Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã ký kết hợp đồng phân phối độc quyền với các công ty bảo hiểm lớn. Một số ngân hàng đã chạy đua "săn" khách hàng nhằm gia tăng nguồn thu phí...
Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã ký kết hợp đồng phân phối độc quyền với các công ty bảo hiểm lớn. Một số ngân hàng đã chạy đua “săn” khách hàng mua bảo hiểm nhằm gia tăng nguồn thu phí hoặc bù đắp cho tín dụng tăng thấp những tháng đầu năm nay.
Nhiều ngân hàng giới thiệu các gói bảo hiểm khi khách hàng có nhu cầu. Trong ảnh: Khách hàng đến giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) |
* Xu hướng ngày càng phổ biến
Xu hướng phân phối các sản phẩm bảo hiểm, nhất là các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng (bancassurance) bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ nhiều năm trước, nhưng chỉ thực sự nở rộ trong 3 năm gần đây khi hàng loạt ngân hàng và công ty bảo hiểm nhân thọ ký kết hợp tác. Nguồn thu từ phí bảo hiểm ngày càng chiếm thị phần lớn.
Nhiều công ty bảo hiểm lớn đã “bắt tay” với các ngân hàng thông qua các hợp đồng ký kết phân phối độc quyền bảo hiểm. Chẳng hạn, các ngân hàng Vietcombank, ABBank kết hợp với hãng bảo hiểm FWD, ngân hàng Sacombank ký kết hợp tác với bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam, ngân hàng Techcombank với bảo hiểm Manulife Việt Nam hay mới nhất là hợp tác giữa ngân hàng ACB và Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam...
Bà Phạm Thị Thu, Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Đồng Nai cho biết, hiện nay, Sacombank đã ký kết phân phối bảo hiểm với Dai-ichi Life Việt Nam. Xu hướng phân phối các sản phẩm bảo hiểm là khá phổ biến trong thời gian qua. Nhu cầu khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ thông qua ngân hàng ngày càng gia tăng theo từng năm.
Tương tự, bà Trần Thị Phương Hiền, Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) chi nhánh Đồng Nai chia sẻ, ABBank đang liên kết với hãng bảo hiểm FWD. Chi nhánh khuyến khích khách hàng mua bảo hiểm thông qua chương trình giảm lãi suất vay vốn có thể lên tới 0,5%/năm trong năm đầu tiên. Ngân hàng sẽ giới thiệu các gói bảo hiểm khi khách hàng có nhu cầu, sau đó thông qua nhân viên tư vấn riêng của hãng bảo hiểm để tư vấn, hỗ trợ thông tin chi tiết hơn. Việc mua bảo hiểm hay không tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng.
* Có hay không việc “ép” khách mua bảo hiểm khi vay vốn?
Theo nhiều chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, các khoản bảo hiểm nhân thọ kèm theo trên thực tế là bảo vệ khách hàng khi có rủi ro xảy ra. Tuy nhiên, đây là khoản bảo hiểm tự nguyện và ngân hàng chỉ khuyến khích thông qua việc ưu đãi lãi suất, các chương trình ưu đãi theo từng thời điểm, gói sản phẩm nhất định...
Bà Phạm Thị Thu cho biết thêm, hiện nay, Sacombank có nhân viên kinh doanh bảo hiểm chuyên biệt để trực tiếp tư vấn, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm phù hợp khi khách hàng có nhu cầu. Việc khách hàng chọn mua sản phẩm bảo hiểm hay không là dựa trên nhu cầu thật sự của khách hàng. Ngân hàng đóng vai trò cầu nối giữa khách hàng và công ty bảo hiểm. Nhân viên sẽ tư vấn, giới thiệu các gói sản phẩm phù hợp để khách hàng tham khảo, không chèo kéo, ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm khi vay vốn.
Tuy nhiên, do áp lực từ chỉ tiêu được giao để đảm bảo mức lương, thưởng, nhiều nhân viên ở một số ngân hàng thương mại không giải thích rõ ràng cho khách hàng về các gói bảo hiểm liên kết mà tư vấn theo kiểu buộc khách hàng phải mua. Có trường hợp nhân viên tín dụng tìm nhiều cách để bán bảo hiểm, tạo áp lực cho khách hàng. Điều này dẫn tới nhiều khách hàng cảm thấy bị rơi vào thế “chẳng đặng đừng” khi buộc phải mua bảo hiểm dù muốn hay không thì mới được vay vốn...
Anh N.P.T. (ngụ phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) chia sẻ, cách đây vài tháng khi vay vốn để mua đất với khoản tiền 1 tỷ đồng tại ngân hàng V. có chi nhánh tại Đồng Nai, anh được nhân viên tư vấn về khoản vay ưu đãi nhưng không giải thích rõ ràng. Khi đặt bút ký vào hợp đồng mới biết để hưởng khoản vay ưu đãi đó thì phải ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của công ty bảo hiểm P. “Lúc ký kết, tôi mới biết mình bị “gài” để mua bảo hiểm vì nhân viên không hề nhắc tới hợp đồng bảo hiểm trước đó nhưng vì muốn giải quyết vay vốn nhanh nên tôi quyết định ký luôn hợp đồng bảo hiểm với số tiền đóng bảo hiểm là 15 triệu đồng/năm” - anh T. cho hay.
Nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm tại các ngân hàng, vào cuối tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có công văn số 7928/NHNN-TTGSNH về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm vừa gửi đến các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, NHNN Việt Nam yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, một nội dung quan trọng được NHNN nhấn mạnh xử lý nghiêm trường hợp ngân hàng “ép”, bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng...
Ngoài ra, việc chào bán, giải thích điều kiện, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm... cho các khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm mà ngân hàng liên kết cũng phải tuân thủ quy định pháp luật, nhằm giúp khách hàng hiểu đúng và đủ quyền, lợi ích của mình cũng như các điều kiện, điều khoản thanh toán của bảo hiểm...
Đại diện NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các ngân hàng thương mại trong tỉnh rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống, đồng thời xử lý nghiêm trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng. Ngoài ra, các ngân hàng cần chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đến cán bộ, nhân viên tín dụng và cán bộ, nhân viên tham gia hoạt động bảo hiểm... |
Hải Quân