Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm nguyên nhân cá nuôi làng bè Hiệp Hòa chết bất thường

11:08, 03/08/2020

Gần 1 tháng trở lại đây, cá nuôi trong các lồng, bè trên sông Cái thuộc khu vực P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) có hiện tượng lờ đờ, bỏ ăn và nổi đầu lên mặt nước...

Gần 1 tháng trở lại đây, cá nuôi trong các lồng, bè trên sông Cái thuộc khu vực P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) có hiện tượng lờ đờ, bỏ ăn và nổi đầu lên mặt nước. Hiện tượng cá chết đang có xu hướng tăng nhanh, gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Hiện mỗi ngày, người nuôi cá bè trên sông Cái đều phải vớt cá chết. Ảnh: B.Nguyên
Hiện mỗi ngày, người nuôi cá bè trên sông Cái đều phải vớt cá chết. Ảnh: B.Nguyên

Các cơ quan chức năng đã vào cuộc tìm nguyên nhân cá chết bất thường này nhằm tránh rủi ro cá chết hàng loạt như từng xảy ra trước đó.

* Không đủ oxy trong nước

Trước phản ánh của người nuôi cá bè trên sông Cái về tình trạng cá bè chết bất thường, Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) đã nhiều lần về khu vực nuôi cá bè khảo sát, kiểm tra.

Kết quả quan trắc môi trường khu vực nuôi cá bè trên sông Cái thuộc khu vực P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) của Chi cục Thủy sản trong tháng 7 cho thấy nhiều thông số về môi trường nuôi vẫn trong giới hạn cho phép. Cụ thể, các thông số quan trắc NO2, N-NH4 +, PO4 3-, COD, TSS, H2S vẫn ở trong ngưỡng giới hạn cho phép. Riêng thông số oxy hòa tan (DO) luôn thấp với mức dao động từ 2,8-3,0 mg/l (có lúc xuống 2,6 mg/l), chưa đạt yêu cầu dành cho mục đích đặt lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Gần nhất là kết quả kiểm tra môi trường nước của Chi cục Thủy sản vào buổi sáng ngày 29-7, hàm lượng oxy hòa tan trong nước mặt tại khu vực bè nuôi cá trên sông Cái còn thấp hơn rất nhiều so với kết quả đo trước đó. Cụ thể, hàm lượng oxy hòa tan trong nước mặt tại các bè nuôi cá chỉ khoảng 1,8 mg/l; hàm lượng oxy hòa tan ở khu vực bờ sông gần khu vực bè nuôi đạt 2,5 mg/l và ở khu vực giữa sông là 3,2 mg/l, đều thấp hơn QCVN cho phép là từ 4mg/l. Đặc biệt hàm lượng oxy tại bè nuôi cá thấp hơn khoảng 2,5 lần so với mức quy chuẩn cho phép. Kết quả đo dòng chảy của nước sông trong bè chỉ từ 0-0,1 (gần như không chuyển động) trong khi ở ngoài khu vực bè nuôi là gần 0,3. Đây cũng là nguyên nhân khiến hàm lượng oxy trong khu vực bè nuôi thấp hơn các khu vực khác trên sông.

Theo ông Trần Văn Quyết, chủ bè cá trên sông Cái, hơn 1 tháng nay, cá nuôi trong bè có hiện tượng lờ đờ, bỏ ăn và nổi đầu lên mặt nước. Nhận thấy đây là hiện tượng cá bị ngộp vì thiếu oxy nên ông Quyết cho hệ thống máy sục cung cấp oxy hoạt động suốt 24/24 giờ. “Trước đây, các bè nuôi thường chỉ bật máy cung cấp oxy hoạt động vào những thời điểm con nước đứng, hàm lượng oxy thấp. Hiện tôi phải cho máy sục oxy hoạt động suốt ngày đêm vì chỉ cần tắt máy là cá nổi lên chết trắng bè”.

* Lượng cá chết tăng nhanh mỗi ngày

Điều đáng báo động là tình trạng cá chết tại khu vực nuôi cá bè trên sông Cái đang tăng nhanh mỗi ngày gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Ông Trần Văn Trung, một chủ bè cá khác tại khu vực này vừa vớt cá chết vừa xót xa: “Tháng trước, cá chỉ chết lác đác nhưng hiện cứ vài tiếng là tôi phải vớt cá chết một lần, mỗi lần vớt là cả hàng trăm ký. Tình trạng cá chết đang tăng nhanh và hầu như bè nào ở khu vực này cũng bị thiệt hại”.

Nhằm giảm bớt thiệt hại, nhiều người nuôi cá bè có cá trọng lượng lớn đang tranh thủ bán cá. Tuy nhiên hiện do thị trường tiêu thụ chậm, thương lái chỉ thu mua cầm chừng khiến người nuôi cá như “ngồi trên đống lửa”.

Ông Nguyễn Văn Vỵ, người nuôi cá bè lâu năm ở làng bè Hiệp Hòa cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến cá chết có thể do nguồn nước ô nhiễm từ việc xả thải, khiến cá thiếu oxy. Mong các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt hơn trong việc kiểm tra các nguồn xả thải để bảo vệ nguồn nước sông.

Trước tình trạng cá chết bất thường, Chi cục Thủy sản đã có văn bản gửi đến UBND TP.Biên Hòa kiến nghị thực hiện nhiều giải pháp như: hướng dẫn người dân neo đậu bè đúng khoảng cách, bảo đảm dòng chảy thông thoáng nhằm tăng khả năng trao đổi nước trong bè, lồng. Khuyến cáo người nuôi tăng cường sục khí, quạt nước, sủi oxy để tăng cường cung cấp oxy cho cá, nhất là vào thời điểm con nước đứng. Chủ động giảm sinh khối, giảm mật độ cá nuôi trong lồng bè so với mùa khô. Tăng cường diệt khuẩn, vệ sinh lồng bè sạch sẽ, thông thoáng. Ngoài ra, người nuôi cũng phải chủ động giữ gìn vệ sinh môi trường ở khu vực nuôi cá bằng cách vớt cá chết, thu gom rác thải sinh hoạt ở khu vực nuôi...

Bình Nguyên

Tin xem nhiều