Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh doanh cảng biển phục hồi tốt

03:01, 07/01/2021

Kết thúc năm 2020, sản lượng hàng hóa qua các cảng biển tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Kết thúc năm 2020, sản lượng hàng hóa qua các cảng biển tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Đồng Nai. Ảnh: Văn Gia
Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Đồng Nai. Ảnh: Văn Gia

Hội nhập kinh tế tạo ra cơ hội cho sự phát triển của hệ thống cảng biển cũng như vận tải biển song vẫn còn nhiều thách thức, nhất là việc hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng phục vụ. Để giải quyết được những vấn đề này, cần có sự phối hợp đồng bộ và xây dựng chiến lược dài hơi.

* Sản lượng hàng hóa tiếp tục tăng

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển trong năm 2020 là hơn 689 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019.

Về khối lượng, hàng container thông qua cảng biển đạt 22,14 triệu teu (tiêu chuẩn loại container 20 feet), tăng 13%. Sản lượng hàng hóa do đội tàu Việt Nam vận chuyển ước đạt 159,4 triệu tấn, tăng 3% và vận chuyển container ước đạt 2,6 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, đội tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam đảm nhận gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển.

Các cảng biển có khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu nhiều nhất là cảng TP.HCM với 162,9 triệu tấn, Vũng Tàu 112,9 triệu tấn, Quảng Ninh 109,6 triệu tấn, Hải Phòng 83,9 triệu tấn…

Tại Đồng Nai, Công ty CP Cảng Đồng Nai ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động khai thác trong quý
III-2020 đạt 219 tỷ đồng, tăng 18% so với quý III-2019. Tiếp tục hoạt động hết công suất, chỉ trong 10 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị cho toàn bộ năm 2020.

Theo lãnh đạo công ty, hoạt động kinh doanh dịch vụ có sự thuận lợi so với những tháng đầu năm là do Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh. Các lĩnh vực trong nền kinh tế bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Bên cạnh đó, việc tạm dừng trạm thu phí cầu Đồng Nai từ ngày 24-8-2020 tạo điều kiện cho công ty có lợi thế cạnh tranh khai thác hàng container giữa TP.HCM và Bình Dương. Nhờ vậy, sản lượng ngành hàng container tăng gần 15% so với cùng kỳ. DN cũng có các chính sách ưu đãi nhằm thu hút thêm đối tác đến hợp tác bên cạnh khách hàng truyền thống.

Những kết quả nói trên đưa kết quả kinh doanh trong năm của Công ty CP Cảng Đồng Nai trở thành nổi bật trong số các đơn vị thành viên của Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi). Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sonadezi đánh giá cao sự nỗ lực của Cảng Đồng Nai. Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, dù gặp khó khăn song hoạt động của công ty cũng rất ấn tượng. “Chỉ trong 10 tháng, Cảng Đồng Nai là đơn vị đã hoàn thành các kế hoạch sản xuất, kinh doanh đầu tiên cả năm trong toàn tổ hợp Sonadezi, tạo điều kiện cho DN quan tâm hơn tới người lao động trong dịp Tết Nguyên đán, đồng thời sớm xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo” - bà Hằng khẳng định.

* Tính toán chiến lược dài hơi

Tăng trưởng tốt là tín hiệu lạc quan đối với kinh doanh vận tải biển, cảng biển song về lâu dài vẫn còn nhiều nỗi lo. Nhất là thực tế hiện nay, ngoài các cảng biển thì năng lực vận tải biển của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chủ yếu đảm nhận vận tải hàng hóa lưu chuyển trong nước. Đội tàu biển Việt Nam đảm nhận vận tải biển quốc tế đạt khoảng 7% thị phần trong tổng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu với các tuyến chính đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á.

Để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế hàng hải, hiện nay Việt Nam đang thực hiện 3 quy hoạch. Cụ thể là Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng cầu cảng, bến phao, khu nước thời kỳ
2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả nước có 6 nhóm cảng biển với 45 cảng biển đang hoạt động. Trong đó có 2 cảng biển cửa ngõ quốc tế, 12 cảng tổng hợp đầu mối khu vực, 18 cảng tổng hợp địa phương và 13 cảng dầu khí trên biển.

Việc hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại thế hệ mới sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển cho ngành logistics Việt Nam, nhất là kinh doanh cảng biển, vận tải biển.

Đối với Cảng Đồng Nai, để tận dụng các ưu thế, những năm qua, đơn vị liên tục đầu tư mở rộng bến bãi, đưa thêm các cầu cảng mới ở khu vực Cảng Gò Dầu trực thuộc nhằm tiếp nhận tàu biển trọng tải lớn. Theo đó, xây dựng thêm 1 bến tàu B5, mở rộng thêm 8ha kho bãi tại khu vực Cảng Gò Dầu, trong đó có 5ha là bãi thuê liền kề tiếp giáp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để đón đầu lượng hàng hóa cho những năm tới. Cảng Long Bình Tân cũng được nâng công suất phục vụ.

Song song với đầu tư cơ sở vật chất là vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ đó đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa chất lượng dịch vụ logistics, ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều phối hàng hóa, container… Mục tiêu mà Cảng Đồng Nai hướng đến là phát triển bền vững và thuộc tốp 5 cảng biển lớn nhất của Việt Nam.

Văn Gia

Tin xem nhiều