. Mặt hàng Đồng Nai mua nhiều từ những nước trên là bông, vải, nguyên phụ liệu cho ngành Dệt may, Giày dép, Máy móc thiết bị cho sản xuất công nghiệp, hóa chất, chất dẻo, sắt thép, kim loại...

Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, Hàn Quốc phải đóng cửa để cách ly đã làm cho chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào ở Việt Nam cũng như Đồng Nai bị thu hẹp. Do đó, sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng lớn, các DN buộc phải tìm thêm nguồn nguyên liệu trong nước và các nước khác. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu từ các nước khác về mẫu mã chưa đa dạng, giá khá cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của DN.

Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai cho hay: “Nguyên liệu cho ngành May mặc phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc khá nhiều, vì thế khi thị trường này gặp khó khăn do dịch bệnh, nguồn cung bị hạn chế, nhiều DN trong ngành Dệt may bị thiếu nguyên liệu. Đặc biệt là những DN nhỏ, vốn nguyên liệu đầu vào dự trữ được ít, nguồn cung chỉ cần đứt đoạn trong 1-2 tháng là sản xuất bị ngưng trệ”. Cũng theo ông Kích, khi chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào từ Trung Quốc, Hàn Quốc thiếu hụt, công ty chuyển sang tìm nguyên liệu trong nước và các nước khác. Nhưng thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19 trên diện rộng, việc tìm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất không dễ dàng.

Theo bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (Bộ Công thương), xuất nhập khẩu chỉ tập trung ở một vài thị trường lớn khi xảy ra biến cố sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến sản xuất trong nước. Do đó, nhiều năm qua, Cục Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ các DN ở các tỉnh, thành trong cả nước mở rộng giao thương với nhiều nước trên toàn cầu. Đồng thời, khuyến khích các DN tìm nguồn nguyên liệu trong nước để đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, khai thác tốt các lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực.

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều