Báo Đồng Nai điện tử
En

Cung ứng sản phẩm phụ trợ cho ngành Gỗ

03:12, 03/12/2020

Từ buôn bán hàng công nghiệp hỗ trợ cho ngành Gỗ đến đầu tư sản xuất sản phẩm để khép kín quy trình cung ứng, anh Dương Hải Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Dương Đăng Phát (TP.Biên Hòa) đã từng bước gầy dựng được uy tín trên thị trường.

Từ buôn bán hàng công nghiệp hỗ trợ cho ngành Gỗ đến đầu tư sản xuất sản phẩm để khép kín quy trình cung ứng, anh Dương Hải Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Dương Đăng Phát (TP.Biên Hòa) đã từng bước gầy dựng được uy tín trên thị trường.

Anh Dương Hải Đăng (phải) kiểm tra sản phẩm đinh tán dùng cho ngành Gỗ
Anh Dương Hải Đăng (phải) kiểm tra sản phẩm đinh tán dùng cho ngành Gỗ

Trong những năm tới, doanh nghiệp (DN) của anh Đăng sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư máy móc, công nghệ để từng bước tự động hóa trong sản xuất.

* Kết hợp thương mại với sản xuất

Anh Dương Hải Đăng vốn có cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm phụ trợ cho ngành công nghiệp Gỗ như: ngũ kim, đinh, ốc vít, bản lề… Khi thị trường có nhu cầu ngày càng cao về các mặt hàng này, anh Đăng nảy sinh ý tưởng đầu tư dây chuyền sản xuất thay vì chỉ thực hiện việc kinh doanh, bán buôn thương mại bình thường. Quyết định bỏ vốn đầu tư, anh mua mặt bằng, xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc, nguyên liệu để sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường từ hơn 5 năm nay.

“Ý tưởng của tôi là khép kín quy trình cung cấp sản phẩm cho khách hàng, từ việc sản xuất đến bán hàng. Điều này vừa giúp giảm chi phí, vừa có thể có được ngay những mặt hàng mà khách cần, hơn nữa nó cũng tạo lợi thế hơn so với các đơn vị cung ứng khác. Các đối tác khi ký hợp đồng thương mại, sau khi tham quan nhà máy thấy chúng tôi đủ khả năng cung ứng các sản phẩm cũng yên tâm hơn” - Giám đốc Công ty TNHH Dương Đăng Phát cho hay.

Từ khi có nhà máy chế tạo bên cạnh hoạt động thương mại, triển vọng sản xuất của DN tăng lên nhanh chóng. Sản phẩm của Công ty Dương Đăng Phát hiện cung cấp cho các DN sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận, vốn được coi là "thủ phủ" của ngành sản xuất, chế biến Gỗ Việt Nam. Riêng trong năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình chung của các DN là hết sức khó khăn, tuy nhiên ngành chế biến Gỗ vẫn tăng trưởng ấn tượng. Điều đó giúp cho hoạt động sản xuất của công ty cũng khả quan. Đặc biệt, từ tháng 9 đến nay, đơn đặt hàng cho DN đã tăng hơn 3 lần so với các tháng trước đó. Những tháng cuối năm và cận Tết Nguyên đán đang là thời điểm tăng ca sản xuất để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Dù giá nguyên liệu có tăng nhưng do được chuẩn bị từ trước, lại có kế hoạch khép kín từ sản xuất đến phân phối nên Công ty Dương Đăng Phát có thể chủ động về giá sản phẩm và nguồn hàng là một lợi thế lớn.

* Hướng tới “quản lý số” cho doanh nghiệp

Theo anh Đăng, công nghiệp hỗ trợ Việt đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ DN có vốn đầu tư nước ngoài. Song song đó, một trong những nỗi lo của cộng đồng DN Việt nói chung, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa là họ đang đối mặt với nguy cơ lạc hậu về công nghệ. Trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay, các nước có trình độ phát triển cao hơn đều siết chặt sản xuất, đòi hỏi các tiêu chí khắt khe về công nghệ, môi trường nên những công nghệ lạc hậu thường được “xuất khẩu” sang nước có trình độ phát triển thấp hơn.

Việt Nam, nếu không cẩn trọng, nguy cơ nhập khẩu công nghệ cũ là rất lớn, bởi thực tế, với hầu hết các DN quy mô nhỏ và vừa, số tiền để đầu tư cho công nghệ tiên tiến khó kham nổi. Từ đó, kìm hãm sự phát triển nền công nghiệp hỗ trợ trong nước. Do vậy, Chính phủ phải có giải pháp tính toán các biện pháp hỗ trợ, giúp cộng đồng DN lớn lên, có sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập và có đủ tiềm lực để nâng cấp trang thiết bị, máy móc của mình.

Đối với DN của anh Đăng, khi DN đi vào sản xuất ổn định, lớn mạnh thì việc tự động hóa sản xuất là điều được tính toán đến. Hiện Công ty TNHH Dương Đăng Phát đang từng bước đầu tư máy móc ngày càng đạt chuẩn và hoạt động bán tự động. Nhân lực phục vụ cho sản xuất, đứng máy trực tiếp không nhiều, mà chủ yếu thuộc bộ phận kinh doanh, phát triển thị trường. Việc đầu tư máy móc công nghệ cũng chiếm kinh phí lớn, hằng năm anh Đăng dành 30% khoản lợi nhuận để tái đầu tư vào máy móc.

“Chúng tôi sẽ từng bước nâng cấp DN, ứng dụng công nghệ để số hóa, tự động hóa trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đồng thời đủ năng lực để hợp tác, cung ứng sản phẩm vào chuỗi sản xuất của DN FDI. Do vậy, hiện đại hóa sản xuất, nâng cấp DN đạt các chuẩn cao hơn là điều hết sức cần thiết” - anh Dương Hải Đăng khẳng định.

Vương Thế

Tin xem nhiều