Báo Đồng Nai điện tử
En

Khởi động dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương

04:04, 02/04/2021

Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (thuộc quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2030) có chiều dài 200km, khi đầu tư đủ tiêu chuẩn 4 làn xe, mặt cắt ngang 25m phải cần nguồn vốn đầu tư lên đến 65 ngàn tỷ đồng.

Hai đoạn đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú và Tân Phú - Bảo Lộc thuộc dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đã được cơ quan quản lý nhà nước để xuất phương án đầu tư.

Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương khi hoàn thành xây dựng sẽ kết nối hoàn chỉnh với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn thời gian đi lại giữa Tây nguyên với Đông Nam bộ. Ảnh: P.TÙNG
Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương khi hoàn thành xây dựng sẽ kết nối hoàn chỉnh với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn thời gian đi lại giữa Tây nguyên với Đông Nam bộ. Ảnh: P.TÙNG

* Đề xuất phương án đầu tư 2 đoạn cao tốc

Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương thuộc quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2030. Theo quy hoạch, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có chiều dài 200km, khi đầu tư đủ tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, mặt cắt ngang 25m phải cần nguồn vốn đầu tư lên đến 65 ngàn tỷ đồng.

Do tổng vốn đầu tư lớn, trong khi các cơ quan chức năng chưa tính toán được phương án đầu tư nên thời gian dự kiến khởi công ban đầu của dự án vào năm 2019 đã không thể thực hiện.

Để triển khai thực hiện dự án, Bộ GT-VT đã giao Ban Quản lý dự án Thăng Long tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần.

Tháng 10-2020, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã trình Bộ GT-VT phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Dự kiến dự án được đưa vào đầu tư trong thời gian trung hạn 2021-2025 theo hình thức BOT.

Dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương được chia thành 3 dự án thành phần gồm: Dầu Giây - Tân Phú; Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.

Ngày 21-1-2021, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 24/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.

Theo nội dung kết luận, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng). Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm khẩn trương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (trong đó làm rõ phương án tài chính huy động nguồn vốn thực hiện dự án gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà đầu tư, tín dụng, trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định pháp luật).

Đến tháng 2-2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng đề xuất thực hiện dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Theo đó, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có điểm đầu giao với quốc lộ 20 tại xã Phú Trung, H.Tân Phú (Đồng Nai) và điểm cuối giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng). Quy mô đầu tư giai đoạn 1, đường rộng 17m, giai đoạn 2 rộng 22m. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 19,5 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 9,1 ngàn tỷ đồng, gồm 50% ngân sách trung ương và 50% ngân sách tỉnh Lâm Đồng; vốn do nhà đầu tư PPP huy động hơn 10,3 ngàn tỷ đồng.

Để hoàn vốn cho dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra phương án sẽ thu phí 2 ngàn đồng/km/PCU (hệ số quy đổi theo tiêu chuẩn xe ô tô con 5 chỗ) và tăng giá 3 năm/lần, mỗi lần tăng 15% thì thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 27 năm (từ năm 2025-2052).

Tháng 3-2021, Ban Quản lý dự án Thăng Long có đề nghị Bộ GT-VT phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án thành phần 1 đoạn Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn I. Đây được xem là đoạn thiết yếu của dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

Theo đó, đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài 59,6km có điểm đầu giao với quốc lộ 1 (trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) và điểm cuối giao cắt với quốc lộ 20 (đoạn thuộc xã Phú Trung, H.Tân Phú). Dự án được đầu tư hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Trong đó phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/giờ. Tổng mức đầu tư của dự án bao gồm cả lãi vay trong thời gian thi công xây dựng là hơn 6,6 ngàn tỷ đồng.

Về nguồn vốn thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án Thăng Long đề xuất đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Trong đó, nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện đầu tư xây dựng công trình dự án, thu hồi vốn thông qua thu phí sử dụng đường bộ. Nhà nước hỗ trợ kinh phí 1,3 ngàn tỷ đồng thực hiện dự án. Theo tính toán, thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án giai đoạn 1 dưới 15,5 năm khai thác.

Về thời gian thực hiện, nếu được thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư (bao gồm cả thành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng dự án) từ quý IV-2021 - quý I-2022; khởi công công trình vào quý IV-2022; hoàn thành công trình và đưa vào khai thác vào quý I-2025.

Như vậy, việc thực hiện các thủ tục đầu tư đối với 2 dự án thành phần đã đánh dấu mốc “khởi động” đối với dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sau nhiều năm chờ đợi.

Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, khi hoàn thành, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ giảm tải cho quốc lộ 20. Tuyến này kết nối hoàn chỉnh với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Liên Khương - Prenn (TP.Đà Lạt) đã đưa vào sử dụng từ năm 2008, rút ngắn thời gian đi lại giữa Tây nguyên với Đông Nam bộ.

* Đồng Nai đã sẵn sàng

Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là dự án quan trọng đóng vai trò kết nối giữa các tỉnh khu vực Đông Nam bộ, trong đó có Đồng Nai với khu vực Tây nguyên. Khi dự án được xây dựng hoàn thành sẽ giúp rút ngắn thời gian lưu thông giữa hai khu vực kinh tế.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là dự án mà Đồng Nai mong muốn sớm được triển khai để kết nối đồng bộ với tỉnh Lâm Đồng cũng như các tỉnh khu vực Tây nguyên. Đồng thời, đây cũng là tuyến giao thông tạo điều kiện cho 2 huyện miền núi của tỉnh là Định Quán và Tân Phú phát triển. Do đó, Đồng Nai cũng đã xác định sẽ tập trung quyết liệt, quyết tâm cho công tác giải phóng mặt bằng khi dự án được phê duyệt.

Mới đây nhất, vào ngày 18-3, tại cuộc họp về tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cũng đã đề nghị khi có văn bản của Bộ GT-VT lấy ý kiến của địa phương khi thực hiện các dự án thành phần của đường cao tốc Dầu Giây- Liên Khương, các cơ quan chức năng của tỉnh cần tham gia sớm để dự án được triển khai nhanh.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều