Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng nông thôn Đồng Nai thành những vùng quê đáng sống

04:09, 02/09/2020

Trước đây, điều kiện sống ở các vùng nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, miền núi lạc hậu, thiệt thòi hơn rất nhiều so với khu vực đô thị phát triển. Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), nông thôn được đầu tư khang trang, hiện đại với nếp sống văn minh không thua gì các khu đô thị.

Trước đây, điều kiện sống ở các vùng nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, miền núi lạc hậu, thiệt thòi hơn rất nhiều so với khu vực đô thị phát triển. Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), nông thôn được đầu tư khang trang, hiện đại với nếp sống văn minh không thua gì các khu đô thị.

Nông dân xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) làm giàu với mô hình du lịch sinh thái vườn. Trong ảnh: Đông đảo du khách về du lịch vườn tại xã Bình Lộc. Ảnh: B.Nguyên
Nông dân xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) làm giàu với mô hình du lịch sinh thái vườn. Trong ảnh: Đông đảo du khách về du lịch vườn tại xã Bình Lộc. Ảnh: B.Nguyên

Đồng Nai không chỉ đi đầu trong xây dựng NTM mà cũng thuộc tốp đầu cả nước trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với mục tiêu xây dựng vùng nông thôn phát triển hài hòa cả về mặt kinh tế lẫn văn hóa. Từ đó, hình thành được những làng quê giàu đẹp đáng mơ ước đối với nông dân.

* Phát triển toàn diện

Những năm trước, khi nhắc đến những xã miền núi, vùng sâu của Đồng Nai như: Đắc Lua, Tà Lài (H.Tân Phú); Mã Đà, Phú Lý (H.Vĩnh Cửu)...chỉ để lại ấn tượng là những vùng nông thôn nghèo nàn, lạc hậu, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, vất vả. Tỷ lệ trẻ em bỏ học cao vì thiếu trường lớp, đường đến trường với các em học sinh quá gian nan, trắc trở. 

Năm 2019, Đồng Nai đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, sớm 2 năm so với mục tiêu đề ra. Tỉnh cũng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba về thành tích trong phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020. Đồng Nai cũng thuộc tốp đầu cả nước trong xây dựng NTM nâng cao với 43 xã NTM nâng cao.

Hơn 10 năm trước, xã Tà Lài (H.Tân Phú) gần như một ốc đảo, biệt lập với thế giới bên ngoài. Dân cư ở Tà Lài chủ yếu là người dân tộc thiểu số với cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu. Cùng với phong trào xây dựng NTM, hệ thống cầu, đường, trường trạm... được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh. Chủ tịch UBND xã Tà Lài Lê Hữu Thanh so sánh, trước đây, cuộc sống của người dân ở xã rất khó khăn, đường về xã và các ấp chủ yếu là đường đất mưa lầy, nắng bụi. Nhưng ngày nay, ngay cả ấp 4 là nơi xa xôi, hẻo lánh nhất của xã cũng đã được đầu tư đường nhựa về tận nhà dân, vào tận cánh đồng. Xã cũng được đầu tư đầy đủ hệ thống trường học, trạm y tế, điện thắp sáng để phục vụ đời sống nhân dân. Theo đó, người dân cũng có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất với cuộc sống ngày càng khá, giàu.

Huyện chiến khu Vĩnh Cửu sau chiến tranh rất nhiều xã nghèo, đất đai cằn cỗi. Xã Mã Đà từng là địa phương khó khăn nhất của huyện khi suốt bao năm dài gắn liền với tên gọi “xã 4 không” vì đa số các hộ dân trong xã đều là người nhập cư nghèo không hộ khẩu, không đất đai, nhiều trẻ em không có điều kiện đến trường...

Ông Nguyễn Văn Phượng, nông dân tại xã Mã Đà chia sẻ, cuộc sống hiện nay của người dân vùng này đã thay đổi rất nhiều so với trước. Đường giao thông, trường học, trạm xá... được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Sản xuất nông nghiệp vốn chủ yếu làm vườn tạp, trồng cây hằng năm cho thu nhập thấp cũng được thay bằng những cây trồng cho lợi nhuận cao. Nông dân giàu lên càng có điều kiện đóng góp xây dựng NTM. Vùng đất từng bị chiến tranh tàn phá khi xưa nay đã trở thành nơi đất lành cho người dân yên tâm lập nghiệp, làm giàu.

