Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải ngân vốn FDI về đích sớm

09:08, 04/08/2020

Trong 7 tháng của năm 2020, giải ngân vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) gần 710 triệu USD, đạt 118% so với kế hoạch đề ra. Như vậy, giải ngân vốn FDI của Đồng Nai là một trong số ít chỉ tiêu về kinh tế đã hoàn thành và vượt kế hoạch năm.

Trong 7 tháng của năm 2020, giải ngân vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) gần 710 triệu USD, đạt 118% so với kế hoạch đề ra. Như vậy, giải ngân vốn FDI của Đồng Nai là một trong số ít chỉ tiêu về kinh tế đã hoàn thành và vượt kế hoạch năm.

Công ty TNHH Công nghiệp Boss (H.Trảng Bom) liên kết với một số doanh nghiệp khác sản xuất các thiết bị y tế xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Ảnh: H.Giang
Công ty TNHH Công nghiệp Boss (H.Trảng Bom) liên kết với một số doanh nghiệp khác sản xuất các thiết bị y tế xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Ảnh: H.Giang

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 32 khu công nghiệp và thu hút doanh nghiệp (DN) của 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào. Trong đó, 1.352 dự án vốn FDI với tổng vốn đăng ký gần 26,2 tỷ USD, vốn thực hiện 20,24 tỷ USD.

* Giải ngân vốn nhanh

Dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại Việt Nam cũng như thế giới, song các DN FDI vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của Đồng Nai. Điều đó được thể hiện qua việc nguồn vốn đăng ký của DN đã được giải ngân nhanh hơn so với kế hoạch ban đầu.

Năm 2020, tỉnh ước tính nguồn vốn FDI giải ngân được 600 triệu USD nên đã giao kế hoạch cho các sở, ngành. Tuy nhiên đến cuối tháng 7-2020, nguồn vốn giải ngân đã vượt 18% so với kế hoạch năm. Dự tính trong 5 tháng cuối năm, nguồn vốn FDI được giải ngân có thể tăng thêm vài trăm triệu USD.

Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết: “Tuy tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhiều DN FDI đăng ký thêm những ngành sản xuất mới và mở rộng được thị trường đầu ra. Do đó, DN đã đầu tư thêm vốn để thuê, xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị nâng công suất đáp ứng các đơn hàng”. Cũng theo ông Cường, lĩnh vực DN FDI trên địa bàn tỉnh đăng ký mở rộng thêm sản xuất chủ yếu là may khẩu trang, quần áo bảo hộ, găng tay, thiết bị y tế.

Ngoài ra, trên các lĩnh vực khác cũng có những DN FDI tìm được thị trường đơn hàng mới nên tiếp tục tăng vốn lớn và nhanh chóng giải ngân như: Dự án của Công ty TNHH Bao bì nước giải khát Crown Đồng Nai ở Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa) tăng vốn thêm 94,2 triệu USD; Công ty TNHH Longwell ở Khu công nghiệp Dầu Giây (H.Thống Nhất) chuyên sản xuất giày dép thêm vốn 88 triệu USD  để lắp đặt thêm dây chuyền, máy móc nhằm tăng công suất đáp ứng các đơn hàng lớn.

Ông Quách Thuận Đức, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) cho hay: “Nhiều đơn hàng trong nước, xuất khẩu bị giảm nên DN buộc phải tìm các đối tác mới ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu bù lại. Tuy nhiều DN gặp khó khăn, nhưng cũng có DN may mắn vẫn tìm được khách hàng mới và mở rộng sản xuất. Khi mở rộng sản xuất sẽ tăng vốn đầu tư”.

* Thêm nhiều ngành nghề

Nhiều DN FDI đã kịp thời mở rộng thêm ngành nghề sản xuất, kinh doanh để có thêm doanh thu và việc làm cho người lao động. Cụ thể, các DN trên lĩnh vực dệt may sản xuất thêm khẩu trang vải, quần áo bảo hộ, găng tay để xuất khẩu. Đây là mặt hàng đang được nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tăng nhập khẩu với số lượng khá lớn. Một số DN FDI tại Đồng Nai kịp thời chuyển đổi sang may những sản phẩm trên đã tăng sản xuất thêm 3-5 lần so với trước đây và đầu ra luôn hút hàng.

Bên cạnh đó, nhiều DN FDI đang sản xuất máy móc, thiết bị, thuê, xây dựng thêm nhà xưởng, lắp đặt thêm dây chuyền máy móc sản xuất các thiết bị, máy móc y tế xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.

Ông Trần Bá Tuấn, Quản lý sản xuất Công ty TNHH Daiwa Light Alloy Industry Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch) chia sẻ: “Dịch bệnh Covid-19 dẫn đến một số khách hàng ở nước ngoài giảm, giãn đơn hàng. Vì thế, công ty phải tìm thêm khách hàng mới và làm theo đơn đặt hàng nhiều loại máy móc, thiết bị khác nhau để đáp ứng nhu cầu của các DN khác”. Do có đội ngũ tay nghề cao nên công ty dễ dàng thực hiện các đơn hàng mới và khó nên được nhiều DN FDI khác tin tưởng đặt hàng.

Theo ông Peter Wu, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai, một số DN Đài Loan trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, sản xuất máy móc thiết bị đã hợp tác với nhau mở thêm công ty, xưởng sản xuất các loại máy móc, thiết bị cho ngành Y tế nên doanh thu và đầu ra khá ổn định.

DN FDI phần lớn có tiềm năng về vốn, thuận lợi hơn so với DN trong nước về tìm, mở rộng thị trường xuất khẩu nên dễ dàng trụ lại và chuyển hướng sản xuất trong thời điểm dịch bệnh để tồn tại và phát triển.

Hiện nay, Đồng Nai là một trong những tỉnh đang dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn FDI. Trong khi cả nước giải ngân vốn FDI gần 60% thì Đồng Nai đạt 77%.

Hương Giang

Tin xem nhiều