Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Khai thác thế mạnh du lịch nông nghiệp, cộng đồng

10:05, 19/05/2021

Không chỉ có thế mạnh về hệ sinh thái rừng - hồ - thác, Đồng Nai còn là địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới. Ngoài sự thay đổi mạnh mẽ về cảnh quan nông thôn, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả ra đời như: mô hình vườn trái cây VietGAP, chuỗi liên kết sản xuất, các trang trại nông nghiệp chất lượng cao…

Không chỉ có thế mạnh về hệ sinh thái rừng - hồ - thác, Đồng Nai còn là địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới. Ngoài sự thay đổi mạnh mẽ về cảnh quan nông thôn, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả ra đời như: mô hình vườn trái cây VietGAP, chuỗi liên kết sản xuất, các trang trại nông nghiệp chất lượng cao…

Khách du lịch khám phá vườn dâu tại xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc). Ảnh: Thủy Mộc
Khách du lịch khám phá vườn dâu tại xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc). Ảnh: Thủy Mộc

Sự thay đổi ở khu vực nông thôn cùng với chất lượng nông sản tăng đã thúc đẩy dịch vụ du lịch vùng nông thôn phát triển. Nhiều mô hình du lịch sinh thái vườn, du lịch trải nghiệm làng quê, khám phá văn hóa cộng đồng bước đầu hình thành, một số sản phẩm được đánh giá chất lượng tốt, thu hút du khách về địa phương. Điều này nâng giá trị và vị thế cho nông sản địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân…

[links()]* Khám phá làng quê, cộng đồng nông thôn

Một trong những điểm du lịch khám phá làng quê Việt đang thu hút du khách trong thời gian gần đây là tour du lịch tại xã Phú Điền (H.Tân Phú). Với các hoạt động lội ruộng, leo núi, đạp xe quanh đồng đón ánh bình minh hay ngắm hoàng hôn, làng quê Phú Điền đã mang lại cho du khách hoàn toàn thư giãn cùng với những trải nghiệm thú vị khi tìm hiểu về đời sống, sinh hoạt của người dân vùng nông thôn.

Chị Nguyễn Thị Xuyên (TP.HCM), du khách lần đầu tiên đặt chân đến Phú Điền cho biết, gia đình chị thường xuyên đi du lịch trải nghiệm ở các vùng quê nhưng Phú Điền mang đến cho chị cảm nhận rất thú vị bởi những cánh đồng lúa xen lẫn ruộng hoa sen và những núi đá. Những hình ảnh về người dân trên chiếc thuyền nhỏ đi hái lục bình mưu sinh, những em nhỏ chỉ bằng tuổi con chị Xuyên cùng cha chèo thuyền đi bắt cá, bắt ốc phụ gia đình khi rảnh rỗi đã khiến chị Xuyên bồi hồi nhớ về tuổi thơ.

Khai thác thị trường khách du lịch nội tại

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, thu hút hàng trăm ngàn người dân từ nơi khác đến làm việc và sinh sống. Trong đó, số lượng công nhân lao động tập trung ở những vùng phát triển công nghiệp như: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành… Do đó, trong chiến lược phát triển của mình, đồng thời thu hút và đáp ứng nhu cầu của người dân, Đồng Nai tiếp tục chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch để thu hút lượng khách trong tỉnh và cả nước.

Khác với vùng đất lúa Phú Điền, các huyện Xuân Lộc, Long Thành, Vĩnh Cửu hay TP.Long Khánh, với thế mạnh là những vườn cây trái đặc sản như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... cũng đã trở thành những điểm đến du lịch thu hút khách từ khắp nơi đổ về. Trong số đó, nổi tiếng nhất phải kể đến các vườn trái cây tại xã Bình Lộc, P.Xuân Tân, Bảo Quang của TP.Long Khánh; vườn dâu da, măng cụt, sầu riêng ở các huyện Long Thành, Xuân Lộc... Ông Đỗ Anh Đức, chủ một khu câu cá giải trí trên địa bàn xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) cho biết, gần một năm nay, gia đình ông Đức đã sử dụng gần 1ha để làm vườn hoa, trang trí tiểu cảnh trên ao cá để phục vụ khách tham quan, chụp hình. Với giá vé 30 ngàn đồng/người, vườn hoa của gia đình ông mỗi ngày thu hút từ vài chục du khách. Sau khi chụp hình, ngắm hoa hoặc câu cá giải trí, khách có thể nghỉ ngơi tại chỗ và gọi các món ăn được chế biến từ nguyên liệu phần lớn được nuôi trồng tại nhà. Nhận thấy tiềm năng làm du lịch cho thu nhập khá, ông Đức dự kiến sẽ phát triển thêm diện tích trồng hoa, đa dạng thêm các loại cây ăn trái để có thể phục vụ khách quanh năm.

Đối với các mô hình du lịch cộng đồng, Đồng Nai đang có Làng dân tộc Tà Lài (xã Tà Lài, H.Tân Phú) là điểm du lịch cộng đồng hoạt động nhiều năm nay. Trước dịch Covid-19 xảy ra, Làng dân tộc Tà Lài thu hút rất đông khách du lịch quốc tế với điểm lưu trú là Nhà dài Tà Lài hoặc những khu nghỉ dưỡng khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên. Dù đang bị ảnh hưởng bởi dịch nhưng Làng dân tộc Tà Lài vẫn là điểm du lịch cộng đồng được du khách trong và ngoài nước quan tâm.

* Trào lưu làm du lịch sinh thái vườn

Du lịch sinh thái vườn là một trong những sản phẩm du lịch phát triển mạnh mẽ những năm gần đây. Hiện nay, mô hình này vẫn chưa có dấu hiệu ngừng mở rộng khi mà ngày càng nhiều nông dân thấy được giá trị kinh tế có được cao hơn nhiều so với làm nông thuần túy. Vào mùa trái cây, những điểm vườn tại các địa phương TP.Long Khánh, H.Xuân Lộc, H.Long Thành... thu hút hàng ngàn lượt khách từ các huyện, tỉnh, thành lân cận đến tham quan. Mô hình du lịch này đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và nâng cao giá trị nông sản cho người dân.

Điểm nổi bật nhất ở các vùng quê khi du lịch phát triển chính là ý thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường, tạo cảnh quan nông thôn. Điển hình như TP.Long khánh là địa phương phát triển mạnh mô hình du lịch sinh thái vườn nên nếp sống văn minh, ý thức người dân trong mọi hoạt động, sinh hoạt tăng lên đáng kể. Để duy trì trạng thái tích cực này, cũng như tạo điều kiện để du lịch phát triển, TP.Long Khánh đã duy trì tổ chức Hội thi vườn cây kiểu mẫu dành cho các nhà vườn kết hợp với lễ hội trái cây được tổ chức hằng năm. Qua đó, nhiều người dân đã hiểu được ý nghĩa cũng như những lợi ích kinh tế từ phát triển du lịch vườn nên nhà nhà tự có ý thức giữ gìn cảnh quan trong nhà cũng như ngoài ngõ, những tuyến đường làng luôn ngập sắc hoa. Nhờ làm du lịch, thu nhập của người nông dân đã tăng từ 30-50% so với sản xuất nông nghiệp thuần túy trước đây.

Du lịch là ngành xuất khẩu tại chỗ

Theo PGS-TS Nguyễn Công Hoan, Trường đại học Tài chính - marketing, du lịch được xem là ngành xuất khẩu tại chỗ. Du khách phải đến tận nơi để thưởng thức, trải nghiệm các sản phẩm và góp ý trực tiếp nếu sản phẩm đó chưa làm mình hài lòng. Đây là ngành kinh tế "tiền tươi thóc thật", du khách sẵn sàng chi tiền cho nhu cầu hưởng thụ của mình. Do đó, nếu địa phương có các sản phẩm tốt thì chắc chắn sẽ kéo được lượng khách đến để mua sản phẩm của mình.

Cùng với xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai hiện đang có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP, chuẩn OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3, 4 sao… nhiều vùng nông nghiệp đang sản xuất sạch theo hướng hữu cơ. Trong chiến lược phát triển du lịch thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục khuyến khích sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa để tiêu thụ, quảng bá gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại các khu du lịch Bửu Long và Thác Đá Hàn.

Nhận định về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, khi du lịch phát triển thì đây sẽ là kênh phân phối, bày bán các sản phẩm OCOP của địa phương thuận lợi hơn. Việc gắn kết giữa du lịch và nông nghiệp sẽ góp phần giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân chất lượng hơn. Cảnh quan nông thôn được duy trì và ngày càng được quản lý tốt hơn.

ThS Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn, người đã từng gắn bó lâu năm với ngành Du lịch Đồng Nai qua công tác giảng dạy, tập huấn kỹ năng du lịch cho nhiều địa phương trong tỉnh nhận định, nếu lấy TP.Biên Hòa làm trung tâm, bán kính trong vòng 50km tỏa ra các hướng, Đồng Nai có nhiều điểm có thể khai thác, phát triển du lịch rất thuận lợi. Tuy nhiên, đến nay Đồng Nai vẫn còn nhiều vấn đề nên xem xét đối với các chích sách phát triển du lịch của địa phương. Đặc biệt, đối với mô hình du lịch vườn cần có những quy hoạch bài bản, có sự hỗ trợ người dân làm du lịch, nhất là vấn đề vốn, các nguồn vay ưu đãi, đồng thời đưa ra những quy định về tiêu chuẩn đối với các sản phẩm du lịch để bảo đảm sự đồng bộ, quy củ trong quá trình hình thành các sản phẩm du lịch trong cộng đồng. 

Thủy Mộc

Bài 3: Làm sao để du lịch Đồng Nai “cất cánh”?

Tin xem nhiều