Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoàn thành các chỉ tiêu về xử lý chất thải rắn

04:01, 22/01/2021

Tính đến nay, Đồng Nai đã hoàn thành thu gom 100% các loại chất thải rắn: công nghiệp, nguy hại, y tế, sinh hoạt. Cùng với đó, đưa tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt từ hơn 29% về dưới 15%.

Tính đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai đã hoàn thành thu gom 100% các loại chất thải rắn: công nghiệp, nguy hại, y tế, sinh hoạt. Cùng với đó, đưa tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt từ hơn 29% về dưới 15%.

Phân loại túi ny-lông để tái chế tại Nhà máy xử lý rác Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) (ảnh minh họa)
Phân loại túi ny-lông để tái chế tại Nhà máy xử lý rác Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) (ảnh minh họa). Ảnh:H. Lộc

Việc hoàn thành các chỉ tiêu đã được đưa ra từ nhiều năm trước là một nỗ lực lớn, không chỉ làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xử lý và diện tích chôn lấp chất thải mà còn làm gia tăng tài nguyên tái chế, tái sử dụng.

* Thu gom 100% các loại chất thải rắn

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở TN-MT cho biết, tính đến giữa tháng 1-2021, Đồng Nai đã chính thức hoàn thành 100% chỉ tiêu về môi trường theo Nghị quyết số 5 giai đoạn 2016-2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X. Trong đó, 4 chỉ tiêu liên quan đến chất thải rắn đều đạt tỷ lệ 100%.

Dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Sở TN-MT mới đây, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, dân số đông và mật độ dày mà đảm bảo được tỷ lệ thu gom, xử lý 100% các loại chất thải rắn là nỗ lực lớn. Trong khi nhiều tỉnh, thành đang loay hoay tìm bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, thì Đồng Nai đã giảm tỷ lệ chôn lấp về dưới 15%, đây là tỷ lệ gần như chưa có địa phương nào đạt được.

“Thời gian tới, tôi đề nghị tỉnh tiếp tục duy trì và làm tốt hơn công tác quản lý, xử lý các loại chất thải; quan tâm đến các giải pháp phòng ngừa, bảo vệ môi trường nước, không khí; hạn chế hình thành các “điểm nóng”, “điểm đen” về môi trường…” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.

Cụ thể, toàn tỉnh đã thu gom, xử lý triệt để khoảng 2,6 tấn/ngày đối với chất thải y tế nguy hại và khoảng 11,3 tấn/ngày đối với chất thải y tế thông thường; khoảng 1.117 tấn/ngày chất thải công nghiệp thông thường được thu gom tái chế hoặc xử lý bởi các đơn vị có chức năng, được cấp phép; không còn tình trạng lưu trữ chất thải nguy hại tại nguồn, khoảng 451 tấn/ngày được thu gom, xử lý. Riêng với chất thải rắn sinh hoạt, tổng khối lượng thu gom khoảng 1.833 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 100%, trong đó hơn 70% được xử lý làm phân vi sinh, hơn 14% chôn lấp, còn lại đốt.

Theo lãnh đạo Sở TN-MT, việc tính toán khối lượng phát sinh, đảm bảo tỷ lệ thu gom, xử lý đối với các loại chất thải rắn y tế, công nghiệp tương đối thuận lợi. Riêng với chất thải rắn sinh hoạt, đảm bảo thu gom 100% đã khó, giảm chôn lấp dưới 15% còn khó hơn nhiều do phụ thuộc vào dây chuyền công nghệ xử lý, quy mô và công suất của các khu xử lý rác. “Chỉ tiêu này đã được Tỉnh ủy đặt ra từ nhiều năm trước, đến nay mới chính thức hoàn thành. Việc đảm bảo tỷ lệ chôn lấp dưới 15% đã giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, giảm diện tích chôn lấp và tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng chất thải” - ông Thường cho biết.

Ông Lê Ngọc Tiên, Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom cho rằng, tính đến tháng 9-2020, Trảng Bom là một trong số các địa phương cấp huyện chưa hoàn thành chỉ tiêu thu gom rác 100%. Để hoàn thành chỉ tiêu này trong năm 2020, huyện đã làm việc với Phòng TN-MT, UBND các xã, thị trấn sau đó ban hành văn bản yêu cầu tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đăng ký thu gom rác tại nhà; tổ chức tuần tra, kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt các hành vi vứt rác không đúng nơi, đúng giờ. Cùng với đó, yêu cầu đơn vị hợp đồng chuẩn hóa phương tiện để thu gom hết rác, đảm bảo tỷ lệ chôn lấp dưới 15%. Hằng tháng họp với các địa phương, đơn vị liên quan để giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh.

* Giữ vững các chỉ tiêu

Theo Sở TN-MT, mặc dù vẫn còn tình trạng đổ trộm, chôn, đốt chất thải không đúng quy định; tồn đọng các điểm phát sinh chất thải trên đường, khu vực công cộng tuy nhiên tỷ lệ này không nhiều, không thường xuyên. Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương; chỉ đạo Thanh tra sở, Chi cục Bảo vệ môi trường và phòng TN-MT các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về môi trường đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất và đơn vị xử lý chất thải. Tham mưu UBND tiếp tục triển khai dự án đốt rác phát điện.

Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, các địa phương không nên tự mãn với kết quả đã đạt được mà phải tuyên truyền, vận động thường xuyên để không còn tình trạng tự chôn, đốt chất thải rắn sinh hoạt. Thực hiện chức năng giám sát chất thải đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở y tế, chủ công trình xây dựng. “Chúng tôi đã làm việc với các địa phương để đưa phân loại rác tại nguồn vào chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Yêu cầu các địa phương không ký hợp đồng với đơn vị vận chuyển rác không có xe chuyên dùng, không ký hợp đồng với đơn vị xử lý chất thải rắn sinh hoạt không đảm bảo tỷ lệ chôn lấp dưới 15%” - ông Đức nhấn mạnh.

Một trong những giải pháp giảm phát sinh rác thải công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại tỉnh duy trì trong nhiều năm qua là không thu hút đầu tư các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, phát sinh chất thải nhiều, dự án đầu tư sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp không phù hợp với quy hoạch. Quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp theo ngành nghề, cách xa khu dân cư để thuận lợi quản lý nguồn chất thải. Hỗ trợ doanh nghiệp di dời địa điểm, thay đổi công nghệ. Cùng với đó khuyến khích các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải.              

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều