Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Trong "nguy" có "cơ"

04:05, 07/05/2021

Đại dịch Covid-19 được các chuyên gia kinh tế ví von như một sự kiện "thiên nga đen" (không thể dự đoán và có tác động sâu rộng), gây khó khăn chung cho nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại...

[links()]Đại dịch Covid-19 được các chuyên gia kinh tế ví von như một sự kiện “thiên nga đen” (không thể dự đoán và có tác động sâu rộng), gây khó khăn chung cho nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại... Đây vừa là thách thức, khó khăn nhưng cũng vừa là cơ hội để các DN, start-up... nắm bắt thời cơ, tìm hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường và quá trình hội nhập.

Dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm đối với thị trường nội địa. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc tại Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (TP.Biên Hòa)
Dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm đối với thị trường nội địa. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc tại Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.GIANG

*  “Liệu cơm gắp mắm” trước những biến động

Trong thời gian qua, nhiều DN, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19, cũng như đẩy mạnh triển khai nhiều hình thức thu hút khách hàng mới, nhất là các hình thức trực tuyến.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh chịu nhiều tác động bởi dịch Covid-19, trong năm vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ DN vượt qua những khó khăn.

Ngày 4-3-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 11/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Đối với lĩnh vực thuế, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân... bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngoài ra, Chính phủ còn ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời, nhiều bộ, ngành cũng đã ban hành các quyết định, thông tư, công văn... nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, DN trước những khó khăn từ đại dịch Covid-19.

Ông Hà Vũ Bảo Giang, Giám đốc Công ty TNHH Nhượng quyền cà phê GT (TP.Biên Hòa) cho hay: “Sau khi trải qua nhiều khó khăn vì dịch Covid-19, hiện nay, các cửa hàng trong chuỗi Z! Café đã có kinh nghiệm ứng phó, thích nghi với tình hình hơn so với giai đoạn dịch mới bùng phát vào năm ngoái. Trong đó, công ty tăng cường kết nối với các ứng dụng giao hàng trực tuyến, chủ động áp dụng những chiến lược kinh doanh riêng tùy theo đặc thù, vị trí của từng cửa hàng...”.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19, nhiều DN trong nước đã chuyển hướng phát triển các dòng sản phẩm đối với thị trường nội địa có nhiều tiềm năng và lợi thế trong bối cảnh bình thường mới.

Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai
(TP.Biên Hòa) cho biết, khi hoạt động xuất khẩu của công ty chịu nhiều tác động bởi dịch Covid-19, công ty chủ động phát triển một số mặt hàng ở thị trường nội địa vốn có nhiều tiềm năng, góp phần duy trì hoạt động sản xuất của công ty. Cụ thể, từ giữa năm 2020, công ty đã phát triển mặt hàng đồ bảo hộ y tế, khẩu trang; ra mắt thêm áo khoác chống nắng, áo ấm dành cho thị trường nội địa...

Ông Lâm Minh Chánh, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Trường đào tạo Quản trị kinh doanh BizUni, đồng sáng lập nhóm Quản trị và khởi nghiệp với hơn 50 ngàn thành viên là các doanh nhân, nhà quản lý, start-up chia sẻ, các DN nhỏ và vừa, nhất là các DN chịu nhiều tác động trực tiếp từ dịch Covid-19 trong lĩnh vực vận tải, du lịch... cần tính toán các phương án tài chính phù hợp, trong đó có thể điều tiết, giảm tỷ lệ các khoản chi phí cố định và tăng các khoản chi phí biến đổi để phù hợp với tình hình thực tế.

* Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN

Tại Đồng Nai, ngay khi dịch Covid-19 xảy ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội bằng các chính sách về thuế, tín dụng, lao động, bảo hiểm xã hội...

Trong đó, ngành Thuế triển khai xem xét, thẩm định các hồ sơ của hộ kinh doanh thuộc đối tượng hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, xem xét các đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất... Ngành Hải quan triển khai các giải pháp hỗ trợ DN phù hợp với tình hình thực tế phát sinh, cũng như tổ chức hội nghị đối thoại với DN để lắng nghe, giải đáp những vướng mắc, kiến nghị của DN trong hoạt động xuất, nhập khẩu.

Dấu hiệu khởi sắc trong những tháng đầu năm 2021

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong quý I-2021, tổng vốn đăng ký thành lập mới DN và bổ sung tăng vốn trên địa bàn tỉnh là 30,9 ngàn tỷ đồng, tăng 458% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 680 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 11 ngàn tỷ đồng và 166 DN đăng ký tăng vốn với số vốn bổ sung 19,8 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, có 93 DN giải thể; 101 chi nhánh, địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động; 348 DN tạm ngừng kinh doanh.

Tính đến tháng 4-2021, nhiều DN, cơ sở kinh doanh các loại hình bán lẻ, dịch vụ như: vận tải, quán ăn, nhà hàng, du lịch... trên địa bàn tỉnh cho biết, tình hình kinh doanh có nhiều khả quan hơn sau khi dịch bệnh được kiểm soát khá tốt ở địa phương. Doanh thu của nhiều cơ sở, cửa hàng, DN đã phục hồi khoảng 60-80% so với khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Vào tháng 11-2020, Tháng Khuyến mãi Đồng Nai lần đầu tiên được tổ chức với hơn 430 chương trình khuyến mãi được thực hiện. Theo Sở Công thương, các DN trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng Tháng Khuyến mãi này thông qua việc triển khai những chương trình siêu ưu đãi, kích cầu tiêu dùng quy mô lớn, nhất là tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Ngoài ra, các hoạt động kết nối cung - cầu, đặc biệt thông qua hình thức trực tuyến... đã góp phần tạo đà phát triển cho ngành thương mại, dịch vụ trong điều kiện bình thường mới.

Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai chia sẻ, trước khó khăn của dịch bệnh, trong năm 2020, hầu hết các thành viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đã “bảo toàn lực lượng”, đảm bảo sản xuất, thu nhập cho người lao động. Hội đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động kết nối DN, chương trình cà phê doanh nhân với mục đích chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh...

Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có các gói tín dụng, phương án hỗ trợ các DN, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí... Ngoài ra, các tổ chức tín dụng trong tỉnh còn triển khai cho vay với lãi suất ưu đãi, doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến cuối tháng 3-2021 đạt hơn 132,5 ngàn tỷ đồng cho trên 29,6 ngàn khách hàng, lãi suất thấp hơn mức phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch Covid-19.

* “Bệ phóng” từ các FTA thế hệ mới

Trong vòng 1 năm qua, Việt Nam đã tham gia 3 hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số FTA mà Việt Nam đã ký kết lên con số 15. Đây là cơ hội lớn cho các DN mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh đổi mới công nghệ...

Nhiều doanh nghiệp tăng cường các hoạt động kết nối, giao thương, mở rộng thị trường trong nước. Trong ảnh: Các chủ thể OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của Đồng Nai giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại chương trình Kích cầu tiêu dùng tại năm 2020 tại TP.HCM. (Ảnh: Hải Quân)
Nhiều doanh nghiệp tăng cường các hoạt động kết nối, giao thương, mở rộng thị trường trong nước. Trong ảnh: Các chủ thể OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của Đồng Nai giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại chương trình Kích cầu tiêu dùng tại năm 2020 tại TP.HCM. (Ảnh: Hải Quân)

Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty CP Bibica (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cho biết, để đón đầu xu thế hội nhập, bên cạnh lộ trình chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, công ty còn chủ động đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị hiện đại, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch; chú trọng sử dụng nhiều loại hương liệu tự nhiên, nguyên liệu từ những đặc sản vùng miền trong cả nước. Điều này góp phần gia tăng giá trị hàng hóa, nâng cao tính thương hiệu và đặc trưng cho các sản phẩm của công ty.

Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương chia sẻ, nhằm giúp các DN nâng cao nhận thức về hội nhập, nhất là các FTA thế hệ mới, Sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về các FTA đa phương và song phương mà Việt Nam đã tham gia và ký kết. Đồng thời, Sở Công thương sẽ thường xuyên bám sát chương trình, kế hoạch, liên kết với website và cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương để cung cấp các thông tin cần thiết về xuất xứ hàng hóa, hàng rào kỹ thuật, pháp lý... của các FTA. Qua đó, giúp các DN trong tỉnh có thêm cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng, chuẩn bị điều kiện cần thiết để hội nhập và phát triển...

Hải Quân

Bài 3: Thời cơ để thich nghi, thay đổi và phát triển

Tin xem nhiều