Báo Đồng Nai điện tử
En

Thay đổi ứng xử với môi trường nông thôn

03:09, 15/09/2020

Qua thực tiễn triển khai xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là nông thôn mới kiểu mẫu, tiêu chí môi trường không cần vốn đầu tư lớn nhưng lại khó đạt...

Qua thực tiễn triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), đặc biệt là NTM kiểu mẫu, tiêu chí môi trường không cần vốn đầu tư lớn nhưng lại khó đạt. Để tiêu chí này bền vững, cần nâng cao nhận thức, ý thức và thay đổi thói quen, hành vi trong ứng xử với môi trường của người dân nông thôn.

Vườn cây ăn trái tại xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) được chăm bón từ phân bón, thuốc hữu cơ do nông dân tự sản xuất
Vườn cây ăn trái tại xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) được chăm bón từ phân bón, thuốc hữu cơ do nông dân tự sản xuất. Ảnh: B.Nguyên

Nhiều năm qua, Đồng Nai đã chú trọng triển khai thí điểm đề án phân loại rác tại nguồn. Trong xây dựng NTM kiểu mẫu, một số địa phương đã có cách làm sáng tạo, không chỉ thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn mà còn tự chế biến phân hữu cơ, thuốc phòng, trừ sâu sinh học từ nguồn rác hữu cơ trong sinh hoạt và sản xuất.

* Xử lý rác tại nguồn

Chương trình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chương trình này sau thời gian thực hiện thí điểm ở các địa phương trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở mô hình điểm, khó nhân rộng. Nguyên nhân chủ yếu là người dân chưa xây dựng được thói quen phân loại rác; các cơ sở hạ tầng như: phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải phân loại chưa đáp ứng được yêu cầu...

Hơn 1 năm qua, H.Vĩnh Cửu đã triển khai Đề án về minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ H.Vĩnh Cửu. Nội dung quan trọng trong đề án này là chuyển giao cho nông dân ứng dụng công nghệ sinh học (sử dụng men vi sinh) tận dụng nguồn phế thải hữu cơ từ rác sinh hoạt, rác thải nông nghiệp, chất thải chăn nuôi… để sản xuất phân bón hữu cơ, thuốc sinh học trong phòng, trừ dịch hại trên cây trồng.

Qua hơn 1 năm triển khai vào thực tế, mô hình này không ngừng được nhân rộng trên địa bàn huyện, mang lại những hiệu quả thiết thực. Nông dân tự sản xuất phân, thuốc với giá rẻ để phục vụ cho sản xuất an toàn vừa giúp giảm chi phí sản xuất, nông sản lại sạch và được minh bạch về nguồn gốc.

Nông dân xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu) thực hiện làm phân bón từ rác hữu cơ. Ảnh: B.Nguyên
Nông dân xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu) thực hiện làm phân bón từ rác hữu cơ. Ảnh: B.Nguyên

Từ kết quả đạt được, H.Vĩnh Cửu đang đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình này, thu hút cả các hộ dân, trong đó có hộ dân ở các khu đô thị cũng tham gia phân loại, xử lý rác tại nguồn. Trước mắt, xã Vĩnh Tân sẽ được chọn làm thí điểm với tất cả các hộ dân tham gia. Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân cho biết, hơn 1 năm trước, toàn xã chỉ có 3 hộ thực hiện thí điểm đầu tiên việc tận dụng rác hữu cơ từ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp để tự sản xuất phân, thuốc hữu cơ, xử lý chất thải, mùi hôi trong chăn nuôi. Đến nay, toàn xã có hơn 60 hộ nông dân tham gia chương trình rất tâm đắc bởi hiệu quả thực tế. Xã đang nhân rộng mô hình này đến tất cả các hộ dân trên địa bàn xã, ngay cả các hộ không làm nông nghiệp cũng tham gia phân loại rác hữu cơ cung cấp cho các hộ sản xuất nông nghiệp tự làm phân bón, thuốc trừ sâu.

* Biến rác thành tài nguyên

Ở đây, rác hữu cơ trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trở thành nguồn tài nguyên rất lớn làm nguyên liệu chế biến ra phân bón, thuốc trừ sâu, giảm tối đa chi phí nhân công và các chi phí khác.

Ông Đặng Quang Chính, nông dân ở ấp 3, xã Vĩnh Tân nhận xét, mô hình dùng men vi sinh để xử lý rác hữu cơ, xử lý mùi hôi từ nước thải, rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi đang được nhiều hộ gia đình, trang trại chăn nuôi của xã tham gia. Ưu điểm của chương trình này là người dùng tự chế men vi sinh tại nhà theo công thức, nguyên liệu sẵn có. Đây cũng là giải pháp nhằm giảm chi phí đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương nhận xét, việc phân loại rác tại nguồn được địa phương thí điểm triển khai nhiều năm qua nhưng hiệu quả chưa như mong đợi. Hiện rác hữu cơ chiếm từ 70-80% tổng lượng rác thải sinh hoạt cũng như rác trong sản xuất nông nghiệp.

Việc nhân rộng mô hình sử dụng men vi sinh để xử lý rác hữu cơ tại nguồn góp phần giảm rất nhiều chi phí thu gom, xử lý rác; góp phần đạt các tiêu chí về vệ sinh môi trường nông thôn, nhất là tiêu chí phân loại rác tại nguồn hiệu quả gắn với xây dựng xã, huyện NTM kiểu mẫu. Mục tiêu đến cuối năm 2020, H.Vĩnh Cửu phấn đấu có 50% trên tổng số hộ dân toàn huyện tham gia chương trình phân loại rác và xử lý rác tại nguồn trở thành phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch.

Theo ông Hoàng Sơn Công, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành hàng bán lẻ Việt Nam, trước đây, chương trình phân loại rác tại nguồn không hiệu quả vì chúng ta cứ “cài” vào nhận thức của người dân là người dân phải tốn công sức thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Sau khi người dân phân loại rác, 2 thùng rác phân loại này đều ném vào cùng 1 xe rác và họ thấy mình như bị lừa dối và việc làm của họ không có ý nghĩa. Thế thì chúng ta phải đổi thuật ngữ là không nói đến vấn đề phân loại rác tại nguồn nữa mà tuyên truyền cho người dân hiểu đây là việc họ chủ động làm phân bón, thuốc trừ sâu từ rác thải hữu cơ. Và hành động làm phân bón đó biến thành hành động phân loại rác. Từ đó, chương trình không chỉ thay đổi nhận thức mà quan trọng là thay đổi được hành vi của nông dân và họ được hưởng những lợi ích thiết thực từ việc phân loại và xử lý rác tại nguồn này.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều