Báo Đồng Nai điện tử
En

Giá nguyên liệu leo thang, doanh nghiệp gặp khó

04:05, 12/05/2021

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp tăng cao từ 20-50% khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Bên cạnh đó, đầu ra của sản phẩm chưa tăng tương xứng, DN trên địa bàn tỉnh buộc phải thu hẹp lợi nhuận.

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp tăng cao từ 20-50% khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Bên cạnh đó, đầu ra của sản phẩm chưa tăng tương xứng, DN trên địa bàn tỉnh buộc phải thu hẹp lợi nhuận.

Sản xuất pin, ắc quy xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2
Sản xuất pin, ắc quy xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2. Ảnh: H.GIANG

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 4 tháng đầu năm 2021, các DN Đồng Nai chi khoảng hơn 6,34 tỷ USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, tăng gần 36% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu tăng cao, một phần là do giá các nguyên liệu đầu vào liên tục leo thang.

* Tiếp tục “vượt sóng”

Hơn 4 tháng nay, giá nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất đều tăng rất cao. Nhiều DN cho rằng, trong vòng hơn 1 năm phải đối mặt với hai cơn sóng lớn là đại dịch Covid-19 và giá nguyên liệu leo thang. Trong đó, có những DN may mắn đàm phán được với phía đối tác mua hàng tăng giá sản phẩm tương ứng, nhưng cũng có DN chỉ điều chỉnh tăng nhẹ nên lợi nhuận bị thu hẹp hoặc chỉ huề vốn. Nguyên nhân khiến cho giá nguyên liệu đầu vào tăng cao là do thiên tai, dịch bệnh và nhiều DN các nước khôi phục sản xuất cần nguồn cung đầu vào lớn.

Theo Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay, các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng cao. Cụ thể như: bắp, các nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, xăng dầu cũng tăng sẽ kéo theo chi phí cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp sẽ tăng.

Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Rohm and Hass Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dow của Hoa Kỳ) ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 cho biết: “Công ty phải nhập một số nguyên liệu đầu vào từ khu vực Trung Đông, Thái Lan để sản xuất các loại hóa chất bán cho DN trong nước và xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, nguồn nguyên liệu tăng từ 20-40% và nguồn cung bị hạn chế, dẫn đến sản xuất cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, phía công ty may mắn là thương lượng được với khách hàng tăng giá sản phẩm tương xứng, vẫn đảm bảo được hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

Hiện nay, nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp ở Đồng Nai phải nhập khẩu từ 40-70% (tùy theo đơn hàng). Nguồn hàng nhập khẩu chính từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Đông, ASEAN. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu mua ở trong nước cũng tăng vì vật tư đầu vào cho sản xuất cũng bị đội giá.

Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) đánh giá: “Giá cao su, hóa chất, hạt nhựa, giấy... tăng từ 30-51% so với cùng kỳ năm 2020 đã đẩy giá thành của sản phẩm những mặt hàng phải sử dụng các nguyên liệu trên tăng thêm rất lớn. Đồng thời, lương cho lao động cũng tăng 10%/năm, trong khi nhiều đối tác mua hàng chỉ chấp nhận tăng giá sản phẩm thêm 7-10%. Do đó, DN buộc phải tính toán lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp mới tồn tại và phát triển được”.

* Thêm áp lực cho sản xuất công nghiệp

Các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp chưa có dấu hiệu giảm, sẽ tiếp tục tạo ra áp lực lớn với DN vì Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguồn hàng đầu vào. Hiện các nhóm hàng chủ lực của Việt Nam cũng như Đồng Nai là dệt may; giày dép; sản phẩm gỗ; máy tính, linh kiện điện tử; chế biến; chế tạo hơn một nửa nguyên liệu phải nhập khẩu nên sản xuất sẽ phụ thuộc rất lớn vào giá cả nguyên liệu. Các DN khi đàm phán ký kết hợp đồng với các khách hàng cũng lo lắng vì chưa biết giá nguyên liệu sẽ biến động như thế nào. Những DN có vốn, mua được nguồn hàng dự trữ đủ cho sản xuất 4-6 tháng sẽ bớt rủi ro hơn.

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bao bì Ngọc Thanh Phước (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Để đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh, công ty thường mua nguyên liệu dự trữ trong 5-6 tháng nên có thể yên tâm ký hợp đồng với khách hàng trong và ngoài nước với số sản phẩm tương ứng. Nếu không có vốn mua dự trữ nguyên liệu, khi giá cả biến động tăng cao DN sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro”. Với những DN nhỏ, siêu nhỏ rất khó có đủ vốn để dự trữ nguyên liệu trong thời gian dài. Phần lớn các DN khi có được đơn đặt hàng mới mua nguyên liệu và chỉ dự trữ từ 1-2 tháng.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hơn 4 tháng đầu năm nay, DN ngành dệt may chịu áp lực căng thẳng về nguyên liệu đầu vào vì giá bông, sợi, vải và những phụ liệu khác đều tăng phi mã. Dự báo năm 2021, thế giới sẽ thiếu hụt 1 triệu tấn bông do nhu cầu tăng cao và bông là nguyên liệu chính cho ngành dệt may nên nguyên liệu cho ngành này rất khó giảm trong thời gian tới. Như vậy, ngành dệt may trong nước khả năng còn đối mặt với khó khăn đến cuối năm.

Hiện nay, nhiều DN ngành gỗ, chế biến, giày dép... ở Đồng Nai không dám nhận đơn hàng dài hạn cho cả năm vì lo ngại biến động chi phí đầu vào có thể còn tiếp tục tăng.

Hương Giang

Tin xem nhiều