Trong đó, tiêu chí về giáo dục luôn được các địa phương đặc biệt quan tâm. Ông Phạm Minh Phước, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu chỉ ra khó khăn trong đầu tư về trường lớp cho các xã vùng sâu là nhiều xã có địa hình phức tạp, dân cư và trường học phân bố không tập trung, cơ sở vật chất của các trường học chỉ đảm bảo ở mức tối thiểu, phần lớn đã xây dựng từ lâu bị xuống cấp. Khó khăn không nhỏ là do còn nghèo, người dân chưa chú trọng đến việc học của trẻ em nên thường “khoán trắng” cho nhà trường, hiện tượng học sinh bỏ học vẫn còn tồn tại.

“Cùng với phong trào xây dựng NTM, hệ thống trường học ở các xã nông thôn được đầu tư bài bản. Các trường học được đầu tư về phòng ốc, trang thiết bị dạy học đạt chuẩn, cảnh quan trường học xanh, sạch, đẹp. Ngoài ra, từ nguồn vận động xã hội hóa, nhiều trường học trên địa bàn huyện đã đầu tư được khu hồ bơi hiện đại cho học sinh học ngoại khóa với học phí rẻ” - ông Phước nói.

* Làng quê giàu đẹp, an toàn

Trong giai đoạn tới, Đồng Nai tiếp tục tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: tập trung sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; vấn đề môi trường; vấn đề an ninh trật tự.

Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia được đầu tư tại xã vùng sâu Phú Lý (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên
Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia được đầu tư tại xã vùng sâu Phú Lý (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên

Trong sản xuất, nông dân hiện nay rất năng động, sáng tạo trong ứng dụng khoa học - công nghệ cao vào sản xuất, làm giàu. Bắt tay vào xây dựng NTM, xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ) là một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 35%, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm chưa đến 10 triệu đồng/người/năm. Địa phương này đã có bước đột phá trong xây dựng NTM, nhất là trong đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và điều kiện sống cho nông dân.

Mục tiêu trong năm 2020, toàn tỉnh có thêm 7-8 xã NTM nâng cao; có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Dự kiến Đồng Nai tiếp tục đạt và vượt mục tiêu đề ra vì hiện toàn tỉnh đã có thêm 5 xã hoàn thành NTM nâng cao, 12 xã khác đều đạt từ 15-19 tiêu chí; có 3 xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu.

Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San cho biết, Cẩm Mỹ là địa phương phát triển diện tích hồ tiêu thuộc tốp đầu của tỉnh, trong đó, Lâm San đứng đầu về diện tích hồ tiêu của huyện. Hàng trăm nông dân ở địa phương này thoát nghèo vươn lên làm giàu đều nhờ cây trồng này. Tuy vài năm trở lại đây, hồ tiêu rớt giá nhưng đây vẫn là cây trồng chủ lực của địa phương. Nhằm tăng sức cạnh tranh cho cây trồng này, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới để tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư. Họ cũng liên kết lại xây dựng những vùng chuyên canh lớn, sản xuất theo hướng hữu cơ đạt chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính để có đầu ra bền vững hơn.

Là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi cửa ngõ giao thông huyết mạch nối liền các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Tây nguyên với TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ, người dân từ khắp các tỉnh, thành về Đồng Nai lập nghiệp nên tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức tác động đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong đó, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Theo đó, tiêu chí đảm bảo an ninh trật tự luôn được các địa phương chú trọng trong xây dựng NTM với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 42 mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh trật tự với sự tham gia của toàn thể người dân từ thanh niên tới phụ nữ, góp phần xây dựng khu dân cư, xã, phường đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự.

Một trong những mô hình nổi bật là Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự tỉnh với mục tiêu thực hiện hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ những người lầm lỗi khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống sau khi đã chấp hành xong án phạt tù, hạn chế tình trạng tái phạm tội, nhất là tại địa bàn nông thôn. Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự tỉnh đã tiếp nhận hàng chục tỷ đồng, giúp đỡ cả ngàn lượt người được vay vốn tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm được tỷ lệ tái phạm tội. Ngoài việc xuất hiện nhiều gương điển hình tái hòa nhập cộng đồng sản xuất, kinh doanh giỏi ổn định cuộc sống, họ còn tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương bằng cách tham gia CLB Thắp sáng niềm tin. Tính đến nay, toàn tỉnh có 59 CLB Thắp sáng niềm tin với hơn 1,6 ngàn thành viên tham gia.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều