Báo Đồng Nai điện tử
En

''Thay áo'' cho chợ truyền thống

11:12, 14/12/2020

Hiện nay, với sự xuất hiện ngày càng nhiều kênh bán lẻ hiện đại như: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... đã làm tăng áp lực cạnh tranh lên chợ truyền thống.

Hiện nay, với sự xuất hiện ngày càng nhiều kênh bán lẻ hiện đại như: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... đã làm tăng áp lực cạnh tranh lên chợ truyền thống.

Một sạp kinh doanh thực phẩm tại chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). Ảnh: Lam Phương
Một sạp kinh doanh thực phẩm tại chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). Ảnh: Lam Phương

Tuy nhiên, trên thực tế, chợ truyền thống hiện vẫn là kênh phân phối hàng hóa chính tại nhiều địa phương, nhất là những khu vực vùng sâu, vùng xa. Do đó, để giữ vững sức mua cũng như chủ động trước sự canh tranh của các kênh bán lẻ hiện đại, việc phát triển, quản lý chợ cần hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân...

* Nhiều chợ vắng khách hơn

Theo Sở Công thương, hiện trên địa bàn tỉnh có 148 chợ đang hoạt động, góp phần giải quyết an sinh xã hội, việc làm, thu nhập cho hơn 20 ngàn hộ kinh doanh (trong đó hơn 18 ngàn hộ kinh doanh ổn định, thường xuyên).

Khi mức sống của người dân ngày càng tăng cao thì tâm lý mua sắm và thói quen “đi chợ” cũng có nhiều sự thay đổi. Bên cạnh đó, chợ truyền thống ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh như: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... Thậm chí, ngay cả các chợ cóc, chợ tạm, chợ tự phát cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức mua tại các chợ truyền thống, nhất là ở những khu vực nông thôn, địa bàn tập trung đông công nhân, người lao động.

Ông Nguyễn Thơ, Phó giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Phú Lập - đơn vị quản lý chợ Phú Lập (H.Tân Phú) chia sẻ, do chợ truyền thống hiện thường hoạt động theo khung giờ cố định, còn các cửa hàng tiện lợi có lợi thế về thời gian linh hoạt hơn. Trong khi đó, mức sống của người tiêu dùng ngày càng cao, tâm lý thích những trải nghiệm mua sắm mới. Điều này khiến cho sức mua của nhiều mặt hàng tại chợ giảm khoảng 40% so với trước đây. Ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền cho tiểu thương nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo kinh doanh thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để nâng cao sức cạnh tranh.

Tương tự, theo ông Phạm Đình Khiêm, phụ trách quản lý chợ Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu), nhiều tiểu thương đang hoạt động tại chợ chia sẻ sức mua nhiều mặt hàng như nông sản, thực phẩm chịu ảnh hưởng bới sự phát triển của kênh bán lẻ mới, hiện đại.

Tại lớp tập huấn nghiệp vụ công tác quản lý, kinh doanh và khai thác chợ trên địa bàn tỉnh do Sở Công thương tổ chức vào đầu tháng 12 vừa qua, ThS Bùi Thị Xuân Hương, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật thương mại (Bộ Công thương), giảng viên của khóa học phân tích, về không gian mua sắm, nhiều khu chợ chưa đảm bảo vệ sinh, còn chật hẹp... Ngoài ra, hàng quán ăn uống tại nhiều chợ còn nhỏ lẻ, thiếu các khu dịch vụ vui chơi; hình thức mua sắm tại các chợ vẫn chủ yếu là hình thức mua trực tiếp hoặc mua gián tiếp. Nhiều mặt hàng bày bán tại chợ không đa dạng bằng các siêu thị, cũng như một số chợ còn thiếu nguồn cung hàng hóa ổn định. Những điều này khiến cho nhiều chợ truyền thông đang gặp những khó khăn, sức mua giảm khi vấp phải sự cạnh tranh của các kênh bán lẻ hiện đại.

Trong khi đó, lợi thế của các chợ là thời gian mua sắm nhanh, gọn, phương thức thanh toán linh hoạt, khách hàng có thể thương lượng được giá, thậm chí có thể mua “chịu” (trả sau)... Tuy nhiên, lợi thế này sẽ bị ảnh hưởng khi phải cạnh tranh với các chợ tự phát, chợ tạm.

* Cần khai thác chợ hiệu quả, an toàn

Theo Sở Công thương, trong thời gian qua, Sở đã triển khai nhiều chương trình nâng cấp, phát triển chợ truyền thống, nhất là ở khu vực nông thôn, để người dân có thêm sự lựa chọn khi mua hàng, đặc biệt là các kênh, điểm bán thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh.

Ông Phạm Đình Khiêm cho biết thêm, hiện nay chợ Vĩnh An đã triển khai 56 sạp bán hàng thực phẩm tươi sống theo mô hình chợ được đầu tư, nâng cấp thuộc dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành Chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap). Các sạp này đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm...

Đồng thời, Sở Công thương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về quản lý, vận hành chợ, cũng như phối hợp với các ban quản lý chợ tổ chức các hoạt động kết nối, nâng cao kỹ năng kinh doanh dành cho tiểu thương các chợ...

Theo ông Đặng Trần Nhật Thoại, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), thông qua lớp tập huấn nghiệp vụ công tác quản lý, kinh doanh và khai thác chợ trên địa bàn tỉnh, các cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương phụ trách lĩnh vực thương mại dịch vụ, quản lý các chợ trên địa bàn tỉnh được hướng dẫn nội dung cơ bản về xây dựng chợ đạt chuẩn chợ văn hóa, chợ văn minh theo quy định của tỉnh...

Bên cạnh đó, còn có các nội dung nâng cao vai trò, khả năng, hiệu quả hoạt động chợ; cải tiến, nâng cao công tác quản lý, kinh doanh và khai thác chợ nhằm đảm bảo chợ hoạt động hiệu quả, văn minh thương mại; nâng cao tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu...

Ông Nguyễn Văn Thê, Trưởng ban quản lý chợ La Ngà (H.Định Quán) cho biết, chợ thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền về kinh doanh thực phẩm an toàn, đảm bảo vấn đề niêm yết giá rõ ràng, nâng cao chất lượng phục vụ cho tiểu thương của chợ...

Lam Phương

 

Tin xem nhiều