Báo Đồng Nai điện tử
En

Thị trường nội địa là bệ phóng để doanh nghiệp vươn ra thế giới

04:04, 05/04/2021

Với gần 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường nhiều tiềm năng để tiêu thụ hàng hóa do các doanh nghiệp (DN) sản xuất, phân phối. Đối với nhiều DN, thị trường nội địa là nơi họ phát triển năng lực sản xuất, chứng minh chất lượng sản phẩm trước khi vươn tầm ra thế giới.

Với gần 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường nhiều tiềm năng để tiêu thụ hàng hóa do các doanh nghiệp (DN) sản xuất, phân phối. Đối với nhiều DN, thị trường nội địa là nơi họ phát triển năng lực sản xuất, chứng minh chất lượng sản phẩm trước khi vươn tầm ra thế giới.

Một sản phẩm bánh kẹo thuộc chương trình OCOP của Đồng Nai đặt mục tiêu chinh phục thị trường khách du lịch trong nước. Ảnh: V.THẾ
Một sản phẩm bánh kẹo thuộc chương trình OCOP của Đồng Nai đặt mục tiêu chinh phục thị trường khách du lịch trong nước. Ảnh: V.THẾ

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra hơn 1 năm qua tác động tiêu cực đến xuất khẩu, nhiều DN có quy mô xuất khẩu lớn giờ đây cũng đã tính toán quay lại thị trường nội địa để hưởng ứng các giải pháp kích cầu của Nhà nước.

* Chú trọng thị trường nội địa

Đồng Nai là địa phương thuộc tốp đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp, nhất là các sản phẩm rau củ, cây ăn trái và sản phẩm chăn nuôi. Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chính vì vậy, nhiều DN sản xuất của Đồng Nai có sản phẩm OCOP đang nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ, trong đó có thị trường nội tỉnh và các địa phương lân cận như TP.HCM.

Bà Phạm Thị Bích Hà, đại diện Công ty TNHH Thương mại và sản xuất thực phẩm Sơn Lâm cho biết, sản phẩm chính của DN là các loại cà phê rang xay, cà phê hòa tan, trong đó, sản phẩm cà phê Halo68 hiện đã đạt chứng nhận OCOP của tỉnh. Trước đây, mỗi năm, DN xuất khẩu khoảng 1 ngàn tấn sản phẩm qua các thị trường Trung Quốc và Mỹ. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh tác động đến thị trường xuất khẩu, DN đang tính toán để tiêu thụ thêm sản phẩm tại thị trường nội địa. Để thực hiện điều này, DN mong muốn được tiếp cận các kênh phân phối trong nước, nhất là các siêu thị, hệ thống trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi. Qua đó, DN có thể mở rộng được thị phần, nâng cao sức cạnh tranh. “TP.HCM là thị trường lớn nhất cả nước nên DN đặt trọng tâm liên kết, mở rộng khâu phân phối tại thị trường này” - bà Phạm Thị Bích Hà cho biết.

Công ty TNHH Dương Đăng Phát là DN chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như các loại đinh vít, bù long, kim khí ngũ kim...

Ông Dương Hải Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Dương Đăng Phát cho biết, từ cuối năm 2020, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm của DN tại thị trường trong nước tăng cao. Do đó, hiện nay, công ty đang tích cực tăng ca sản xuất để đáp ứng nhu cầu của đối tác trong nước.

Tương tự, các DN trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ cũng đang hướng mạnh tới thị trường nội địa sau một thời gian dài tập trung cho xuất khẩu. Theo đánh giá, thị trường đồ gỗ trong nước hiện nay có giá trị thương mại hơn 4 tỷ USD và nhu cầu ngày một tăng cao do mức sống của cư dân đô thị, đặc biệt là những người trẻ được nâng lên.

Trước đây, nhiều DN trong ngành gỗ đã quan tâm đến việc chiếm lĩnh thị trường nội địa nhưng chưa thành công do cách tiếp cận cũ chưa thực sự hiệu quả, chỉ chú trọng đến yếu tố giá rẻ mà bỏ qua yếu tố mẫu mã. Song hiện nay, nhiều nhà sản xuất đồ nội thất Việt Nam đã bắt kịp nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của khách hàng, gia tăng hàm lượng chất xám bằng thiết kế riêng.

Ông Võ Quang Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai nhận định, chiến lược “kéo thế giới gỗ về Đồng Nai” là một trong những giải pháp trọng tâm mà hiệp hội thực hiện nhằm mục đích xây dựng chuỗi liên kết, sản xuất tiêu thụ đồ gỗ ở thị trường nội địa.

* Bệ phóng ra thế giới

Gầy dựng thương hiệu ở thị trường trong nước để vươn ra thế giới là giải pháp chung của nhiều DN trong bối cảnh thị trường bị tác động bởi đại dịch hiện nay.

Thời gian qua, Công ty CP Thực phẩm GC đã tiến hành đầu tư và nghiên cứu kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào nông nghiệp để cung cấp cho thị trường nhiều mặt hàng nông sản có giá trị, chất lượng cao.

Hiện nay, Công ty CP Thực phẩm GC cũng là DN sản xuất nông sản sạch đi đầu trong việc xây dựng chuỗi thực phẩm organic không chỉ cung cấp cho thị trường Việt Nam mà còn cả quốc tế. Công ty đã xây dựng 2 nông trại lớn Nắng và Gió, Cánh Đồng Việt tại tỉnh Ninh Thuận cùng nhà máy sản xuất nha đam, thạch dừa Vina Coco ở Đồng Nai góp phần đảm bảo nguồn cung thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Riêng đối với sản xuất thạch dừa, năm 2020, công ty đã sản xuất trên 4 ngàn tấn, trong đó 60% xuất khẩu sang thị trường các nước như Nhật Bản, Mỹ và đang bắt đầu thâm nhập vào châu Âu.

Theo lãnh đạo Công ty CP Thực phẩm GC, từ việc phát triển, chế biến nông sản, thực phẩm sạch, tạo chỗ đứng trên thị trường trong nước là bệ phóng để đưa hàng xuất ngoại. DN hiện là nhà sản xuất chế biến thạch nha đam lớn nhất Việt Nam. Thị trường trong nước đã có nhiều người tiêu dùng thông minh, biết cách lựa chọn cho mình những sản phẩm organic, an toàn thay vì chọn sản phẩm giá rẻ. Chính sự thay đổi tích cực về lựa chọn sản phẩm sạch là tiền đề và động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của nền nông nghiệp sạch Việt Nam trong tương lai.

Tương tự, các DN nhỏ và vừa đã “quen mặt” ở Đồng Nai như Nam Long, Trọng Đức, An Phú Thịnh, Tương Lai... cũng đi từng bước từ sản xuất nội địa rồi mới vươn ra xuất khẩu.

Sau khi khẳng định được tiếng nói ở thị trường nội địa, 2 năm trở lại đây, quy mô sản xuất găng tay bảo hộ lao động của Công ty CP An Phú Thịnh đã tăng lên rất nhiều. Ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty CP An Phú Thịnh chia sẻ, ngoài nhà máy chính ở H.Long Thành thì DN đã đầu tư mở rộng thêm một nhà máy ở tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, công ty cũng đã phối hợp với Tập đoàn Ô tô Trường Hải xây dựng nhà máy sản xuất găng tay ở khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Việc hợp tác với Trường Hải đã giúp tăng năng lực xuất khẩu của công ty.               

Vương Thế

Tin xem nhiều