Báo Đồng Nai điện tử
En

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nhà: Vì sao khó?

11:11, 23/11/2020

Từ năm 2008, Đồng Nai đã thí điểm thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Qua hơn 10 năm, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nhà chưa đạt như mong muốn.

Từ năm 2008, Đồng Nai đã thí điểm thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Qua hơn 10 năm, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nhà chưa đạt như mong muốn.

Người dân xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu phân loại rác tại điểm tập kết rác sinh hoạt của xã. Ảnh: Ban Mai
Người dân xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu phân loại rác tại điểm tập kết rác sinh hoạt của xã. Ảnh: Ban Mai

Trong năm 2020, Ban TVTU ban hành Chỉ thị số 54/CT-TU ngày 24-3-2020 về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5973/KH-UBND ngày 28-5-2020 về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu đến cuối năm 2025 tất cả các đô thị thực hiện có hiệu quả phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Phân loại rác sinh hoạt tại nhà là việc làm không khó và mang lại lợi ích về kinh tế lẫn môi trường, nhưng vì sao vẫn ì ạch?

* Còn nhiều trở ngại

TP.Biên Hòa là địa phương được chọn thí điểm thực hiện đề án phân loại chất thải rắn tại nguồn từ năm 2008, thế nhưng, địa phương này hiện là đơn vị có tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt đạt mức thấp nhất trong 11 huyện, thành phố.

Ông Nguyễn Tấn Vinh, Trưởng phòng TN-MT TP.Biên Hòa cho rằng, dù đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, nhưng đa phần người dân vẫn đổ lẫn lộn các loại rác. Theo ông Vinh, trước đây, thành phố trang bị túi ny-lông, thùng đựng rác cho các hộ gia đình thực hiện thí điểm, sau này triển khai nhân rộng, chương trình hỗ trợ dụng cụ không còn nữa. Việc không tiếp tục hỗ trợ thùng rác, túi ny-lông, thiếu chế tài xử phạt là lý do khiến công tác tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác sinh hoạt tại nhà gặp khó khăn.

Huyện Vĩnh Cửu là địa phương có tỷ lệ hộ gia đình đăng ký tham gia phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nhà khá cao, hơn 3,1 ngàn hộ, thế nhưng hiện chỉ có vài trăm hộ ở các khu dân cư kiểu mẫu thực hiện phân loại rác.

Ông Nguyễn Quang Phương, Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu cho rằng, khó khăn của địa phương là tỷ lệ hộ gia đình đăng ký thu gom, xử lý rác tập trung còn thấp, phí thu gom rác thấp (22 ngàn đồng/hộ/tháng) nên nhiều nơi, chính quyền phải bù lỗ chi phí thuê vận chuyển rác thải sinh hoạt đến điểm tập kết. Trong điều kiện này không thể đòi hỏi nâng cấp phương tiện vận chuyển, điểm tập kết đúng quy chuẩn. “H.Vĩnh Cửu có 23 điểm tập kết rác, trong đó có 5 điểm được xây dựng kiên cố nhưng chỉ có 1 điểm đáp ứng yêu cầu về diện tích, có phân chia ô chứa rác, có mái che, các điểm chứa rác còn lại chưa đáp ứng yêu cầu” - ông Phương cho hay.

Ông Phạm Văn Lưu, Phó chủ tịch UBND TT.Trảng Bom cho rằng, khi tuyên truyền, vận động người dân rất hào hứng, tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn người dân không phân loại nữa. Lý do là người đi thu gom rác thay vì phải đi 2 lần hoặc đi 1 lần nhưng sử dụng xe có 2 ngăn chứa thì gom chung vào chở một lượt. “Phương tiện vận chuyển từ hộ gia đình đến điểm tập kết không đáp ứng yêu cầu. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch trang bị cho mỗi hộ gia đình 2 thùng rác. Cùng với đó yêu cầu đơn vị thu gom phải phân chia ngày thu gom rác hoặc mua xe có 2 ngăn chứa” - ông Lưu thông tin.

* Vẫn phải tiếp tục thực hiện

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là việc làm ý nghĩa, vừa giảm lượng rác thải đổ về các bãi rác, tiết kiệm chi phí xử lý và diện tích chôn lấp, vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu tái chế và tái sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, do thiếu kinh phí hỗ trợ, thiếu chế tài xử lý nên thói quen tốt chưa được hình thành.

Nhằm khắc phục những tồn tại đồng thời đẩy mạnh phân loại chất thải rắn tại nguồn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu là năm 2020 triển khai đồng loạt ở các xã, phường, thị trấn; năm 2022 hoàn thành việc chuẩn hóa trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; năm 2025 tất cả các đô thị thực hiện có hiệu quả phân loại chất thải rắn tại nguồn.

Bà Đặng Thị Thùy Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai cho biết, đơn vị đang trực tiếp làm việc với 11 địa phương cấp huyện về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, dự kiến đến cuối tháng 11 sẽ hoàn thành. Trước mắt, chi cục thống nhất với các địa phương là mỗi phường, xã phải chọn một vài khu dân cư làm điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, từ điểm này để nhân rộng ra các khu dân cư khác. Trước đó, Sở TN-MT đã làm việc với các địa phương cấp huyện và Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh thống nhất các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao phải đáp ứng chỉ tiêu 50% chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn.

Ông Lê Hoàng Long, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, nhờ cấp phát mỗi hộ gia đình 2 thùng rác, chia mỗi đoàn thể phụ trách một ấp hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện phân loại rác, đến nay, hơn 300 hộ gia đình thực hiện hiệu quả phân loại rác. “Chúng tôi kiến nghị huyện hỗ trợ kinh phí mua xe chở rác có 2 ngăn vừa đáp ứng yêu cầu vận chuyển rác sau phân loại, vừa tiết kiệm được một lần đi gom rác” - ông Long chia sẻ.

Theo Sở TN-MT, hiện 11/11 địa phương cấp huyện đã triển khai thực hiện phân loại rác ở 67 xã, phường, thị trấn; có hơn 61 ngàn hộ dân đăng ký tham gia với khoảng 29 ngàn hộ dân thực hiện phân loại theo hướng dẫn. Trung bình mỗi ngày có khoảng 304/1.833 tấn chất thải rắn sinh hoạt được phân loại, đạt tỷ lệ 16,5%.

Để đạt mục tiêu giảm chôn lấp rác thải về dưới 15% và  tất cả các đô thị thực hiện có hiệu quả phân loại chất thải rắn tại nguồn vào năm 2025, tỉnh yêu cầu triển khai thực hiện đồng bộ từ hộ dân cho đến quy trình, phương tiện thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý rác. Trong năm 2020, tỉnh cho khởi công xây dựng nhà máy xử lý rác làm phân compots công suất 450 tấn/ngày, đồng thời cho tạm dừng hoạt động xử lý rác đối với một số khu xử lý rác không đáp ứng yêu cầu để giảm tỷ lệ chôn lấp về dưới 15%. Nhiều ý kiến cho rằng, cần luật hóa để việc phân loại rác trở thành nền nếp và thói quen hằng ngày của người dân.

Ban Mai

 

Tin xem nhiều