Báo Đồng Nai điện tử
En

EVFTA góp phần hồi phục nền kinh tế

03:01, 05/01/2021

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 đã góp phần giúp cho kinh tế của Việt Nam phục hồi nhanh khi đi qua đỉnh đại dịch Covid-19.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 đã góp phần giúp cho kinh tế của Việt Nam phục hồi nhanh khi đi qua đỉnh đại dịch Covid-19. Hiệp định EVFTA dự tính sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong cả ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là ở lĩnh vực xuất khẩu và thu hút đầu tư.

Sản xuất quần áo xuất khẩu vào thị trường châu Âu tại Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1). Ảnh: Khánh Minh
Sản xuất quần áo xuất khẩu vào thị trường châu Âu tại Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1). Ảnh: Khánh Minh

EVFTA có hiệu lực đã mở ra thị trường rộng lớn với 27 nước. Dự tính hiệp định trên sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng từ 2,18-3,25% trong 5 năm đầu, tăng 4,57-5,3% cho 5 năm tiếp theo và 7,07-7,72% cho giai đoạn 2029-2034. Tại Đồng Nai, Liên minh châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn, chiếm hơn 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

* Nhanh chóng tăng kim ngạch xuất khẩu

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã mở rộng, tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vào các nước châu Âu đạt hơn 1,9 tỷ USD. Các mặt hàng chủ lực mà Đồng Nai bán nhiều vào thị trường trên là giày dép, sản phẩm từ gỗ, dệt may, nông sản, máy tính, điện tử, linh kiện, thiết bị máy móc và phụ tùng...

Tuy nhiên, hàng hóa của Đồng Nai mới chỉ tập trung xuất khẩu sang các nước Đức, Bỉ, Pháp, Anh, Hà Lan…, còn những nước khác kim ngạch chưa cao. Từ khi EVFTA có hiệu lực, các DN đã tập trung khai thác thị trường châu Âu để mở rộng xuất khẩu. Cụ thể, năm 2020, xuất khẩu của Đồng Nai vào Bỉ hơn 700 triệu USD, Đức hơn 530 triệu USD, Pháp 120 triệu USD.

Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cho biết: “Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn của công ty nên khi EVFTA có hiệu lực, thuế sản phẩm dệt may được cắt giảm đã tạo thuận lợi để mở rộng tiêu thụ. Vì đã tìm hiểu và có sự chuẩn bị từ trước các quy định về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu đầu vào nên công ty có thể hưởng các ưu đãi về thuế quan”.

Năm 2020, một số mặt hàng của Đồng Nai xuất khẩu vẫn giữ mức tăng trưởng cao so với năm trước một phần vì khai thác tốt thị trường châu Âu. Các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh có sự chuẩn bị để đón đầu các hiệp định thương mại tự do từ rất sớm, lên kế hoạch sản xuất phát triển cho từng giai đoạn khá chi tiết, dễ dàng đón nhận các ưu đãi về thuế.

Ông Hironori Fujita, Tổng giám đốc Công ty TNHH Otsuka Techno Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (H.Nhơn Trạch) nhận xét: “Việt Nam đã ký kết 3 hiệp định thương mại tự do lớn là CPTPP, EVFTA và RCEP. Các hiệp định trên mở ra nhiều cơ hội cho các DN trong xuất khẩu hàng hóa. Trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh công ty rất chú ý mở rộng tiêu thụ vào thị trường châu Âu và các thị trường tham gia các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết”.

* Tăng thu hút đầu tư

EVFTA không chỉ giúp các DN tăng xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu mà còn giúp thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam tốt hơn. Trong những năm gần đây, nguồn vốn từ châu Âu vào Việt Nam liên tục tăng nhằm đón đầu các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để giao nhiệm vụ năm 2021, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: “Năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư FDI là 28,53 tỷ USD. Các DN FDI đầu tư vào 19 lĩnh vực nhưng nguồn vốn tập trung nhiều ở công nghiệp chế biến, sản xuất điện, bất động sản. Dự kiến năm 2021, khi đại dịch Covid-19 được khống chế, làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh”. Cũng theo Bộ trưởng, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh đặc biệt từ các nước thành viên trong EVFTA, CPTPP, RCEP.

Trên địa bàn Đồng Nai năm 2020, thu hút FDI được 1,3 tỷ USD, tăng 30% so với kế hoạch năm. Tính đến cuối tháng 12-2020, các nước trong khối Liên minh châu Âu đã đầu tư vào tỉnh khoảng 70 dự án với tổng vốn đăng ký 2,69 tỷ USD. Dẫn đầu trong các nước châu Âu đầu tư vào Đồng Nai là Hà Lan có 15 dự án, tổng vốn 862,4 triệu USD; Thụy Sỹ 7 dự án, tổng vốn 591 triệu USD...

Nhiều tập đoàn lớn của châu Âu đã có mặt ở Đồng Nai và làm ăn khá hiệu quả như: Bosch, Schaeffler, Meggitt... Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, các dự án của châu Âu chủ yếu đầu tư vào công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Các nhà máy đều ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh.

Để đón đầu EVFTA, khoảng 2-3 năm trở lại đây, các tập đoàn lớn của châu Âu tại Đồng Nai đều tăng vốn từ vài chục đến hàng trăm triệu USD, mở rộng sản xuất, xuất khẩu. Đơn cử như năm 2018, Tập đoàn Bosch tăng vốn 71 triệu USD; Tập đoàn Schaeffler tăng vốn đầu tư vào tỉnh gần 50 triệu USD để xây dựng thêm nhà máy sản xuất; tập đoàn Meggitt đầu tư hơn 10 triệu USD. Ngoài ra, các tập đoàn FDI khác trên địa bàn tỉnh cũng tăng vốn đầu tư thêm nhà máy, dây chuyền sản xuất để hướng đến những quốc gia tham gia EVFTA, CPTPP.

Khánh Minh

Tin xem nhiều